Những giấc mơ màu đỏ

1 - 'Chị đưa mẹ về với mẹ Thứ và các anh! Em sắp xếp được thì đi cùng chị!', chị Hồng gọi cho tôi trong mùa tri ân tháng Bảy. Tôi ngạc nhiên bởi mẹ chị-Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Luốt đã từ trần từ mấy năm trước.

Khi còn sống, cụ mấy lần đòi về quê, nhưng được con cháu động viên, quan tâm chăm sóc tận tình, cụ cũng nguôi ngoai nỗi nhớ mái nhà, khu vườn bên con sông Thu Bồn nhiều kỷ niệm. Chị Hồng cải tạo khoảng sân bê tông thành mảnh vườn xanh mát, có tiểu cảnh mô hình đồi núi, có “dòng sông” nhân tạo nhỏ xinh mô phỏng con sông Thu Bồn, có cây lá cỏ hoa và tiếng chim líu lo, cánh bướm dập dờn...

Sáng sáng, chị đưa mẹ ra vườn, cụ vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa ngắm bướm hoa, nghe chim hót trong tiếng nước chảy rí rách. Thỉnh thoảng cháu nội của cụ là một nữ nghệ sĩ piano lại đệm cho cụ nghe những bản nhạc về quê hương, kháng chiến. Dần dần, cụ Luốt quen với cảnh “làng trong phố”, sống vui, sống khỏe, quây quần bên con, cháu, chắt. Sau ngày được con cháu tặng quà chúc mừng đại thọ 100 tuổi thì sức khỏe cụ yếu dần rồi qua đời. Thế mà hôm nay chị Hồng nói đưa mẹ về Quảng Nam là sao? Tôi hỏi mới biết, chị rước bức tượng đồng chân dung mẹ về quê nhà. “Nhiều đêm chị nằm mơ thấy cảnh mẹ ngồi bên mẹ Thứ, cùng cha và các anh đào hầm bí mật. Có đêm thấy mẹ phất cờ, chạy như bay trên cánh đồng rực màu đỏ. Có lẽ mẹ muốn trở về quê cha đất tổ sum họp cùng bạn kháng chiến, bên cha và các anh nên chị rước tượng mẹ về”, chị Hồng nghẹn ngào nói.

Chị Trần Thu Hồng quê ở xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, hiện sinh sống tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Cái duyên nghề báo đưa tôi gặp chị hơn 10 năm trước và được chị quý mến như một người em. Chị là nữ tù binh nhỏ tuổi nhất Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: 10 tuổi được cha mẹ dìu dắt đi theo cách mạng; 13 tuổi bị địch bắt, đày qua nhiều nhà lao, bị tra tấn cực hình tàn khốc. Mẹ chị có chồng và 3 người con trai là liệt sĩ. Ở quê hương Quảng Nam, gia đình chị là một trong những tấm gương sáng mẫu mực về truyền thống cách mạng.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về hình ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tân ở Đô Lương, Nghệ An khi nhận được hài cốt của con trai. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về hình ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tân ở Đô Lương, Nghệ An khi nhận được hài cốt của con trai. Ảnh: TTXVN

Chúng tôi hành trình bằng xe ô tô. Tượng mẹ Luốt phủ vải điều, được chị Hồng ôm trong lòng. Dọc đường hồi hương, đi qua các nghĩa trang liệt sĩ, di tích lịch sử kháng chiến... chị Hồng lại đưa mẹ vào, thắp hương, khấn vái, hai mắt chị đỏ hoe, ngân ngấn nước. Về đến quê nhà, chị đưa mẹ ra khu vườn bên bờ sông Thu Bồn, nơi mẹ đã đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ kháng chiến, cất giấu vũ khí cho bộ đội Quảng Nam, nơi cha bị chỉ điểm khui hầm, sa vào tay giặc. Theo đề nghị của cấp ủy, chính quyền địa phương, chị Hồng đã hiến tượng chân dung mẹ Luốt tặng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, đưa vào Nhà trưng bày Quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Nơi đó, mẹ Luốt được ở cạnh người chị yêu quý-Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ. Những người mẹ liệt sĩ, những người mẹ anh hùng, những người phụ nữ giàu đức hy sinh cùng quê hương “chưa mưa đã thấm” từng ôm nhau khóc trong những cuộc họp mặt sau ngày đất nước thống nhất, nay hồn thiêng đã hóa linh khí nước non, lại về ở bên nhau trong ấm áp khói hương!

