Những khắc khoải riêng chung
Thơ ca với người cầm bút vốn như một tiền định. Không phải cứ thích là cầm bút làm được thơ, cũng không thể buông bỏ nếu thơ ca thôi thúc tự đáy lòng.
Nhà thơ Bùi Kim Anh viết thơ như một tiền định, như nỗi mặc nhiên của đời mình. Thơ ca bung trổ từ tâm hồn, từ cuộc đời đầy những khắc khoải riêng, chung của chị: Ngoài những câu thơ ta chẳng còn gì/ thơ trú ngụ trong ý nghĩ/ thức dậy/ một thế giới cổ xưa/ ta ôm giấc mơ từ khi còn trẻ/ vỡ vụn con chữ...
"Tóc trắng nắng mai" là tập thơ thứ 11 được xuất bản của nữ nhà thơ Bùi Kim Anh. Xuất thân là cô giáo dạy văn nhưng thơ chị vượt thoát ra khỏi những mô phạm, điển phạm của những mô hình giảng dạy được cho là cứng nhắc. Dạy văn đã trở thành nền tảng, để từ đó chị kiến tạo nên một thế giới khác, xa hơn, rộng hơn, sâu hơn, đó là thế giới thơ ca. Đọc thơ chị, tôi tự lý giải cách chị đến với thơ như sự thỏa mãn cái tôi trắc ẩn. Cái tôi mạnh mẽ ấy đã thôi thúc chị viết nên những vần thơ mà có lẽ chúng ta khó bắt gặp trên những trang sách giáo khoa: Làm sao kể trọn vẹn giấc mơ đêm/ và những câu thơ đến trong đêm cũng vậy/ chẳng có ai/ chẳng có lời/ ta như từ nơi không rõ trở về/ giấc mơ đêm đi qua/ thơ có mượn lời tiên tri cũng không nắm bắt được điều gì. Thơ là điều bất định nhưng những tâm hồn thi sĩ vẫn nương theo thơ để tựa vào những mơ hồ, ngõ hầu tìm ra giá trị gì đó, ít nhất là cho riêng mình.
Đọc thơ Bùi Kim Anh nên thiên về cảm hơn là bình. Bởi thi tứ vẫn luôn là sự bảo đảm cho bài thơ nhưng điều hấp dụ, cuốn hút người đọc chính là cảm xúc và ngôn từ. Bùi Kim Anh không cầu kỳ, vòng vẽ hay khoa trương. Trái lại, chị cho thấy một phong cách thơ giản dị và hàm súc. Thơ chị cốt gợi hơn là tả, vì vậy mà người đọc có thể miên man trong những câu thơ ấy mà thả trôi trí tưởng của chính mình: Khi tôi ngủ phố đang thức/ tỉnh dậy nửa đêm phố vẫn sáng đèn/ khi đêm nghe tiếng sóng dậy trong lòng biển tối/ khi đêm nghe tiếng núi vỡ vùi tiếng đá găm tiếng con người. Những câu thơ cho thấy sự khắc khoải của nhà thơ với đời sống, con người. Mà thơ ca có gì hơn ngoài hướng đến nhân sinh? Nhiều năm đứng trên bục giảng dạy văn, học trò có nhiều người thành đạt trong mọi lĩnh vực, nhà thơ Bùi Kim Anh vẫn tâm niệm: Dạy văn không phải để học trò viết văn hay, mà dạy văn là cách đem đến cho học trò một đời sống tâm hồn đẹp đẽ, sinh động. Đó là cách để chúng trở thành những con người tử tế.
Sống trong lòng thành phố, cũng là trung tâm của văn học-nghệ thuật, nhưng nhà thơ Bùi Kim Anh đã không bị chìm khuất hay lẫn vào đâu đó trong vô vàn tên tuổi. Chị luôn biết tạo ra vị trí “ngoại vi” cho riêng mình. Đó là một cá tính riêng, một cốt cách riêng. Chị đứng bên ngoài những ồn ào, hào nhoáng, tung hô. Lặng lẽ viết, lặng lẽ trăn trở cùng thơ, lặng lẽ suy tư về con người. Đó là Bùi Kim Anh: Không thể lang thang trên phố hỗn độn người/ lướt báo mạng mỗi ngày rối bời tâm trí/ yêu thương không đủ sức đánh bật những bất bình/ lặng câm khúc tình yêu già cỗi... Tàng ẩn trong những câu thơ ấy là một khát vọng về lòng nhân ái, sự sẻ chia giữa con người với nhau. Hãy bớt tham vọng, bớt sân si, thay vào đó là tình yêu thương, lòng trắc ẩn thì cuộc sống này sẽ nhẹ nhàng, tươi đẹp biết bao.
Cảm xúc trong thơ chị tinh tế, thăm thẳm, làm thức dậy niềm sâu kín, vô thức trong ta: Một bước chân vô thức/ rơi vào miền hư vô/ rồi ngày như chiếc lá/ buông một khắc giữa đời. Để viết nên những vần thơ, đó là sự kết đọng, thăng hoa của trí tuệ và cảm xúc nhà thơ. Những câu thơ giản dị ngỡ như nhẹ tênh ấy lại là nơi chứa đựng sức nặng tư tưởng của người cầm bút. Thơ Bùi Kim Anh mang chở những niềm khắc khoải lớn về cõi người, cho dù những niềm riêng trong thơ chị cũng nhiều góc khuất: Cơn đau của con át mọi cơn đau/ và như thế nhỏ nhoi không con gái; ta đang như ai đó/ lướt qua mọi nỗi đau/ vô cảm/ cái đau trở mình dưới vỏ cái đau/ làm sao thấy/ người đau nhận thấy...
Thơ biểu đạt những suy tư và làm nên diện mạo tâm hồn của người viết. Với "Tóc trắng nắng mai", người đọc có thể hình dung rõ hơn một Bùi Kim Anh da diết yêu, tha thiết nhớ, xa xót đau nhưng cũng đầy say đắm với cuộc đời và con người: Ra phố đi Hà Nội của ta ơi/ lại có thể vừa đi vừa hát khẽ/ lẩm nhẩm khúc tình ca chìm trong suy tưởng/ kẻo rồi mai ra phố ngại ngần.
Có lẽ, những ai đã được gặp Bùi Kim Anh cũng không thể quên được hình ảnh một nữ sĩ tóc bạc trắng, gương mặt phúc hậu như bà tiên trong cổ tích và nụ cười trẻ trung, tươi sáng, trong veo như ánh nắng mai. Nếu thơ là người thì tôi thiển nghĩ, ở tập thơ này, chị đã bộc lộ cả tâm hồn cũng như nhân ảnh của mình một cách rõ rệt nhất.