Những người dám nghĩ, dám làm
ĐBP - Chủ động tìm hiểu, mạnh dạn đầu tư, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nắm bắt xu thế thị trường... đó là kinh nghiệm thành công của rất nhiều tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, nhất là các mô hình kinh tế tổng hợp vườn - ao - chuồng - rừng (VACR).
Anh Bạc Cầm Sáng, bản Nà Dên, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) giới thiệu mô hình kinh tế của gia đình.
Mô hình kinh tế VACR của gia đình ông Lò Văn Miên, bản Nà Ten, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) là một trong những mô hình điển hình tiêu biểu không chỉ ở huyện Ðiện Biên mà còn trong toàn tỉnh. Với mô hình này, gia đình ông Miên từ hộ nghèo đã vươn lên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi, tạo việc làm và thu nhập cho các thành viên trong gia đình. Ông Miên cho biết, có được thành quả như ngày nay, là do ông đã dày công xây dựng từ khoảng thời gian 20 năm trước. Những năm 2000, nhận thấy cuộc sống khó khăn, bao nhiêu năm làm ăn vất vả nhưng cũng chẳng khấm khá được ông Miên ấp ủ ý chí thoát nghèo. Năm 2001, được sự quan tâm của Nhà nước, ông Miên cùng gia đình nhận khoanh nuôi, bảo vệ 60ha đồi rừng thuộc khu vực bản Huổi Xưa, Na Ten, xã Hua Thanh. Ngoài hơn 50ha đồi rừng được phủ xanh bằng những loại cây có giá trị như: Trám, dổi, keo lai... ông Miên dành riêng gần 10ha để quy hoạch phát triển trang trại. Năm 2004, ông Miên tham quan mô hình trồng cam của dự án thực hiện tại bản Hoong Lếch Cang, xã Thanh Chăn, huyện Ðiện Biên. Sau khi tham quan về, nhận thấy khu vườn rừng của gia đình khí hậu mát mẻ, đất đai không bị xói mòn, thuận lợi trồng cây ăn quả, ông Miên bàn bạc với gia đình trồng thử nghiệm 5.000m2 cam. Ðể thuận lợi trong quá trình di chuyển và chăm sóc vườn, ông đầu tư hơn 50 triệu đồng thuê máy ủi làm đường. Thấy mô hình trồng cam có triển vọng, ông Miên trực tiếp về tận huyện Cao Phong (Hòa Bình) để học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cam; đồng thời, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả lên tới hơn 6ha và trồng thêm một số loại bưởi, như: Ðoan Hùng, bưởi Diễn... Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, qua nhiều năm ông Miên cũng nắm vững kỹ thuật bón phân, phun thuốc trừ sâu bệnh, làm cỏ... cho đến khâu thu hoạch. Ðến nay, thu nhập từ bán cam, bưởi của gia đình ông Miên mỗi năm trừ chi phí hàng trăm triệu đồng, có những năm trên 500 triệu đồng.
Ngoài phát triển kinh tế từ trồng cây ăn quả, ông Lò Văn Miên còn tận dụng nguồn nước tự nhiên ở khe, suối để làm ao nuôi các loại cá, như: Rô phi đơn tính, chép, trắm... diện tích hơn 5.000m2. Với diện tích mặt nước rộng và phong phú các loại cá như vậy, mỗi năm, ông Miên thu hoạch từ 8 - 9 tấn cá, trừ chi phí gia đình ông thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Tận dụng nguồn nước và hệ thống ao, ông Miên kết hợp nuôi ngan, vịt để cải thiện cuộc sống. Những năm gần đây, ông Miên còn đầu tư thêm chuồng trại để nuôi lợn rừng. Với nỗ lực và thành quả sau bao nhiêu năm lao động vất vả, ông Lò Văn Miên vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017”.