Chị Hồng cầm bó nhang, tay run run... Chị phủ phục dưới chân tượng các bà mẹ, khóc nấc lên. Chúng tôi cũng rưng rưng nước mắt, cảm nhận luồng khí linh thiêng nóng lên trong từng mạch máu, chảy rần rật vào tim, lên óc. Các mẹ đã về trời, mang theo nỗi đau thương, mất mát khôn cùng. Và những thời khắc thiêng liêng như thế, biết bao bà mẹ ở khắp các vùng quê trên đất nước này, biết bao người con cũng đang chung tâm trạng như thế. Khói nhang thăng thiên hòa vào mây trắng, ngưng tụ, bềnh bồng trên cõi cao xanh. Nơi miền mây trắng ấy, các bà mẹ đã gặp các con, gặp những người anh, người chị mãi mãi tuổi thanh xuân của chúng con. Lời ru của mẹ nơi ấy không cất lên thành tiếng như mẹ từng ru con bên vành nôi những ngày ngậm sữa, nhưng nước mắt, tình mẫu tử, nghĩa nước non, đức hy sinh, lòng thành kính... thì ở đâu, lúc nào cũng giống nhau, bởi đó là tinh hoa của ngọn nguồn linh khí...

Đêm trên đất thiêng xứ Quảng, tôi ngủ sâu sau khi xem bức tranh chị Hồng đặt một họa sĩ vẽ theo ý tưởng từ giấc mơ của chị. Bức tranh có hình ảnh người mẹ, có bóng dáng các con chiến sĩ, có chiến trường khói lửa, ảo mờ như khói mây trên bầu trời ráng đỏ... Thế rồi trong giấc mơ, tôi cũng thấy những khung trời màu đỏ, màu của lá Quốc kỳ vời vợi trên cao...

2 - Mấy hôm nay, nhiều phương tiện truyền thông và các tài khoản trên mạng xã hội đăng tải, chia sẻ hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính nâng niu bức ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Lự, ở Đô Lương, Nghệ An. Khoảnh khắc ấy được chụp tại Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sĩ, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, khi Thủ tướng đến thăm, làm việc vào chiều 25-7-2022. Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng xúc động chia sẻ câu chuyện về Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Lự. Thủ tướng nói: “Mẹ đã khóc đớn đau trong hạnh phúc tìm thấy một người con nhưng vẫn hỏi sao không đưa luôn người con thứ hai của mẹ cũng đã hy sinh về, khi con đi, con mới chỉ 17 tuổi. Hai con trai của mẹ hy sinh cách nhau chỉ có hai ngày. Rồi mẹ đã ra đi khi không còn chờ tìm được phần mộ hoặc hài cốt người con thứ hai. Mẹ mang theo cả câu hỏi chưa có câu trả lời về đất mẹ mà ám ảnh tất cả chúng ta...”.

Vâng! Câu chuyện của Thủ tướng, khoảnh khắc xúc động của Thủ tướng khiến tất cả chúng ta đều xúc động, ám ảnh. Chúng ta xúc động vì dù thời gian đã lâu, độ lùi lịch sử đã sâu, nhưng sự mất mát, hy sinh máu xương của các anh hùng liệt sĩ trong tâm khảm những người đang sống, nhất là những người mẹ, người vợ, vẫn vô cùng dai dẳng. Chúng ta ám ảnh vì toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, sau 75 năm hành trình tri ân đền ơn đáp nghĩa, với những nỗ lực, cố gắng cao nhất, vẫn chưa thể và không thể bù đắp nổi những mất mát, hy sinh to lớn ấy. Thủ tướng Phạm Minh Chính kể rằng, khi ông đi dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt-Lào, có gần 12.000 ngôi mộ thì có tới 7.000 ngôi mộ thiếu thông tin. Nhiều gia đình vẫn ngày đêm mòn mỏi lấy thông tin trên những tờ giấy đã bạc màu, chữ đã mờ để đi nhờ tìm thông tin, giải mã với hy vọng tìm thấy người thân...

