Những người gắn bó với di sản

Hà Nội có gần sáu nghìn di tích với hàng nghìn Ban Quản lý di tích, hàng nghìn ông thủ từ. Đó là những con người bình dị, ngày đêm gắn bó với di sản. Có những trường hợp còn gặp cả hiểm nguy để bảo vệ di tích. Họ là những người âm thầm giúp cho kho báu di sản của thành phố vững bền.

Đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa quý báu.

Đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa quý báu.

Hà Nội có gần sáu nghìn di tích với hàng nghìn Ban Quản lý di tích, hàng nghìn ông thủ từ. Đó là những con người bình dị, ngày đêm gắn bó với di sản. Có những trường hợp còn gặp cả hiểm nguy để bảo vệ di tích. Họ là những người âm thầm giúp cho kho báu di sản của thành phố vững bền.

Miếu Đồng Cổ nằm ngay bên quốc lộ 32 không phải là một di tích lớn, nhưng lại nổi tiếng bởi không gian xanh mát của 13 cây muỗm cổ thụ, có tuổi đời khoảng 500 năm. Đây cũng là một trong những di tích có tiếng của Hà Nội trong việc gìn giữ nếp sống văn minh nơi thờ tự. Dẫu vậy, đằng sau vẻ cổ kính, yên bình ấy là biết bao những phức tạp. Ông Vương Văn Bệ, thủ từ miếu Đồng Cổ là người chứng kiến nhiều biến động xảy ra tại nơi này. Ông Bệ nhớ lại: “Năm 2012, tôi được người dân tin tưởng giao cho nhiệm vụ trông nom, bảo vệ di tích. Là người sinh ra lớn lên ở đây, tôi nhận thấy đây là trọng trách lớn với quê hương. Nhưng khi nhận nhiệm vụ rồi mới biết, miếu Đồng Cổ được các triều đại rất quan tâm, ban tặng thần Đồng Cổ nhiều sắc phong. Ngôi miếu còn lưu giữ được 11 đạo sắc phong và nhiều hiện vật quý khác. Đây chính là đối tượng mà những kẻ gian rình mò”. Nhận nhiệm vụ được một thời gian, ông Bệ chứng kiến vụ kẻ gian đột nhập lần đầu tiên. Rất may, ông đã cảnh giác cho nên kịp thời phát hiện, báo cáo với Ban Quản lý di tích và dân làng. Mọi người thống nhất chỉnh sửa lại cổng cửa, hàn một số khung sắt để phòng ngừa trộm xâm nhập. Tuy nhiên, kẻ gian vẫn đột nhập nhiều lần khác. Nhiều người nghĩ thủ từ chỉ là việc ra đình, miếu để trông nom nhang khói. Còn với ông Bệ, đấy là quá trình gian nan. Rất may, ông Bệ sinh năm 1958, độ tuổi còn khá trẻ so với những vị thủ từ khác, cho nên ông còn đủ sức khỏe để tích cực chống trộm. Đã hai lần ông tóm được kẻ gian và bàn giao cho UBND phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm). Ông Bệ chia sẻ: “Tương truyền, ngôi miếu được lập từ thời Hai Bà Trưng. Sau này, còn gắn với sự kiện liên quan đến các vua nhà Lý, nhất là việc vua Lý Thái Tông được thần Đồng Cổ báo mộng về loạn Tam vương, giúp vua dẹp loạn. Có lịch sử lâu đời như thế, cho nên chúng tôi rất coi trọng công tác gìn giữ di tích, giáo dục giá trị di tích cho thế hệ trẻ”.

Ông Trịnh Bá Lương là một trong những người có thâm niên làm thủ từ lâu năm nhất ở Hà Nội. Đến giờ, ông đã trải qua gần 30 năm lo việc nhang khói ở đình Yên Thái (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm). Nằm trong ngõ Tạm Thương, chỉ cách mặt phố Hàng Gai vài chục bước chân, đình Yên Thái thâm nghiêm, yên tĩnh. Dù không rộng rãi, nhưng ngôi đình cổ vẫn giữ được nguyên vẹn không gian với cây đa, giếng nước, mái đình. Bước chân vào đây, sự tôn nghiêm khiến khách tham quan tự cảm thấy phải cẩn trọng trong từng lời ăn, tiếng nói, hành động. Đây chính là nơi nàng Lê Thị Yến từng ở trước khi nhập cung, rồi sau này được vua Lý Thánh Tông tấn phong là Nguyên phi Ỷ Lan. Nguyên phi Ỷ Lan là người có công lớn trong việc giúp vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông trị quốc. Để giữ gìn được không gian ấy, ông Trịnh Bá Lương đã chịu khó tìm hiểu các giá trị văn hóa, tìm hiểu Luật Di sản văn hóa và Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền đến người dân trong phường và khách thập phương. Đình Yên Thái luôn được nhiều người muốn công đức hiện vật, nhưng ông Lương cùng Ban Quản lý di tích nắm vững các quy định pháp luật về bảo tồn di sản, cho nên đã không để xảy ra tình trạng tiếp nhận hiện vật ngoại lai, hiện vật không phù hợp. Ông Lương chia sẻ: “Ngoài tuyên truyền thực hiện việc không đốt vàng mã quá nhiều, không rải tiền lẻ, đặt lễ và dâng hương đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch đẹp..., từ khi thành phố ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng, chúng tôi còn tuyên truyền người dân thực hiện Quy tắc ứng xử. Nhờ thế, đình Yên Thái giữ được sự tôn nghiêm qua thời gian”.

Di tích luôn đứng trước những nguy cơ bị hư hại bởi thời gian, bởi ý thức con người. Công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị, tu bổ di tích trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của những ban quản lý di tích, những thủ từ ngày đêm gắn bó với di tích, di sản. Có thể kể đến những người có đến hai, ba mươi năm gắn bó với di tích như: Ông Đinh Minh Tỉnh ở đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), ông Nguyễn Văn Tùng phụ trách trông coi đền Voi Phục (quận Tây Hồ), ông Phùng Văn Mạnh ở đền Bà Tấm (huyện Gia Lâm)… Từng chưa được quan tâm đúng mức một thời gian dài, nhưng những năm gần đây, TP Hà Nội đã xây dựng chế độ đãi ngộ với các vị thủ từ. Kinh phí chưa nhiều, nhưng cũng đã phần nào giúp họ gắn bó, trách nhiệm hơn với công việc. Thành phố cũng tổ chức các lớp tập huấn về bảo tồn di sản để nâng cao trình độ, nhận thức của những người trông coi di tích ở cơ sở, và những “hạt nhân” này, đang góp phần gìn giữ kho báu di tích, di sản của Hà Nội bền vững đến mai sau.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/40677102-nhung-nguoi-gan-bo-voi-di-san.html