Những giai điệu vẽ bằng màu sắc

Nhân kỷ niệm 90 năm sinh họa sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn (1929 -2019), từ ngày 19 đến 28-7, tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền (Hà Nội), Hội Mỹ thuật Việt Nam, gia đình họa sĩ và người đại diện bộ sưu tập tranh phối hợp tổ chức triển lãm tranh và giới thiệu sách của ông. Đây là sự kiện ý nghĩa nhằm tri ân những đóng góp của họa sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đối với nghệ thuật Việt Nam.

Triển lãm tranh của họa sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn:

Tác phẩm của họa sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn.

Tác phẩm của họa sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn.

Họa sĩ Nguyễn Đức Toàn sinh năm 1929 tại Hà Nội. Năm 1944 ông vào học lớp dự bị tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1947 ông sáng tác ca khúc “Tiếng hát Đông Khê”, năm 1950 sáng tác ca khúc “Chiều hậu phương” ca ngợi cuộc sống ở các vùng quê mới giải phóng (Chiến dịch Tây Bắc).

Năm 2000 ông vinh dự được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho sáu ca khúc tiêu biểu: “Quê em”, “Biết ơn Võ Thị Sáu”, “Đào công sự”, “Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương”, “Tình em biển cả” và “Chiều trên bến cảng”.

Nhà Phê bình mỹ thuật Quang Việt, Giám tuyển độc lập của bộ sưu tập tranh tư nhân về họa sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, viết về ông: “Ở nước ta, có nhiều nhạc sĩ vẽ, nhưng dường như chỉ có ba nhạc sĩ coi vẽ như nghề-nghiệp thứ hai của mình: Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc và Nguyễn Đức Toàn. Họ thật sự là những họa sĩ”.

Từ những năm 1980, Nguyễn Đức Toàn hầu như chỉ chuyên tâm vào vẽ, vừa để thỏa lòng say mê, những ước vọng về hội họa ấp ủ đã lâu, mà cũng vừa để “sống” trong thời kỳ bao cấp quá khó khăn của đất nước khi đó. Ông vẽ rất nhiều, rất nhiều và vẽ bằng đủ các chất liệu, từ khắc gỗ, bột màu, mực nho, lụa cho đến sơn dầu, sơn mài (vẽ sơn mài thiếu vóc, ông tự làm lấy vóc). Trong các họa sĩ - nhạc sĩ, ông là người sử dụng nhiều loại chất liệu nhất. Và hội họa của ông rất được hâm mộ.

Tâm hồn Nguyễn Đức Toàn là tâm hồn của một nghệ sĩ yêu nước, yêu quê hương, chiến đấu vì tự do và cái đẹp. Ông cũng rất thích khai thác vốn cổ dân tộc, tìm về quá khứ cha ông, cả trong âm nhạc lẫn hội họa. Cái chất lính trong con người ông có thể bình dị ở ngoài đời, nhưng bao giờ cũng đầy khí phách, tráng kiện trong nghệ thuật.

Ông là một trong số vô cùng ít những nghệ sĩ đã liên kết được sức mạnh của cả âm nhạc và hội họa. Bên cạnh một Văn Cao họa sĩ “lập thể”, một Nguyễn Đình Phúc họa sĩ “biểu hiện”, thì Nguyễn Đức Toàn là một họa sĩ “trữ tình” như có cả hai cái đó.

VĂN HỌC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/40903602-nhung-giai-dieu-ve-bang-mau-sac.html