Những hồi ức bi tráng

Tròn 50 năm trôi qua, những cựu tù binh và tù chính trị yêu nước được trao trả theo điều khoản ký kết trong Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/1/1973 đã có dịp hội ngộ tại bờ Bắc sông Thạch Hãn lịch sử - nơi diễn ra cuộc trao trả năm xưa. Những cái ôm, cái nắm tay thật chặt và cả những nụ cười, giọt nước mắt của đồng đội, đồng chí tóc đã điểm bạc trong thời khắc quý giá này sẽ mãi còn lắng đọng và khắc nhớ…

Cuộc hội ngộ sau 50 năm

Một ngày cuối tháng 3 vừa qua, tại bờ Bắc sông Thạch Hãn, thị xã Quảng Trị, Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Quảng Trị tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng trở về. Trong niềm hân hoan xúc động, các cựu tù binh, tù chính trị yêu nước được trao trả đã có dịp hội ngộ khá đông đủ sau nhiều năm.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (bí danh Tư Sang -người đứng thứ 7 từ phải sang) chụp hình lưu niệm với những người bạn tù chính trị năm xưa và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Đ.V

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (bí danh Tư Sang -người đứng thứ 7 từ phải sang) chụp hình lưu niệm với những người bạn tù chính trị năm xưa và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Đ.V

Bà Nguyễn Thị Vân Toàn, ở huyện Cam Lộ, khi xưa là nữ chiến sĩ cách mạng, thoát ly từ năm 16 tuổi. Trong buổi gặp mặt xúc động này, bà kể vào năm 1968, trong một trận càn quét mà địch gọi là “bình định cấp tốc”, chúng xăm được hầm bí mật của bà và bà bị bắt.

Sau thời gian tra tấn cực hình, chúng đưa bà vào giam cùng gần 1.000 nữ là quân giải phóng miền Nam bị địch bắt làm tù binh và gọi là tù binh cộng sản tại trại giam tù binh dành cho nữ ở Phú Tài (Bình Định). Đến năm 1971, chúng đưa bà vào trại tù binh Cần Thơ.

“Có thể nói cách đây 50 năm, sau khi nghe tin Hiệp định Paris được ký kết, hai bên sẽ thực hiện trao trả tù binh, chúng tôi vô cùng hồi hộp, đêm thao thức không ngủ được, ngày ngồi trông chờ và hy vọng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng luôn cảnh giác trước thủ đoạn của kẻ địch vì biết chúng không bao giờ muốn trao trả mà có thể đánh tráo tù binh từ nơi này sang nơi khác… Nhưng trong tình thế buộc phải thi hành hiệp định, chúng đã trao trả chúng tôi tại Lộc Ninh, Bình Phước”, bà Toàn nhớ lại.

Ngày 15/2/1973, bà Toàn thuộc đợt đầu tiên được gọi tên lên xe chở ra sân bay trao trả. Bà kể, cách chừng vài trăm mét đến nơi trao trả, bà và các nữ tù binh khác nhìn thấy cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nửa xanh nửa đỏ phấp phới tung bay mà lòng sung sướng, rạo rực khôn xiết.

"Khi được trao trả, chị em tù binh miền Nam reo lên khi nhìn thấy “chị Ba” Nguyễn Thị Định - Phó Tư lệnh quân giải phóng miền Nam. Chúng tôi thật sự không biết mặt chị Ba mà chỉ biết tên nên thời khắc đó cảm thấy xúc động và vinh dự vì được đích thân chị cùng nhiều đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng, anh chị em cán bộ, chiến sĩ đón tiếp trong vòng tay ấm áp yêu thương, trìu mến. Cảm giác đặc biệt của ngày ấy cho đến bây giờ đã nửa thế kỷ trôi qua vẫn luôn bừng sáng trong tôi mỗi khi nhớ về”, bà Toàn trầm giọng.

“Toàn tỉnh hiện còn hơn 1.400 hội viên Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Đây là những người trung thành tuyệt đối với Đảng, với cách mạng, từng xả thân vì nước, từng chịu đựng những đòn roi tra tấn cực hình trong ngục tù để bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Trong buổi gặp mặt xúc động này, những người tù binh năm xưa bồi hồi xúc động tưởng nhớ, khắc ghi công ơn của các anh chị em, những đồng chí, đồng đội đã anh dũng chiến đấu và bị địch giết hại dã man, hy sinh trong các nhà tù… Cuộc gặp mặt kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng trở về” không chỉ mang ý nghĩa kỷ niệm, mà còn là hoạt động nhằm tôn vinh những người đã xả thân vì nước. Đồng thời là dịp động viên anh chị em tù binh, tù chính trị yêu nước tiếp tục phát huy truyền thống của người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay”.

Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Quảng Trị Lê Hữu Thăng

Cũng như bà Toàn, vợ chồng bà Lê Thị Loan (76 tuổi) và ông Nguyễn Đình Trọng (83 tuổi) - đều là cựu tù năm xưa - hiện ở phường Đông Lương, TP. Đông Hà, cũng vào dự buổi gặp mặt từ rất sớm. Trong ngày vui này, ông bà không giấu được niềm tự hào và xúc động. Ông Trọng bị thương trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 ở Huế, sau đó bị địch bắt tù đày 5 năm ở nhà tù Phú Quốc. Trong khi đó, bà Loan cũng bị bắt tù đày ở nhà tù Phú Tài, sau đó địch chuyển bà về nhà tù ở Cần Thơ…

Ông Trọng và bà Loan đều được trao trả đợt đầu vào năm 1973, lúc này hai ông bà chưa hề quen biết nhau. Sau này, khi được đưa về an dưỡng ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình thì hai người mới gặp nhau, bén duyên rồi chính thức trở thành vợ chồng vào năm 1975. Sau khi cưới nhau, ông Trọng do bị thương tích nặng nên tiếp tục được đưa ra Bắc an dưỡng trong khi bà Loan ngược lên chiến khu Ba Lòng hoạt động cách mạng thêm một thời gian.

