Những người bên cạnh hiểm nguy
Vệ sinh môi trường là công việc đầy vất vả, cực nhọc. Không chỉ đối mặt với rác thải ô nhiễm, mất vệ sinh, họ - những công nhân vệ sinh môi trường, nhất là đối với nữ, còn nơm nớp nỗi lo mỗi khi màn đêm buông xuống, khi mà cả tài sản lẫn mạng sống của mình luôn bị hiểm nguy rình rập.
Tối ngày 3/8/2021, trên mạng xã hội lan truyền đoạn camera ghi lại cảnh một nữ công nhân vệ sinh môi trường đang trên đường thu gom rác về điểm tập kết thì bất ngờ bị 4 nam thanh niên chặn đường, đe dọa và cướp đi chiếc xe máy. Vụ việc xảy ra tại ngõ 223-252 đường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Ám ảnh mỗi khi đêm về
Nạn nhân là chị Lê Thị Trâm (39 tuổi, quê ở Thanh Hóa) - hiện đang làm việc tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco).
Kinh hoàng khi nhớ lại sự việc, chị Trâm cho biết, trước thời điểm xảy ra cướp, xe máy của chị rất nặng và khó đi vì chở thêm đồng nát của người dân cho. Thấy 2 xe máy trước mặt phóng nhanh, chị dừng xe, về số, không ngờ chúng quay lại đe dọa rồi cướp xe đi mặc chị khóc lóc, quỳ gối van xin.
Chiếc xe tuy cũ nhưng là tiền hai vợ chồng chị làm lụng vất vả trả góp trong thời gian dài, được coi như tài sản lớn nhất trong gia đình hai vợ chồng nghèo. Sau đó, chị Trâm được nhiều đơn vị cùng mạnh thường quân thăm hỏi và tặng xe máy mới.
Không chỉ có vậy, nhiều trường hợp công nhân vệ sinh môi trường còn đối mặt với tai nạn giao thông trong khi làm việc. Khoảng 21h ngày 4/9/2021, anh Ngạc Đình Sơn là công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Đống Đa đang quét dọn vệ sinh trên đường Láng (đoạn qua số nhà 594) thì bị một xe máy từ phía đằng sau tông trúng. Cú tông mạnh khiến anh Sơn bị ngã văng ra đường, vùng đầu và ngực bị tổn thương.
Theo lời những nhân chứng, vào khoảng thời gian trên, nam công nhân vệ sinh môi trường vừa bước từ vỉa hè xuống lòng đường để chuẩn bị đi làm nhiệm vụ thì bị chiếc xe máy mang BKS 30Z1 - 021.69 chạy với tốc độ cao hướng đi Cầu Giấy đã đâm thẳng vào đuôi chiếc xe thu gom rác bên vệ đường.
Cú va chạm mạnh khiến nam công nhân đứng phía đầu xe bị hất văng khoảng 2 m. Vụ tai nạn khiến anh Sơn bị choáng, mất nhiều máu.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo đơn vị đã có mặt tại hiện trường đưa công nhân gặp nạn đi cấp cứu và phối hợp với các đơn vị chức năng giải quyết vụ việc. Đồng thời, lãnh đạo UBND quận Đống Đa đã trực tiếp xuống hiện trường thăm hỏi, động viên công nhân gặp nạn và đề nghị các đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đáng sợ hơn, cũng đã có những trường hợp công nhân vệ sinh môi trường bị đe dọa đến tính mạng, thậm chí chết thảm trong khi đang làm việc. Dư luận không khỏi bất bình trước vụ việc một nữ công nhân bị sát hại ngay trong lúc làm nhiệm vụ vệ sinh môi trường.
Sự việc xảy ra vào khoảng 21h tối 4/4, Công an quận Cầu Giấy nhận được tin báo chị Vũ Thúy H. (43 tuổi; trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là nhân viên Công ty CP Môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên đang đẩy xe chở rác trên đường Cầu Giấy hướng về đường Xuân Thủy thì bất ngờ bị một đối tượng nam thanh niên dùng gạch đập nhiều lần liên tiếp vào đầu. Hậu quả của việc bị tấn công bất ngờ là chị H. đã tử vong tại chỗ.
Qua quá trình điều tra, truy vết, Công an quận Cầu Giấy đã tìm ra hung thủ là đối tượng Lê Như Toàn (30 tuổi, HKTT tổ 17, phường Trung Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình).
Kết quả điều tra bước đầu xác định Lê Như Toàn là đối tượng không nghề nghiệp, bản thân có tiền sử bệnh tâm thần. Khoảng 20h45 tối 4/ 4, khi Toàn đang đi bộ trên vỉa hè theo hướng từ đường Cầu Giấy về đường Xuân Thủy thì nảy sinh ý định giết người.
