Những người Mông 'đi ngược' tìm ấm no nơi biên viễn (Bài cuối): Những hạt nhân cộng hưởng để gỡ mớ bòng bong nút thắt

Từng bị chê bai, thậm chí người đời xa lánh, nhưng bằng trách nhiệm, lòng nhiệt huyết, nghị lực phi thường và niềm tin mãnh liệt vào thành công, những đảng viên Lầu Minh Pó, Chá Văn Dia, Thao Văn Thê... đã kiên định với ý tưởng, con đường đi của mình, dẫu có đi ngược lại với phần đa dân bản. Chính họ là những hạt nhân tiêu biểu ở ngay trong vùng đồng bào Mông, đã cùng với cấp ủy, chính quyền gỡ ra mớ bòng bong nút thắt trong nếp nghĩ, cách làm, động viên bà con xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại để vươn lên đổi khác.

Giờ tan trường ở bản đồng bào Mông Suối Tôn, xã Phú Sơn (Quan Hóa). Ảnh: Đỗ Đức

Giờ tan trường ở bản đồng bào Mông Suối Tôn, xã Phú Sơn (Quan Hóa). Ảnh: Đỗ Đức

Lấp đầy khoảng trống chính sách

Chớm thu, bằng lăng núi nở tím trời biên viễn. Tôi ghé qua những bản làng chon von trên đầu núi, tận thấy đổi thay hiển hiện trong ngôi nhà đủ đầy của đồng bào Mông. Mà trong câu chuyện về sự đổi thay ấy, ngoài sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Đảng, có sự trao truyền nhiệt lửa huyết, ý chí sắt đá, quyết tâm đổi khác từ những người đảng viên.

Như ở bản đồng bào Mông Suối Tôn, xã Phú Sơn (Quan Hóa) biệt lập dưới chân dãy Pù Luông hùng vĩ, phía bên kia con sông Luồng nước xiết. Trước năm 2020, nơi đây còn oằn mình trong ma túy và hủ tục bủa vây. Những chàng trai, cô gái Mông đang tuổi ăn tuổi lớn đã phải vội vã làm bố, làm mẹ với lít nhít con trẻ... Giờ đã khác lắm, những ngôi nhà khang trang đã được dựng lên bên ruộng lạc, ruộng lúa. Đường vào bản được bê tông kiên cố, có đập tràn vượt suối, nơi tôi bắt gặp những đứa trẻ bản Mông áo quần sặc sỡ, cười giòn tan trong nắng mới lên. Bí thư chi bộ, trưởng bản Giàng A Chu bảo: “Trong những đổi thay bản mình có vai trò của bác Lầu Minh Pó. Bác Pó đến tuyên truyền cho bà con bản mình. Người dân Suối Tôn đã đưa người chết vào quan tài, tổ chức tang ma theo nếp sống mới, an toàn và tiết kiệm. Trai gái cưới vợ cưới chồng không nặng nề chuyện người Mông lấy người Mông nữa”.

Đồng chí Lương Thị Hạnh, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn: Đảng bộ huyện Quan Sơn đã và đang tập trung quan tâm công tác phát triển đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở vùng đồng bào Mông. Đồng thời quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về nêu gương của Đảng, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn huyện nói chung và ở vùng đồng Mông nói riêng, nhằm lan tỏa, động viên Nhân dân tự lực tự cường, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại, giảm nghèo nhanh và bền vững. Qua đó góp phần tập trung thực thiện thắng lợi mục tiêu “5 vững”, đó là: Giữ vững tinh thần đoàn kết, giữ dân, giữ vững ý chí tự lực tự cường, giữ rừng và giữ vững biên giới.

Ở huyện biên giới Quan Sơn, nơi bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy bồng bềnh trong bốn mùa mây trắng cũng vậy. Gợi tên người đảng viên Lầu Minh Pó, Chá Văn Dia, hay Hơ Thị Dợ,... Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sơn Thủy Thao Văn Công biết rõ lắm: “Họ thực sự là những tấm gương sáng của đồng bào Mông mình, là con cháu Bác Hồ. Các bác, anh, chị đã truyền cảm hứng, động viên bà con mình thay đổi. Nếu không có những người như họ, việc tuyên truyền, vận động sẽ khó khăn lắm lắm”.

Thế mới biết, câu chuyện bài trừ hủ tục, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong vùng đồng bào dân tộc Mông gian nan biết nhường nào. Đi và gặp gỡ chuyện trò vắt vẻo qua bao bản làng nơi biên viễn, tôi cảm nhận nếp nghĩ, cách làm ấy chẳng khác nào đá tảng chắn ngang hành trình phát triển bản Mông. Nhớ lại lời ông Lầu Minh Pó, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát: “Đảng, Nhà nước đã quan tâm đặc biệt đến đời sống Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Mông nói riêng thông qua nhiều chương trình, dự án. Nhưng không phải chương trình, dự án nào cũng phát huy được hiệu quả mỹ mãn, bởi chưa nhận diện được đầy đủ nguyên nhân, làm cơ sở cho giải pháp gỡ bỏ rào cản lớn nhất làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Mông, đó là phong tục, tập quán lạc hậu, còn nặng nề tư tưởng trông chờ, ỷ lại”. Phải chăng đây cũng là một “khoảng trống” chính sách cần được lấp kín kịp thời?!