Bà Lê Thị Loan trò chuyện cùng những người bạn tù năm xưa - Ảnh: Đ.V

Bà Lê Thị Loan trò chuyện cùng những người bạn tù năm xưa - Ảnh: Đ.V

Bà Loan kể, hầu hết bà và những người bạn tù cách mạng dù không may sa vào tay giặc nhưng vẫn luôn kiên cường, dũng cảm chiến đấu, đối mặt và vượt qua mọi sự tra tấn man rợ, khắc nghiệt nhất của kẻ thù.

“Dù bị giam cầm hà khắc trong chuồng cọp, xà lim, chịu bao tra tấn, tù đày nhưng anh chị em luôn đoàn kết đấu tranh, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, vượt qua mọi cám dỗ và đòn roi của kẻ thù để giữ vững khí tiết cách mạng. Bản thân tôi cũng luôn thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất, thể hiện dòng máu anh hùng của người nữ chiến sĩ cách mạng Quảng Trị, để không hổ thẹn với anh chị em chiến sĩ nơi khác. Nhớ lại những năm tháng bi hùng năm xưa và có được những ngày hạnh phúc hôm nay, với chúng tôi là niềm tự hào khó tả. Xúc động vô cùng”, bà Loan mắt đỏ hoe nhớ lại.

Ký ức của ông Tư Sang

Đặc biệt, trong dịp gặp gỡ ý nghĩa bên bờ sông Thạch Hãn này còn có sự tham gia của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (bí danh Tư Sang) - người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Ông luôn trọn vẹn nghĩa tình sắt son với quê hương, đồng bào Quảng Trị.

Ông Tư Sang là một trong những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trở về tại bến sông Thạch Hãn của những tháng năm lịch sử hào hùng đó… Trong bài phát biểu nhớ lại một thời không thể nào quên bên bến sông Thạch Hãn lịch sử và trước những người đồng chí, đồng đội, ông Tư Sang nhiều lần không giấu được giọt nước mắt xúc động.

Ông Tư Sang chia sẻ: “Được các đồng chí mời dự với tư cách là một chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trong đoàn quân chiến thắng trở về đúng ngày này cách đây 50 năm 23/3 (1973- 2023), trong mấy ngày qua lòng tôi vô cùng xúc động, nghẹn ngào. Tôi nhớ lại những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

Ngày đó, đối với số đông chiến sĩ cách mạng và người yêu nước bị địch bắt tù đày trong các nhà tù, trại giam của địch được ví như “địa ngục trần gian” thì Hiệp định Paris, trong đó có nghị định thư về trao trả tù binh chiến tranh, tù chính trị đã báo hiệu sự hồi sinh để chúng tôi chiến thắng trở về với Đảng, với Nhân dân, với quân đội để tiếp tục chiến đấu và xây dựng đất nước ta”.

Ông Tư Sang được trao trả tại bờ sông Thạch Hãn đợt đầu tháng 3/1973 cùng với 2.300 người khác. Lúc được trao trả bằng ca-nô qua quá nửa con sông thì “chúng tôi đã nhảy xuống nước bơi vào bờ.

Trên bờ Bắc dòng Thạch Hãn, một rừng cờ đỏ sao vàng và cờ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, các khẩu hiệu chào đón, các cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ cũng nhảy xuống sông dìu chúng tôi lên. Vậy là đồng chí đây rồi, tự do đây rồi”, ông Tư Sang nhớ lại.

Những người bạn tù binh, tù chính trị năm xưa trò chuyện ôn lại kỷ niệm một thời bi hùng tại buổi gặp mặt - Ảnh: Đ.V

Những người bạn tù binh, tù chính trị năm xưa trò chuyện ôn lại kỷ niệm một thời bi hùng tại buổi gặp mặt - Ảnh: Đ.V

Thời gian đã trôi qua nửa thế kỷ, nhưng trong ký ức, những ngày bị địch bắt, giam cầm, tra tấn tại trại giam Phú Quốc đối với ông Tư Sang cũng như nhiều người tù cộng sản khác vẫn như mới đây. Theo ông Tư Sang, có thể nói đó là chuỗi ngày “cơm chan máu, uất trào nghẹn cổ”. Kẻ địch dùng tới 45 kiểu tra tấn dã man, tàn độc, xảo quyệt, thậm chí nhục hình như thời Trung cổ…

“Song, số đông chiến sĩ cách mạng và người yêu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy trong các phân khu giam, đã biến nơi đây thành trận tuyến đặc biệt, bởi tinh thần đoàn kết đấu tranh sẵn sàng nhận cái chết về mình. Nơi đây đã thật sự trở thành trường học lớn của cách mạng và những người cộng sản”, ông Tư Sang nhớ lại.

Trong nhà tù không chỉ tôi luyện ý chí đấu tranh cách mạng mà những người tù còn học tập văn hóa, học nhạc, toán, ngoại ngữ, vẽ, y tá… và các hoạt động bí mật về chính trị, tư tưởng. Lần gặp gỡ thân tình này, ông Tư Sang cũng bày tỏ mong muốn tất cả những người chiến thắng trở về, dù ở cương vị nào cũng tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, là tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo.

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phong-su-ghi-chep/nhung-hoi-uc-bi-trang/176471.htm