Những nét đáng chú ý của Hội nghị quốc tế về tương lai châu Á lần thứ 26
Sau lần hoãn năm 2020 do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Hội nghị quốc tế về tương lai châu Á (The International Conference on The Future of Asia) đã được nối lại trong năm nay.
Được khởi xướng vào năm 1995, hội nghị là một trong những diễn đàn thường niên có uy tín nhất ở châu Á do Tập đoàn Nikkei (Nhật Bản) chủ trì tổ chức, thu hút sự quan tâm và tham dự của lãnh đạo cấp cao, chính khách, học giả, doanh nghiệp các nước châu Á cũng như đại diện các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Tại các phiên thảo luận, các đại biểu có dịp trao đổi cởi mở về các vấn đề khu vực; vai trò và tiềm năng của châu Á trong bức tranh toàn cảnh thế giới và các giải pháp nâng cao vị thế của khu vực.
Những năm gần đây, lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ Việt Nam thường xuyên tham dự và phát biểu tại hội nghị, kết hợp thăm Nhật Bản. Trong năm 2021, Hội nghị quốc tế về tương lai châu Á lần thứ 26 được tổ chức trong hai ngày, từ 20 đến 21-5, theo hình thức trực tuyến (buổi sáng bắt đầu từ 7h30, buổi chiều bắt đầu từ 11h20 - theo giờ Hà Nội). Về phía Việt Nam, nhận lời mời của Chủ tịch, Tổng Giám đốc điều hành Nikkei Tsuyoshi Hasebe, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị.
Về nội dung, với chủ đề “Định hình kỷ nguyên hậu Covid: Vai trò của châu Á đối với sự phục hồi toàn cầu”, hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận các nội dung: Hợp tác ứng phó với đại dịch Covid-19; tái kết nối các nền kinh tế khu vực; phát triển bền vững, đổi mới, sáng tạo trong kỷ nguyên hậu Covid; và vai trò của châu Á trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch.
Hội nghị cũng sẽ có các chia sẻ từ lãnh đạo cấp cao các nước và các phiên thảo luận chuyên đề về tái kết nối khu vực thông qua các hoạt động trao đổi văn hóa; châu Á và chính quyền mới tại Mỹ; phát triển bền vững và những thay đổi ở châu Á; và những lĩnh vực đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên Covid-19.