Kết luận số 684-KL/TU, ngày 10/12/2021 về “Tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025” (gọi tắt là Kết luận 684) và Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 29/9/2022 về “Xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (gọi tắt là Nghị quyết 11) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ra đời, chẳng những luận giải, nhận diện đúng, trúng, đề ra các giải pháp xuyên phá đá tảng ấy, mà còn mang theo quyết tâm chính trị của tỉnh nhằm xoay chuyển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng. Mà phía sau ấy còn là quá trình công phu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn sinh động nơi núi rừng biên viễn.

Như Nghị quyết 11 đã thẳng thắn nhìn nhận một trong những nguyên nhân khiến huyện Mường Lát vẫn là huyện nghèo nhất của tỉnh và là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, đó là: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự ty, cam chịu”... Kết luận 684 cũng chỉ ra: “... một số cấp ủy, chính quyền vùng đồng bào Mông chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận; chưa thực sự gần dân, sát dân”;... “việc chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc Mông chưa được quan tâm đúng mức”...

Đường lên các bản đồng bào Mông ở huyện Quan Sơn đã được Nhà nước đầu tư, xây dựng.

Đường lên các bản đồng bào Mông ở huyện Quan Sơn đã được Nhà nước đầu tư, xây dựng.

Sự vào cuộc nhận diện để khoan phá cũng đã manh nha, khởi phát ở các địa phương từ rất sớm. Như tại Quan Sơn, nơi có 3 bản đồng bào Mông: Ché Lầu (xã Na Mèo), Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy) sinh sống dọc theo 12 cây số đường biên giới với 217 hộ, 1.058 nhân khẩu, từ năm 2017, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/HU về “Tăng cường công tác tư tưởng, nhanh chóng thay đổi tập quán canh tác, thói quen sinh hoạt lạc hậu trong Nhân dân; phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa Quan Sơn trở thành huyện khá”. Nghị quyết đã chỉ rõ 12 biểu hiện về tư tưởng lạc hậu; tập quán sản xuất và thói quen sinh hoạt lạc hậu để tập trung thay đổi, xóa bỏ. Trong đó có tình trạng người dân có điều kiện thoát nghèo nhưng không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước; chi tiêu không hợp lý “làm ra bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu”; không nghiêm túc chấp hành pháp luật và thực hiện hương ước làng bản; uống rượu say, gây mất trật tự công cộng... Đến nhiệm kỳ này, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quan Sơn tiếp tục ban hành Nghị quyết 04-NQ/HU, ngày 12/5/2021 về “Tiếp tục tăng cường công tác tư tưởng; thực hành tiết kiệm, tích lũy tài chính thông qua mô hình “sổ tiết kiệm gia đình và quỹ tài chính phát triển cộng đồng” giai đoạn 2021-2025”.

Chủ trương, giải pháp đúng trúng đã có, song câu chuyện đưa những nghị quyết, kết luận ấy vào thực tiễn đời sống đồng bào Mông - để định hướng, dẫn đường - lại chẳng thể một sớm một chiều và trách nhiệm không chỉ của riêng địa phương. Bởi xét trên nhiều bình diện, việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong bà con, thậm chí trong cả cán bộ, đảng viên chẳng khác nào việc cải tạo con người, khai sơn phá thạch, tạo lập con đường mới thênh thang nơi núi rừng biên viễn vô vàn gian nan. Mà từ thực tiễn thực hiện Kết luận 684 tại bản đồng bào Mông Suối Tôn, xã Phú Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Hóa Hà Văn Thủy đưa một ví dụ - chuyện vận động bà con trồng lúa nước hai vụ. Rõ ràng đó là việc làm thiết thực, góp phần giải quyết tình trạng thiếu đói giáp hạt cho chính bà con. Nhưng nếu chỉ tuyên truyền, vận động sẽ chẳng bà con nào tham gia. Phải cần cán bộ, đảng viên đi trước, làm trước, chứng minh được hiệu quả thật để bà con theo...

Cộng hưởng và lan tỏa

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Trong nhiều văn kiện, Đảng ta cũng chỉ rõ, Đảng lãnh đạo bằng hành động gương mẫu của đảng viên, coi đó là một nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Chủ trương nhất quán, xuyên suốt ấy đang tiếp tục được Đảng ta cụ thể hóa, làm rõ bằng nhiều quy định, nghị quyết, như: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”;...

