Những dòng nhớ trong Thôn '9 hóc'

Nhà báo Mạnh Hoài Nam vừa ra mắt bạn đọc hai tập truyện, một ngắn một dài. Nếu như Yêu lắm Cù Mông là những mảnh ghép tái hiện đời sống ở một vùng nông thôn thì tập truyện dài Thôn “9 hóc” là những dòng nhớ, những kỷ niệm chảy dài mải miết.

Bìa tập truyện dài Thôn “9 hóc”. Ảnh: YÊN LAN

Bìa tập truyện dài Thôn “9 hóc”. Ảnh: YÊN LAN

Theo tác giả Mạnh Hoài Nam, truyện dài Thôn “9 hóc” có bóng dáng của cuốn tạp bút Về lại Ô Loan mà anh đã in vào năm 2016. “Trong tập tạp bút, câu chữ tuôn ra theo dòng hồi ức tuổi thơ, tình yêu xóm làng, ruộng đồng… Tôi “làm mới” bằng cách ghép lại bức tranh làng quê, qua góc nhìn và tâm tư của một người gắn bó với mảnh đất đã nuôi mình lớn khôn…”, anh chia sẻ.

Thôn “9 hóc” có tiếng con tắc kè kêu ở xóm hóc Kè và trái ổi ghẻ, có cái trổ máng ở xóm hóc Son, có tiếng kêu “cút kít, cò ke” xóm hóc Tre, có mùa keo chín ở hóc Bà Nỗ… Những chi tiết, câu chuyện trong Thôn “9 hóc” được kể với giọng văn giản dị, đậm chất “Nẫu” của Mạnh Hoài Nam. Tác giả thủng thẳng kể chuyện, có thể tưởng tượng rằng anh vừa nhấp ngụm nước trà vừa kể chuyện: “Thôn “9 hóc” chỉ có một lò rèn. Ở thôn “9 hóc” có thuật ngữ lạ thường nói mỗi khi đến lò rèn, đó là khi làm ra sản phẩm mới, gọi là “cháy”, như cháy cái rựa, cái dao. Còn cái rựa cùn làm thành rựa bén gọi là “o” lại cái rựa, hay như cái cuốc cùn dày lưỡi, thợ rèn đập ra cho mỏng mép gọi là “me” lại cái cuốc… Sông Cái chảy qua khỏi vực Lò, “ghé” vào thôn “9 hóc” đầu tiên là vực hóc Bướm. Từ ngày có trạm bơm Hóc Bướm đưa nước về, cánh đồng hóc Mằng Gà no nước, ruộng lúa “ôm cua” qua xóm nhà. Có nhà màu xanh ruộng lúa “ghé” sát sau hè, có nhà chiều ngồi uống nước trà bên góc sân thò tay ra bứt được gié lúa…”.

Thôn “9 hóc” có má, có chị hai…, với những ký ức rưng rưng một thuở nghèo khó. “Má nấu hai lon gạo, ăn bữa cơm chiều xong còn dư cơm nguội, sáng ra má nướng con cá trích mặn rồi nhường thức ăn cho các con, còn má vốc nắm cơm nguội ăn với đường đen đựng trong lu, rồi má đi làm đồng. Đến mùa cấy mạ, má qua bên kia sông Con đi cấy thuê từ đồng này sang đồng khác kiếm tiền. Sáng, má nấu cơm nóng dỡ ra đồng, để gói cơm trên bờ ruộng, lội sình miệt mài khom lưng cấy lúa. Gặp ngày trời mưa, bữa cơm trưa ngồi ăn trên bờ ruộng dưới làn mưa xối xả, nước trên nón cời (nón lá bung vành) rơi xuống, nước mưa chan cơm…”. Thôn “9 hóc” chứa đựng biết bao hồi ức, biết bao kỷ niệm của nhân vật: “Tính từ ngày ruộng nhà tôi “mất mùa riêng” đến năm trạm bơm Hóc Bướm đưa nước về, rồi cánh đồng hóc Mằng Gà “được mùa” lúa chét, kéo cưa 9 năm, thời gian dài như tiếng con tắc kè kêu rời rạc năm nào. Cái rễ gốc mít trước ngõ lúc tôi vấp ngã làm đổ thau gạo, qua 9 năm trồi to lên thấy rõ”. Nơi đây có Phượng - người bạn thân cùng lớp thời niên thiếu, có Hồng - người con gái mà nhân vật “tôi” để ý, đem lòng yêu. “Phượng rời xa thôn “9 hóc” về quê mẹ ở ngoài Bắc, lập gia đình, sống bằng nghề thợ may. Phượng đi xa, tôi ở lại “gánh” cuộc đời qua thôn “9 hóc”.

Có thể thấy, xuyên suốt Thôn “9 hóc” của nhà báo Mạnh Hoài Nam là những dòng nhớ mải miết chảy.

Nhà báo Mạnh Hoài Nam (bút danh La Hai, Trâm Trân) sinh năm 1973, quê ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân. Anh là phóng viên Báo Phú Yên, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên.

NGỌC LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/240484/nhung-dong-nho-trong-thon--9-hoc.html