Những hoạt động quyên góp chống dịch của các tập đoàn lớn

Giữa bầu không khí u ám của đại dịch, thế giới vẫn còn rất nhiều hành động tử tế.

Đại dịch Covid-19 đã lật tẩy khía cạnh xấu xa của loài người, làm dấy lên nỗi sợ hãi kèm theo những hành vi bạo lực, phân biệt chủng tộc trên toàn cầu.

Tại Australia và một số quốc gia khác, cảnh sát được triệu tập chỉ để trấn giữ các siêu thị trước tình trạng mua sắm tích trữ hoảng loạn. Thậm chí, nhiều trường hợp đánh nhau chỉ vì cuộn giấy vệ sinh đã diễn ra.

Tuy nhiên, giữa bầu không khí u ám của đại dịch, thế giới vẫn còn rất nhiều hành động tử tế.

Các công ty, tập đoàn và người nổi tiếng vào cuộc

Ovidiu Olea, người sáng lập và giám đốc điều hành Công ty công nghệ tài chính Valoot, đã đặt mua 500.000 chiếc khẩu trang cho nhân viên của anh tại Hong Kong.

Sau khi đọc một bài báo trên tạp chí y khoa The Lancet được viết bởi các bác sĩ ở Vũ Hán (Trung Quốc), Olea nhận thấy tình trạng khẩn cấp toàn cầu và nạn thiếu khẩu trang sắp xảy ra. Anh lập tức tìm kiếm nhà cung cấp khẩu trang từ Nam Phi và đặt nửa triệu cái.

 Ovidiu Olea, người sáng lập và giám đốc điều hành Công ty công nghệ tài chính Valoot. Ảnh: Ovidiu Olea.

Ovidiu Olea, người sáng lập và giám đốc điều hành Công ty công nghệ tài chính Valoot. Ảnh: Ovidiu Olea.

Để đảm bảo số lượng khẩu trang được vận chuyển an toàn trên quãng đường dài 10 tiếng từ nhà máy đến sân bay quốc tế Johannesburg (Nam Phi), vị giám đốc người Romania này đã thuê 6 vệ sĩ vũ trang và 3 xe hộ tống.

Không lâu sau đó, chính quyền Hong Kong đã nhờ anh làm nhà cung cấp khẩu trang và nước rửa tay. Olea liền thuê một tàu chở hàng tư nhân xuất phát từ Romania để chở những vật phẩm thiết yếu đó tới Hong Kong.

Bên cạnh đó, anh nhận thấy việc thiếu hụt khẩu trang sẽ gây ảnh hưởng đến người dân nghèo. Vì vậy, vị giám đốc này quyên góp hơn 50.000 chiếc khẩu trang cũng như các thiết bị bảo hộ cần thiết cho những lao công ở Hong Kong.

Olea còn tặng từ thiện số lượng lớn khẩu trang cho bệnh viện. Ngoài ra, anh cũng mở bán khẩu trang với giá phải chăng trên mạng xã hội WeChat cho những người có nhu cầu.

Trả lời phỏng vấn về những việc làm thiện nguyện của mình, Olea cho biết: “Tôi sống ở Hong Kong được 6 năm rồi. Thành phố này đã cho tôi quá nhiều thứ. Giờ đến lượt tôi trả lại ân huệ này”.

 Khách sạn của câu lạc bộ bóng đá Chelsea. Ảnh: BeSoccer.

Khách sạn của câu lạc bộ bóng đá Chelsea. Ảnh: BeSoccer.

Jack Ma, người đồng sáng lập Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, đã quyên góp hàng triệu khẩu trang và kit xét nghiệm cho 54 quốc gia Châu Phi để chống lại sự bùng phát virus corona.

Câu lạc bộ bóng đá Chelsea biến khách sạn Millennium của họ ở London thành Trung tâm Dịch vụ Y tế quốc gia nước Anh để hỗ trợ nhân viên chống lại đại dịch.

LVMH, tập đoàn hàng hiệu lớn nhất thế giới, chuyển sang sản xuất nước rửa tay và dành tặng cho các cơ quan y tế Pháp. Thương hiệu đồ trượt tuyết Moncler quyên góp 10.8 triệu USD để xây dựng 400 phòng chăm sóc đặc biệt được trang bị máy thở cho một bệnh viện ở Milan (Italy).

Nhiều influencer cũng có nhiều hành động thiết thực. Chiara Ferragni, blogger thời trang sở hữu hơn 19 triệu người theo dõi, đã giúp quyên góp 4.3 triệu USD cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở Italy.

Sự chung tay của toàn xã hội

Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, nhiều cộng đồng chung tay giúp đỡ xã hội vượt qua khó khăn.

Sau khi chính quyền Hong Kong tuyên bố lệnh cách ly bắt buộc 14 ngày đối với tất cả người trở về từ nước ngoài và chịu sự giám sát y tế trong 14 ngày tiếp theo, hơn 65.000 thành viên của một nhóm các bà mẹ Hong Kong trên Facebook đã hỗ trợ giao đồ ăn tại nhà cho những người bị cách ly.

 Hong Kong siết chặt các biện pháp giám sát để hạn chế sự bùng phát dịch bệnh. Ảnh: Nathan Tsui.

Hong Kong siết chặt các biện pháp giám sát để hạn chế sự bùng phát dịch bệnh. Ảnh: Nathan Tsui.

Tại Ba Lan, cộng đồng trên mạng xã hội Facebook có tên Visible Hand (tạm dịch: Sự giúp đỡ thiết thực) cũng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho những người tự cách ly. Sau một thời gian hoạt động, số thành viên nhóm lên tới 80.000 người, cung cấp đa dạng dịch vụ như dắt chó, dạy học trực tuyến…

Theo Tổ chức y tế phi lợi nhuận Mayo Clinic (Mỹ), những nhóm hỗ trợ như trên tạo điều kiện cho các thành viên chia sẻ kinh nghiệm bản thân và giúp đỡ xã hội. Việc này được đánh giá rất cao trong thời điểm khó khăn như hiện nay.

Theo một báo cáo nghiên cứu năm 2016 của Đại học Oxford (Anh), việc cư xử tốt với người khác tạo nên sự cải thiện nhỏ nhưng đáng trong sức khỏe tâm thần con người. Nói cách khác, khi chúng ta đối xử tử tế với mọi người xung quanh, chúng ta sẽ cảm thấy tốt hơn.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu ở Đại học Princeton (Mỹ) cho biết hành động thiện nguyện có thể làm giảm nỗi đau thể xác.

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhung-hoat-dong-quyen-gop-chong-dich-cua-cac-tap-doan-lon-post1064144.html