Đời sống tinh thần của người dân ở huyện biên giới Quan Hóa đang được nâng cao.

Đời sống tinh thần của người dân ở huyện biên giới Quan Hóa đang được nâng cao.

Mới đây nhất, Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (gọi tắt là Quy định 144) đã truyền thêm sinh khí, động lực, tiếp tục bồi dưỡng sức mạnh nội sinh, củng cố, phát triển niềm tin yêu của Nhân dân với Đảng. Đây cũng là con đường đúng đắng để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự rèn luyện bản thân, sống gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến người dân. Bởi mỗi cán bộ, đảng viên phải “...xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân”.

Đưa các quy định nêu gương và tiêu chuẩn đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên vào “công cuộc” xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại ở vùng đồng bào Mông đã là điều cần kíp. Và điều này đã và đang được các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện với nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả ở cơ sở. Như tại xã Sơn Thủy (Quan Sơn), ngoài xây dựng chương trình hành động thực hiện có hiệu quả các quy định của Trung ương, của tỉnh, đảng ủy xã đã ban hành chương trình riêng về phát triển kinh tế - xã hội tại 2 bản đồng bào Mông: Mùa Xuân, Xía Nọi, gắn với việc thực hiện Kết luận 684 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Mà ưu tiên hàng đầu là huy động cán bộ, công chức trực tiếp đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn, giúp đỡ bà con thực hiện các mô hình kinh tế. Bí thư đảng ủy xã Phạm Bá Chiến, chia sẻ: “Trong thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ở 2 bản vùng đồng bào Mông, Đảng ủy xã Sơn Thủy luôn đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, của cấp ủy chi bộ bản, đảng viên, nhất là những đảng viên người Mông. Bởi họ am hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ của bà con nên hiệu quả tuyên truyền, vận động sẽ cao hơn”.

Tại Mường Lát, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với hơn 3,5 nghìn hộ, hơn 19 nghìn nhân khẩu, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã cụ thể hóa Nghị quyết số 11, Kết luận 684 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy bằng những chỉ tiêu, giải pháp cụ thể. Trong đó, việc tập trung tuyên truyền, vận động từng bước xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại được đặt lên hàng đầu. Bí thư Huyện ủy Hà Văn Ca nhìn nhận: “Quá trình tổ chức thực hiện, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn luôn động viên, khích lệ phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong vùng đồng bào Mông. Đồng thời định kỳ tổ chức biểu dương nhân rộng những điển hình tiên tiến trong công tác tuyên truyền, vận động, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông, gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Từ vai trò, đóng góp của những tấm gương tiêu biểu như Lầu Minh Pó, Chá Văn Dia, Hơ Thị Dợ, Thao Văn Thê... trong “cuộc chiến” xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại ở vùng đồng bào Mông đã khẳng định chân lý sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và phương thức lãnh đạo đúng đắn của Đảng: lãnh đạo bằng tính gương mẫu của đảng viên. Chính những tấm gương ấy đang thôi thúc các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên tiếp tục tự soi, tự sửa, tự rèn luyện để làm tốt hơn vai trò lãnh đạo sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh nơi biên giới.

Đồng bào dân tộc Mông có dân số đông thứ 3 trong các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (sau dân tộc Mường và dân tộc Thái) với 3.756 hộ/20.046 khẩu, sinh sống tập trung ở 44 bản, thuộc 10 xã của 3 huyện miền núi biên giới: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa. Hiện tại, vẫn còn 43/44 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Tôi về xuôi theo cung đường thênh thang lộng gió, nơi những hàng cờ đỏ thắm tung bay, lòng chộn rộn về đổi thay nơi núi rừng. Dẫu rằng còn bộn bề bao gian khó, nhưng tôi tin tinh thần quyết tâm, tự lực, tự cường của các cấp ủy sẽ tiếp thêm sức mạnh để ngày càng nhiều hơn những đảng viên “đi ngược” để lèo lái cuộc sống của đồng bào nơi biên giới xa xôi thêm ấm no, hạnh phúc... Và, trên những cung đường đã qua, mới càng thêm thấm thía bài học lý luận chính trị căn bản, đó là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng chính là nâng cao sức hấp dẫn của Đảng với Nhân dân, điều đó bắt nguồn từ chính sức hấp dẫn của mỗi đảng viên với quần chúng. Ở vùng biên viễn xứ Thanh, có những hạt nhân, những thỏi nam châm như thế!.

Phóng sự của Đỗ Đức

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhung-nguoi-mong-di-nguoc-tim-am-no-noi-bien-vien-bai-cuoi-nhung-hat-nhan-cong-huong-de-go-mo-bong-bong-nut-that-226826.htm