Những mẫu xe Trung Quốc đang 'chật vật' tìm doanh số

Dù được trang bị nhiều công nghệ hay có thiết kế thu hút, một số mẫu xe xuất xứ Trung Quốc vẫn chưa ghi nhận sức bán tốt tại Việt Nam.

Trong 2 năm gần đây, các hãng xe Trung Quốc đã "ồ ạt" tiến vào thị trường Việt, mang theo nhiều mẫu xe phủ sóng toàn bộ phân khúc, với đa dạng tầm giá.

Không phải mẫu xe Trung Quốc nào cũng thành công trong việc thu hút người dùng cũng như ghi nhận sức bán tốt. Nhiều cái tên dù đã được nhà phân phối liên tục triển khai ưu đãi nhưng vẫn trả về doanh số thấp, thậm chí âm thầm rời khỏi thị trường.

Wuling MiniEV

Mẫu xe điện mini thuộc liên doanh SGMW đang được phân phối bởi Công ty Cổ phần Ôtô TMT (TMT Motors). Xe có kích thước dài x rộng x cao lần lượt là 2.920 x 1.493 x 1.621 mm, chiều dài cơ sở 1.940 mm. Số đo này giúp Wuling MiniEV trở thành mẫu xe nhỏ nhất thị trường.

Wuling MiniEV được trang bị 2 tùy chọn pin dung lượng 9,6 hoặc 13,4 kWh. Bộ pin này ứng với 2 phạm vi hoạt động là 120 và 170 km/lần sạc. Xe đang được bán với tổng cộng 2 phiên bản, giá bản LV1 tại một số đại lý dao động 185-190 triệu đồng. Phiên bản LV2 cũng vừa được TMT Motors tinh chỉnh về mức 197-231 triệu đồng.

 Wuling MiniEV. Ảnh: Bối Hạ.

Wuling MiniEV. Ảnh: Bối Hạ.

Khi vừa ra mắt, Wuling MiniEV đã thu hút được sự quan tâm từ đông đảo người dùng nhờ kích thước nhỏ ngọn, màu sắc hợp xu hướng. Tuy nhiên, mức giá trên 200 triệu được đánh giá là quá chênh lệch so với chất lượng của xe.

Vì vậy, Wuling MiniEV đã không thể có được sức bán tốt như kỳ vọng dù thời điểm đó, mẫu xe không có đối thủ cùng phân khúc. Năm nay khi VinFast VF 3 được ra mắt, Wuling MiniEV lại càng mất đi thị phần ít ỏi của mình.

Wuling MiniEV khiến cả TMT Motors lao đao trong hơn 1 năm qua vì không có sản phẩm nào khác gánh vác doanh số.

MG RX5

MG RX5 là mẫu xe có thiết kế khác biệt so với dải sản phẩm của MG tại Việt Nam. Xe được định vị ở nhóm SUV cỡ C, cạnh tranh trực tiếp cùng những cái tên ăn khách như Hyundai Tucson, Ford Territory hay Kia Sportage.

Xe có kích thước dài x rộng x cao lần lượt là 4.574 x 1.876 x 1.690 mm, chiều dài cơ sở 2.708 mm. Nếu đặt cạnh các đối thủ cùng nhóm, RX5 sẽ ngắn hơn nhưng không quá rõ rệt.

 MG RX5. Ảnh: Vĩnh Phúc.

MG RX5. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Cả 2 phiên bản của RX5 đều được trang bị chung khối động cơ tăng áp 1.5L, sản sinh công suất 168 mã lực tại 5.600 vòng/phút, mô men xoắn cực đại 275 Nm tại dải vòng tua 2.000-4.000 vòng/phút. Kết hợp với khối động cơ là hộp số ly hợp kép 7 cấp.

MG RX5 được bán với giá dao động 739-829 triệu đồng tùy phiên bản. Mức giá này là không cao so với nhiều cái tên cùng nhóm như Mazda CX5 (749-959 triệu), Hyundai Tucson (769-919 triệu) hay Kia Sportage (779-919 triệu đồng). Tuy nhiên RX5 vẫn không phải là mẫu xe được lựa chọn với nhiều khách hàng.

Điều này phần lớn đến từ tâm lý người dùng khi tại Việt Nam, khách hàng đã quen dần với việc "xe Trung Quốc giá rẻ". Một cái tên có giá tương đương thậm chí cao hơn ôtô Hàn Quốc hay Nhật Bản tạo cảm giác "e dè" và khó lòng thu hút được khách hàng.

