Những hiểm họa từ 'nhạc bẩn' với giới trẻ
Không chỉ riêng tại Việt Nam mà nhiều trang âm nhạc trực tuyến ở nước ngoài thời gian qua đã tồn tại những ca từ tục tĩu hoặc khiêu gợi, nhấn mạnh thông điệp về tình dục, thiếu chuẩn mực, thậm chí dung tục khiến người nghe bức xúc. Nguy cơ lớn nhất không phải là những người tạo ra dòng nhạc đó mà là những người nghe. Theo nhiều nhà chuyên gia đánh giá nó sẽ tạo ra một thế hệ mang thẩm mỹ thấp.
Âm nhạc trong giới trẻ trên thế giới vẫn luôn đang diễn ra sôi động, phát triển từng ngày với nhiều ca khúc đậm đà về tình yêu đôi lứa, tình bạn... Nhưng bên cạnh trong dòng chảy này, thực tế cho thấy không ít nhạc phẩm của giới trẻ có nội dung nhảm nhí, thô tục, phi văn hóa.
Vài năm trở lại đây, khi mà giới âm nhạc Underground (tạm dịch là: âm nhạc ngầm. Lúc đầu giới nhạc này chỉ có Rap-Hip hop, sau này phát triển rộng rãi hơn, gồm cả dòng làm R&B…) phát triển mạnh và hoạt động công khai hơn thì việc có nhiều ca khúc có từ ngữ bậy bạ, thậm chí đề cập thẳng đến vấn đề nhạy cảm như sex, chuyện giường chiếu xuất hiện tràn lan trên mạng.
Điều đáng nói, rất nhiều ca khúc được cho là “bẩn” ấy lại xuất hiện công khai ở một số chương trình biểu diễn có xin phép, sau đó là ngang nhiên trên một số trang nghe nhạc trực tuyến lớn của Việt Nam. Được xuất hiện công khai, lại được những trang nhạc lớn bảo trợ nên những bài hát này nhận được số lượng nghe “khủng” với tốc độ lan truyền nhanh đến chóng mặt, gây ảnh hưởng xấu đến một bộ phận giới trẻ.
Khi được hỏi về những ca khúc có ngôn từ “bẩn” do giới Undergound sản xuất và tự tung lên mạng, rất nhiều nhạc sĩ uy tín của âm nhạc Việt Nam bày tỏ sự phản đối, bất bình.
Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương, tác giả của ca khúc “Thu cuối” từng bị Yanbi, một người của giới Underground chế một đoạn Rap có nội dung tục tĩu khi lưu diễn tại Hải Phòng, cho biết: chị rất phẫn nộ và xấu hổ khi nghe đoạn Rap bẩn đó.
Hiện nay, giới Underground Việt đang chịu sự ảnh hưởng mạnh của văn hóa Mỹ, điều này hết sức nguy hại vì văn hóa Mỹ rất khác văn hóa Việt Nam. Ngay cả người Mỹ cũng không hẳn đã ủng hộ những ca khúc có ngôn từ bậy bạ mà giới Undergroud sáng tác.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường, người có nhiều kinh nghiệm trong làng âm nhạc và từng tham gia chấm điểm nhiều chương trình âm nhạc lớn của Việt Nam cho biết, không thể đánh đồng giữa văn hóa Âu – Mỹ với Việt Nam. Đành rằng, âm nhạc Underground có nguồn gốc từ Mỹ nhưng chúng ta tiếp thu, học hỏi văn hóa nước ngoài không có nghĩa là chúng ta bắt chước những cái không đúng với thuần phong mỹ tục trong nước.
Nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng cho rằng, âm nhạc có tác động rất mạnh đến thẩm mỹ, lối sống của giới trẻ. Dù âm nhạc là sự tự do sáng tạo nhưng cái gì cũng có chuẩn mực và phải hướng đến cái đẹp. Sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu như những sản phẩm âm nhạc bậy bạ này được cổ xúy và lan tràn trên các phương tiện nghe, nhìn chính thống.
Giới trẻ đang biện hộ rằng, âm nhạc Underground đang nói hộ nỗi lòng, tâm tư, suy nghĩ của mình nhưng rõ ràng nếu như cái gì cũng phô bày một cách trần trụi thì đâu thể gọi là nghệ thuật, thẩm mỹ được.
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cũng đã từng thẳng thắn chia sẻ: Nguy cơ lớn nhất không phải là những người tạo ra dòng nhạc đó mà là những người nghe. Hậu quả đáng ngại nhất là lứa học sinh cấp 1, cấp 2… sẽ tạo ra một thế hệ mang thẩm mỹ thấp.
Người bán rau bẩn bây giờ không bị mà người ăn mới bị. Con cháu chúng ta sẽ là người lãnh hậu quả, cũng giống như ăn rau bẩn vậy. Vì những người sáng tác ra thể loại âm nhạc bẩn xác định không làm vì nghệ thuật.