Năm nay hơn 30 tuổi, thế nhưng mấy năm gần đây, anh Bạc Cầm Sáng ở bản Nà Dên, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá là một trong những cá nhân tiêu biểu trong phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp VACR. Ðặc biệt, năm 2018, anh Bạc Cầm Sáng là 1 trong 30 thanh niên làm kinh tế giỏi trong toàn tỉnh được Tỉnh đoàn vinh danh tại “Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp”. Anh Sáng chia sẻ: Năm 2012, sau hai lần thi không đỗ đại học, nhận thấy gia đình cũng khó khăn, tôi quyết định ở nhà cùng bố phát triển kinh tế gia đình. Tận dụng lợi thế được Nhà nước giao đất rừng cho gia đình quản lý, bảo vệ rộng với trên 6ha nên tôi lên ý tưởng cùng bố cải tạo đất, vừa kết hợp trồng rừng, vừa trồng các loại cây ăn quả như: Xoài, cam, mắc ca. Với diện tích đất khá bằng phẳng, gia đình quây khu chăn nuôi gia súc (trâu, bò, dê) và gia cầm (gà, ngan, vịt). Ngoài ra, tận dụng mạch nước từ các khe suối, gia đình còn nuôi thêm các loại cá thương phẩm, như: Trôi, trắm, chép...
Theo anh Sáng, để mô hình kinh tế của gia đình mang lại hiệu quả, anh thường xuyên tìm hiểu kiến thức chăn nuôi, trồng trọt qua sách, báo và từ thực tế sản xuất của những gia đình đã thành công từ mô hình VACR. Nhờ đó, trang trại chăn nuôi, trồng trọt kết hợp của gia đình anh luôn phát triển tốt. Ðối với diện tích xoài, cam đến nay đã cho thu hoạch 5 vụ; diện tích cây mắc ca cũng cho thu hoạch được 2 vụ. Các loại gia súc (cung ứng con giống), gia cầm (thương phẩm), thủy sản bán ra thị trường hàng năm cũng đều cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhìn chung, tổng thu nhập đã trừ chi phí hàng năm gia đình anh Sáng thu về từ 170 - 200 triệu đồng. Với những thành công ban đầu trong chăn nuôi, trồng trọt, hiện nay, anh Sáng đang tiếp tục thử nghiệm đầu tư nuôi dúi. Ðến nay, chuồng dúi của gia đình anh Sáng có khoảng gần 100 con, nhiều con đã sinh sản.
Năm nay ngoài 70 tuổi, song phát huy tinh thần “tuổi cao chí càng cao”, ông Lò Văn Túi ở bản Ngúa, xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo) luôn là tấm gương sáng về phát triển kinh tế ở địa phương. Ông Túi cho biết, trước kia, gia đình thuộc diện khó khăn của xã. Song với ý chí và sự quyết tâm vươn lên, đến nay ông đã làm chủ của trang trại với mô hình VACR. “Sau khi nghỉ chế độ hưu trí, do gia đình còn nhiều khó khăn, năm 2009, tôi tập trung khoanh nuôi, bảo vệ rừng được giao với diện tích 5,2ha. Với những diện tích đất trống, đồi trọc, tôi lên ý tưởng trồng cây quế. Ðến năm 2017, rừng quế của tôi cho thu hoạch. Sau khi bán cây, tôi thu về được 230 triệu đồng. Ngoài trồng quế, tôi còn trồng xen kẽ các loại cây ăn quả; chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng. Cùng với đó, tận dụng diện tích đất đai rộng rãi của gia đình, tôi đào ao thả cả. Hàng năm, tổng thu nhập trừ chi phí, gia đình tôi thu lời gần 500 triệu đồng”. Theo ông Túi, với mô hình kinh tế tổng hợp, ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, ông còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương mỗi mùa vụ hoặc những đợt chăm sóc, tu bổ rừng.
Ông Túi, ông Miên, anh Sáng chi là 3 trong số rất nhiều tấm gương điển hình vươn lên từ mô hình kinh tế VACR. Thông qua các mô hình, không chỉ bản thân gia đình chủ hộ vươn lên làm giàu chính đáng mà họ còn giúp nhiều lao động khó khăn tại địa phương có việc làm ổn định, từ đó góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương cũng như của tỉnh.