Những món nợ khổng lồ vì đại dịch

Những nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang sụp đổ vì đại dịch Covid-19 ở các nước đang tạo ra những món nợ khổng lồ. Chính phủ sẽ làm gì để giải quyết bài toán nợ mới phát sinh này?

Các nhân viên của XCMG phải làm thêm giờ khi Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động xây dựng hạ tầng để phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Các nhân viên của XCMG phải làm thêm giờ khi Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động xây dựng hạ tầng để phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Mỹ: Cảnh báo 5 ngân hàng lớn

5 nhà cho vay lớn nhất nước Mỹ - Bank of America, Citigroup, JPMorgan Chase, America Bancorp và Wells Fargo - nói rằng căng thẳng tài chính do đại dịch gây ra có thể khiến những người đi vay vỡ nợ lên đến 104 tỷ USD. Lợi nhuận sụt giảm ở cả 5 ngân hàng, phần lớn do họ phải dành tiền để trang trải các khoản vay khó đòi.

Bank of America là ngân hàng cuối cùng báo cáo thu nhập trong quý II. Lợi nhuận trước thuế giảm gần 60%. Ngân hàng đã bổ sung 5 tỷ USD vào khoản dự phòng cho các khoản nợ xấu, đã tăng gấp đôi lên gần 20 tỷ USD so với 10 tỷ USD năm ngoái.

Đây là lần đầu tiên các khoản cho vay có khả năng thất thu vượt 100 tỷ USD ở 5 ngân hàng lớn nhất kể từ cuối năm 2010. Các ngân hàng luôn phòng ngừa một phần các khoản vay của họ sẽ không được trả và đã dành tiền để bù đắp những tổn thất đó. Nhưng trong 6 tháng qua, các khoản cho vay dự kiến thất thu đã tăng đột biến tại các ngân hàng lớn nhất.

Thí dụ, JPMorgan Chase dự đoán ngân hàng có thể phải trả 32,1 tỷ USD cho các khoản nợ xấu, tăng gần gấp 3 so với 13,2 tỷ USD họ dự đoán 1 năm trước. Tổn thất này cho thấy nhiều người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn tài chính đáng kể do sự suy thoái từ Covid-19, ngay cả sau khi nhiều ngân hàng đã cho phép khách hàng tạm thời trì hoãn nhiều khoản thanh toán cho vay.

Chẳng hạn, gần 18 tỷ USD cho khoản vay dự kiến của JPMorgan, tức khoảng 55%, đến từ phân khúc thẻ tín dụng. Matt Anderson, nhà phân tích tại công ty dữ liệu cho vay Trepp, cho biết lý do sự tăng vọt của khoản lỗ cho vay là tỷ lệ thất nghiệp cao và hoạt động kinh tế suy yếu. Ông dự đoán tổn thất cho vay có thể tiếp tục tăng.

Theo các nhà bình luận của The Hill, cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của Mỹ thực ra không phải đại dịch Covid-19, mà nợ nần. Trong nửa thế kỷ qua, chính quyền các cấp tiếp tục tích lũy nợ, và chính phủ liên bang đã một lần nữa tăng nợ vượt quá thu nhập quốc gia. Phần lớn khoản nợ này đã phát sinh để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch Covid-19.

Theo đó, chính phủ liên bang đã mở rộng hàng ngàn tỷ USD viện trợ nhà nước. Cục Dự trữ liên bang (Fed) cho phép các bang chỉ định chính quyền thành phố và doanh nghiệp truy cập trực tiếp các chương trình cho vay khẩn cấp. Gói cứu trợ khổng lồ này của chính quyền tiểu bang và địa phương không chỉ phá sản chính phủ liên bang, nó đang phá hoại tương lai nước Mỹ.

Vào cuối tháng 7, khi các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa chuẩn bị giới thiệu gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.000 tỷ USD, bao gồm khoản thanh toán 1 lần 1.200USD cho người dân, nhà kinh tế Mohamed El-Erian cảnh báo không nên lặp đi lặp lại các giải pháp tương tự.

Ông cho rằng khi tình trạng mất an ninh kinh tế gia đình gia tăng, Mỹ cần đưa ra giải pháp tốt hơn để giải quyết mâu thuẫn cơ bản giữa cuộc sống và sinh kế. Trước đó, Hạ viện đã thông qua dự luật kích thích bổ sung trị giá 3.000 tỷ USD vào tháng 5.