Đối tượng đã nhặt 1 viên gạch loại gạch lát vỉa hè trên đường và đi lại gần sát phía sau chị Vũ Thúy H. đang đẩy xe chở rác trên đường Cầu Giấy tại khu vực phía trước tòa nhà Discovery Complex rồi dùng hai tay cầm viên gạch bất ngờ đập mạnh từ phía sau vào đầu chị H. khiến chị ngã gục úp mặt xuống đường. Sau đó Toàn tiếp tục đập liên tiếp vào vùng đầu cho đến khi nạn nhân nằm bất động, thì đối tượng Toàn bỏ chạy về đường Xuân Thủy.
“Phải luôn lắng nghe, nâng cao trách nhiệm và có các biện pháp để bảo vệ công nhân của mình. Ngoài ra cũng cần có các đề xuất, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng để hạn chế tối đa những rủi ro có thể gặp phải, cũng như bớt đi phần nào vất vả cho những người công nhân môi trường” - PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Nâng cao trách nhiệm của các đơn vị quản lý
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các đơn vị quản lý.
Đặc điểm công việc của công nhân vệ sinh môi trường là làm thủ công, ngoài đường phố và chủ yếu vào buổi đêm nên dễ gặp nguy hiểm, tệ nạn xã hội, nguy cơ bị tai nạn do các phương tiện giao thông gây ra và bị hành hung ở ngoài đường là rất lớn.
Ngoài việc tự bảo vệ bản thân, trách nhiệm lớn ở đây phải thuộc về các đơn vị, công ty vệ sinh môi trường. Bảo hộ lao động cho người lao động đều đã được quy định rất rõ trong hệ thống luật pháp Việt Nam, riêng đối với lĩnh vực môi trường có những đặc thù riêng của nó.
Bởi vậy tất cả những vướng mắc hay khó khăn của công nhân gặp phải thì đơn vị đầu tiên đứng ra chịu trách nhiệm là những công ty vệ sinh môi trường.
Khi xảy ra những sự việc như tai nạn giao thông, cướp giật… đối với công nhân, chính các đơn vị này phải báo cáo trực tiếp với các lực lượng chức năng để bảo vệ cũng như tìm giải pháp khắc phục cho người lao động của mình.
Ngoài ra, song song với việc việc tăng cường trang bị bảo hộ lao động, các công ty cũng nên tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn kỹ năng xử lý khi có tình huống bất ngờ xảy ra cho công nhân.
Cần các biện pháp hạn chế rủi ro
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, công nhân vệ sinh lao động đa phần là lao động nữ, còn gặp nhiều khó khăn trong kinh tế và trang trải cuộc sống, đặc biệt họ luôn là các đối tượng dễ bị kẻ xấu quấy rối, tấn công, nhất là những công nhân lao động có đặc trưng công việc phải làm vào ca đêm.
Để bảo đảm an toàn cho công nhân môi trường, trước hết, các tổ chức, công ty lao động cần tổ chức các buổi bổ trợ kiến thức phòng vệ, xử lý tình huống khẩn cấp, đề xuất các biện pháp nhằm hạn chế rủi ro, nguy hiểm cho công nhân như: sắp xếp lịch làm việc linh động, hạn chế việc phụ nữ đi làm ca đêm, thực hiện vệ sinh tại các khu sáng đèn, phân công lịch làm việc theo nhóm tại những nơi vắng vẻ, hẻm tối, sẵn sàng liên hệ hỗ trợ nhau khi gặp phải các tình huống khẩn cấp…
Trao đổi thêm, luật sư Tiền cho rằng, bản thân người công nhân cần trang bị cho bản thân những kĩ năng cần thiết để tự bảo vệ mình, xử lý tốt các tình huống, tuân thủ các quy định về an toàn lao động với ngành đặc thù như: mũ, quần áo bảo hộ có phản quang.
Đặc biệt, luôn trong tâm thế phòng vệ và sẵn sàng gọi điện, liên lạc ngay cho đường dây nóng của lực lượng công an, bảo vệ trật tự đường phố để họ kịp thời ứng cứu cho công nhân trong trường hợp khẩn cấp.
Các cơ quan chức năng cần có các biện pháp quyết liệt hơn nữa trong việc bảo vệ công nhân vệ sinh và chấn chỉnh, hạn chế tình trạng mất an toàn cho công nhân khi làm ca đêm, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ an toàn cho công nhân lao động. Bảo vệ tốt cho họ cũng chính là biện pháp đảm bảo an tâm về tinh thần để họ thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng đất nước xanh - sạch - đẹp.
Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, chính quyền cần phối hợp chặt chẽ và có những biện pháp cụ thể để bảo vệ an toàn cho công nhân vệ sinh như: tăng cường tuần tra, lắp camera giám sát tại các tuyến đường có dấu hiệu mất trật tự an ninh để sẵn sàng ứng cứu và truy bắt những đối tượng có mưu đồ xấu. Đồng thời, chính quyền cũng cần có các phương án kêu gọi các mạnh thường quân, lập các quỹ công ích hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn để họ tự tin, tự hào là người làm sạch làm đẹp cho phố phường.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhung-nguoi-ben-canh-hiem-nguy-5669317.html