Nguyên nhân sâu xa này của thực trạng này là do giáo dục âm nhạc từ nhỏ đã không được coi trọng. Nếu chúng ta giáo dục một đứa trẻ từ nhỏ biết cái nào rau bẩn, cái nào rau sạch thì đương nhiên nó sẽ không bị nhiễm, sức kháng thể không bị yếu quá.
Cách tốt nhất để giải quyết đó là giáo dục âm nhạc từ mẫu giáo đến cấp 2 phải chuẩn để chúng không bị nhiễm bởi xã hội quá nhiều thông tin như bây giờ.
Hiện nay, khi chúng tôi viết bài này, những ca khúc “bẩn” mà chúng tôi phản ánh ở trên đã được gỡ bỏ khỏi các trang mạng nghe nhạc online nhưng dư âm về chúng vẫn đang là điều khiến nhiều người bức xúc.
Không chỉ riêng Việt Nam mà hiện tại ở nhiều quốc gia khác nhau thì các sản phẩm âm nhạc chứa những ca từ tục tĩu hoặc khiêu gợi, nhấn mạnh thông điệp về tình dục đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
Durrell Artaze Babbs, còn được biết đến với nghệ danh Tank, đã rất lo lắng khi gửi bản demo ca khúc When We cho quản lý nghe qua. Ngôi sao chuyên nhạc R&B hồi tưởng: "Tôi chưa bao giờ phát hành bài hát nào khiêu dâm đến vậy, thật điên rồ và đáng sợ".
Tank đâu ngờ rằng, đây chính là sản phẩm nắm giữ nhiều kỷ lục nhất trong sự nghiệp của anh, tính đến nay.
Ra mắt vào năm 2017, When We gồm hai phiên bản - một giữ nguyên những ca từ tục tĩu, một phiên bản được cho là "sạch sẽ" hơn để chủ nhân bản hit có thể trình diễn ở các show quan trọng. Ca khúc này đứng đầu bảng xếp hạng R&B dành cho người lớn của Billboard vào cuối năm 2018.
"Tôi chẳng sáng tạo thêm bất cứ điều gì về giọng hát, vẫn có chút R&B phù hợp với nhịp rap của tôi, phù hợp với phong cách Migos của chính tôi", Tank nhấn mạnh.
Theo South China Morning Post, việc R&B (Rhythm and Blues) vừa cạnh tranh nhưng đồng thời vẫn hợp tác với Hip-hop là một trong những lý do giúp thể loại này trỗi dậy mạnh mẽ.
Báo cáo của công ty Luminate cho thấy R&B/Hip-hop là thể loại nhạc phổ biến nhất nước Mỹ vào năm 2022, chiếm số lượng lớn sản phẩm hát theo yêu cầu ở quốc gia này và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng lượng tiêu thụ album.
Colby Tyner - Phó chủ tịch cấp cao phụ trách lập trình của Radio One và Reach Media (công ty điều hành mạng lưới phát thanh đô thị lớn nhất nước Mỹ) - nhận định: "Nền công nghiệp âm nhạc có vẻ đang trở nên ngông cuồng hơn vì một số ca sĩ R&B hoạt động như những rapper. Hai thể loại nhạc đã kết hợp với nhau".
Những giai điệu R&B kinh điển trong I'll Make Love to You (1994) của nhóm Boyz II Men dần được thay thế bằng cách hát văng tục của Chris Brown - một nghệ sĩ R&B đương đại - ở các sản phẩm được anh đầu tư chỉn chu. Đó chính là thực tế thị trường hiện nay.
Sự lãng mạn và gợi cảm luôn thể hiện cho hơi thở của nhạc soul. Nhưng giờ đây, đa số sản phẩm R&B đã thay thế những ca từ bóng gió bằng ngôn ngữ thẳng thừng, đề cập trực tiếp chủ đề 18+. Khi ngôn từ tục tĩu gia tăng, giới nhạc đã dấy lên luồng ý kiến trái chiều rằng nội dung có phù hợp hay không, và cần được thay đổi hay không? Sexual Healing của Marvin Gaye là dẫn chứng cụ thể cho những tranh cãi này.
Nhìn một cách nghiêm túc và thẳng thắn, không phải ai trong giới âm nhạc cũng nghĩ đến việc sáng tác ra những ca khúc có nội dung thô tục như vậy. Đôi khi họ phạm phải sai lầm vì chính những cái ranh giới quá mỏng manh. Hoặc họ làm hoàn toàn là vì khán giả chứ không cần quan tâm đến góc độ chuyên môn và nghệ thuật.
Cái chính là công chúng sẽ phải có cái nhìn rõ ràng hơn đâu là những tác phẩm nghệ thuật và đâu là những cái chỉ dùng để giải trí.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/giai-tri/nhac/nhung-hiem-hoa-tu-nhac-ban-voi-gioi-tre-503100.html