Tuy nhiên, ông El-Erian cho rằng chính quyền liên bang cần đưa ra các quyết định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai, bởi nợ quốc gia cũng phụ thuộc vào thu nhập. Thêm nợ mà không tăng trưởng sẽ tạo ra nợ.

Ông nói Quốc hội nên cho chính quyền tiểu bang và địa phương nhiều tiền hơn để bù đắp doanh thu bị mất do Covid-19, giữ cho nền kinh tế phát triển bằng cách hỗ trợ sản xuất của doanh nghiệp.

Trung Quốc: Bổn cũ soạn lại

Nhằm vực dậy nền kinh tế của đất nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Trung Quốc đang nỗ lực đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trong nước. Trung Quốc dường như đã kiềm chế được coronavirus.

Nhưng tình hình dịch bệnh ở nước ngoài đã gây ra suy thoái kinh tế ở những nơi khác, làm tổn hại đến nhu cầu nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, bao gồm cả xe tải và máy móc. Thị trường nước ngoài đã giúp thúc đẩy đất nước tăng trưởng nhanh chóng trong 4 thập niên. Nhưng nay Trung Quốc phải trở lại làm ăn với chính họ.

Chiến lược này của Trung Quốc dường như đang hiệu quả. Các khoản đầu tư lớn đã giúp họ trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên có GDP hồi phục sau khi bùng phát dịch, với sản lượng tăng 3,2% từ tháng 4 đến tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Nền kinh tế Trung Quốc đang hồi sinh ngay cả khi châu Âu đang suy thoái sâu hơn và nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn.

Các chiến dịch đầu tư trước đây đã cung cấp cho Trung Quốc một số cơ sở hạ tầng tốt nhất, bao gồm cả tàu nhanh nhất và cầu biển dài nhất. Nhưng cú hích mới nhất đi kèm với rủi ro, đã khiến Trung Quốc gặp khó khăn với phần còn lại của thế giới đang xử lý suy thoái.

Thực tế tất cả dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đang được tài trợ với nhiều khoản nợ hơn. Các nhà kinh tế cảnh báo việc trả lãi cho tất cả khoản nợ đó có thể là lực cản tăng trưởng trong tương lai.

Để đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc đã thúc đẩy hoạt động xây dựng hạ tầng mạnh mẽ. Trong đó, Tập đoàn Máy móc xây dựng Từ Châu (XCMG) - tập đoàn công nghiệp nhà nước chuyên sản xuất các máy móc - đã tập trung xây dựng các dự án hàng đầu.

Doanh số của XCMG đã tăng gấp 8 lần từ năm 2008-2010. Bây giờ công ty tiếp tục được xem là trung tâm trong chiến lược vực dậy nền kinh tế của đất nước. Nhiều khu vực nghèo nhất của Trung Quốc là những ngôi làng hẻo lánh, việc mở rộng các tuyến đường bộ và đường sắt đến đây đòi hỏi phải xây dựng cầu và đường hầm rộng lớn.

Điều đó có nghĩa phạm vi xây dựng mới của Trung Quốc rất lớn, và XCMG đang đóng vai trò quan trọng. Cụ thể, 37 thành phố của Trung Quốc đang trong quá trình xây dựng tổng cộng 150 tuyến tàu điện ngầm mới và XCMG đang sản xuất các thiết bị cần thiết cho một nửa trong số đó.

Hệ thống đường sắt cao tốc của đất nước, đã kết nối hơn 700 thị trấn và thành phố, đang mở rộng nhanh đến mức hàng năm họ mua số lượng đầu lái gấp 3 lần so với thị trường châu Âu và châu Mỹ cộng lại. XCMG đã cung cấp hầu hết số đó.

Dù vậy, do chính quyền địa phương đang vay rất nhiều để trả tiền xây dựng, đã thêm vào những khoản nợ khổng lồ trước đó. Trong khi đó, các dự án ở vùng sâu vùng xa có thể mang lại lợi nhuận kinh tế ít ỏi để có thể trả nợ. Hàng chục nhà ga đường sắt cao tốc mới đã được xây dựng tại các thị trấn nhỏ, nơi có rất ít hành khách trả tiền. Tại một số nhà ga, ít hơn 3 chuyến tàu dừng lại mỗi ngày.

Vinh Trang

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/nhung-mon-no-khong-lo-vi-dai-dich-82754.html