Đó là những câu chuyện, những góc nhìn cận cảnh mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy, cảm thấu trên những nẻo đường tri ân. Những năm qua, các đơn vị, tổ chức làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã đưa về đất mẹ an táng hàng chục nghìn hài cốt, nhưng con số ấy so với danh sách liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt vẫn còn nhỏ bé. Có những liệt sĩ mãi mãi không thể tìm được hài cốt, đó là những chiến sĩ cảm tử, đặc công, biệt động, trinh sát... Các anh, các chị đã tự nguyện biến xác thân mình thành tro bụi để đổi lấy chiến thắng trên chiến trường. Có những chiến sĩ, thương binh, bệnh binh, mấy chục năm rồi vẫn âm thầm chịu đựng những cơn đau do vết thương hành hạ. Có những người trí nhớ đã mờ khói sương, trong bệnh viện tâm thần hay trong các trung tâm điều dưỡng, ngày đêm vẫn vang lên tiếng hô xung phong. Có những người mẹ, người vợ liệt sĩ, tóc đã bạc, lưng đã còng, hằng đêm vẫn mơ giấc mơ màu đỏ, mong chờ một phép màu để có thể đón được người từ cõi chết trở về, dù chỉ là nhúm xương phủ lá Quốc kỳ đỏ thắm... Đó là những hình ảnh chạm đến tầng sâu thẳm của lương tâm, đang hiện diện khắp nơi trên đất nước này. Đề tài thương binh-liệt sĩ đã được đông đảo các thế hệ văn nghệ sĩ, trong đó có những nghệ sĩ, nhà văn chiến sĩ, tay bút, tay súng bước ra từ cuộc chiến tranh dồn tâm huyết khai thác, thể hiện. Tuy nhiên, mảng đề tài thiêng liêng này vẫn còn là “món nợ” của người cầm bút, bởi các tác giả, tác phẩm cho đến hôm nay vẫn chưa thể lột tả đầy đủ nỗi đau của mất mát, hy sinh và tầm vóc vĩ đại của chiến tranh cách mạng. Hành trình tri ân, vì thế, cả về đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công với nước, tiếp tục là cuộc hành trình của trách nhiệm, bổn phận, của phẩm giá, lương tri. Nói theo cách của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tri ân là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi chúng ta...

75 năm rồi! Dịp này, chúng ta dồn tâm huyết và trách nhiệm cho những chương trình, phong trào, hành động tri ân đền ơn đáp nghĩa, để cho nhịp sống lắng đọng những giá trị nhân văn như là một dấu mốc của cuộc hành trình. Và, chúng ta lại tiếp tục chặng đường mới của cuộc hành trình ấy với những ý tưởng, chương trình, hành động tốt hơn, hiệu quả hơn.

Ai trong đời cũng lớn lên từ những giấc mơ. Có những giấc mơ mãi mãi tuổi hai mươi được lưu sử sách. Ở đó, những người sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc đều mơ ước rằng khi mình ngã xuống, đất nước có hòa bình, thống nhất, đồng bào có cuộc sống hạnh phúc, ấm no, dân tộc vươn lên sánh vai với cường quốc năm châu. Chúng ta, những người được hưởng nền hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do do cha anh mang lại, có bổn phận viết tiếp giấc mơ ấy. Đoàn kết chung tay xây dựng một nước Việt Nam hùng cường là cách tri ân cao đẹp, bởi đó là giấc mơ của cha anh chúng ta, những người đã hóa hồn thiêng sông núi...

Tùy bút của PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/nhung-giac-mo-mau-do-701004