MG còn những cái tên bán tốt như MG5 và MG ZS, vì giá đủ rẻ và chất lượng tương xứng với kỳ vọng.

Haval H6

H6 là mẫu SUV cỡ B của Haval, thương hiệu thuộc tập đoàn Great Wall Motors (GWM). Xe sở hữu kích thước dài x rộng x cao lần lượt 4.863 x 1.886 x 1.730 mm với chiều dài cơ sở 2.738 mm.

Tại Việt Nam, Haval H6 được trang bị động cơ xăng tăng áp 1.5L, kết hợp với một motor điện. Khối động cơ này cho ra tổng công suất cực đại 243 mã lực cùng mô men xoắn kết hợp tối đa 530 Nm. Xe sử dụng hệ dẫn động cầu trước cùng hộp số vô cấp chuyên dụng cho xe hybrid DHT.

 Haval H6. Ảnh: Phúc Hậu.

Haval H6. Ảnh: Phúc Hậu.

Khi vừa mở bán vào tháng 8/2023, Haval H6 có giá trên một tỷ nhưng nhanh chóng được tinh chỉnh về mức 986 triệu đồng. Mức giá của H6 nhỉnh hơn hẳn các đối thủ chạy xăng cùng phân khúc như Mazda CX-5 (749-979 triệu đồng), Ford Territory (799-929 triệu đồng), Hyundai Tucson (769-919 triệu đồng), Kia Sportage (779-919 triệu đồng).

Tuy nhiên nếu đặt cạnh Honda CR-V e:HEV RS (1,216 tỷ đồng), mẫu SUV Trung Quốc vẫn có mức giá thân thiện hơn.

Mặc dù không công bố doanh số, Haval H6 cũng hiếm được bắt gặp trên đường phố và thường xuyên được giảm giá tại đại lý về dưới 850 triệu đồng, cho thấy vấn đề về sức bán của chiếc SUV cỡ C này.

Haval dù xuất hiện khá sớm nhưng vẫn đang trong quá trình dò đường tại Việt Nam và động thái xây nhà máy có thể là bước đi mạnh mẽ hơn của thương hiệu này.

Lynk & Co 09

Mẫu SUV lớn nhất của Lynk & Co được ra mắt từ cuối năm 2023. Đây cũng là sản phẩm đầu tay của thương hiệu khi bước vào thị trường xe Việt. Xe có kích thước tổng thể 5.042 x 1.977 x 1.780 mm (dài x rộng x cao), chiều dài cơ sở 2.984 mm.

 Lynk & Co 09. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Lynk & Co 09. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Lynk & Co 09 được trang bị động cơ xăng Micro Hybrid Drive-E 2.0TD T5 kết hợp cùng motor điện. Khối động cơ này sản sinh tổng công suất 254 mã lực tại 5.500 vòng/phút, mô men xoắn cực đại 350 Nm tại dải vòng tua 1.800-4.800 vòng/phút.

Ngay khi mở bán, Lynk & Co 09 đã thu hút sự quan tâm của nhiều người bởi các công nghệ cũng như mức giá cao bất ngờ, 2,199 tỷ đồng. Xe sẽ cạnh tranh cùng những mẫu SUV cao cấp như Mercedes-Benz GLC 200 (2,189-2,299 tỷ đồng), Ford Explorer (2,399 tỷ đồng), Volkswagen Teramont (2,499 tỷ đồng)...

Dù được định vị ở nhóm xe cao cấp, mức giá trên 2 tỷ đồng cho ôtô Trung Quốc vẫn là câu chuyện "khó chấp nhận" với nhiều người dùng Việt.

Ngoài những cái tên kể trên, các mẫu xe khác của Trung Quốc cũng vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường và thực tế hiếm có mẫu xe nào ghi nhận doanh số bán nổi bật. Giá bán chưa đủ hấp dẫn, ít hệ thống đại lý, thương hiệu còn quá mới và lo ngại về sự "sớm nở chóng tàn" là những vấn đề mà các mẫu xe Trung Quốc phải đối mặt tại Việt Nam.

Đan Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-mau-xe-trung-quoc-dang-chat-vat-tim-doanh-so-post1500064.html