Những người thầm lặng trên chuyến tàu phục vụ hành khách đoàn viên
Đêm 30 cũng là khoảnh khắc những chuyến tàu cuối cùng của năm cũ rời bến, đưa những hành khách về quê đón Tết với gia đình. Trên những chuyến tàu đó, có những người thầm lặng, phục vụ hành khách về quê an toàn, đón Tết vui vẻ trên tàu.
Vào buổi tối cuối năm, sân ga Hà Nội thường đông đúc, nhộn nhịp, khác hẳn với những ngày thường. Rất nhiều hành khách hối hả, tay xách nách mang đủ thứ đồ như đào, quất, mai, bánh kẹo,… để về quê đón Tết. Nhân viên nhà ga bận rộn thực hiện các công việc vận chuyển nhu yếu phẩm lên tàu để phục vụ hành khách và đón tiếp khách lên tàu.
Không chỉ hành khách hối hả mà còn những tiếng gọi, nụ cười, cái bắt tay thân mật,.. của người thân đưa tiễn. Lời động viên cũng như chia sẻ, chúc Tết năm mới.
Kể về những chuyến tàu Tết mình đã đồng hành, anh Kiều Mạnh Cường, Trưởng tàu khách, phụ trách tàu SE1, SE2 (chạy Hà Nội – Sài Gòn và ngược lại) cho biết, anh làm trong ngành đường sắt được 20 năm thì có 10 năm đi những chuyến tàu Tết. Tàu anh phục vụ thường chạy vào 22g15 phút đêm 29, 30 tháng Chạp Âm lịch.
Anh Cường cho biết thêm, trước khi tàu lăn bánh, toàn bộ đoàn tàu sẽ họp mặt, giao ban, nhận nhiệm vụ, trao đổi thông tin, động viên tinh thần anh em phục vụ tàu chu đáo nhất. Lãnh đạo động viên anh em trên tàu, anh em mới phục vụ chuyến tàu Tết lần đầu đảm bảo công việc.
Bên cạnh họp bàn giao, động viên anh em thì công việc đảm bảo nhu yếu phẩm trên tàu phục vụ hành khách cũng hết sức quan trọng và được chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ. Trước khi chuyến tàu được đưa ra ga, các bộ phận đã chuẩn bị nhu yếu phẩm mang lên tàu, trang trí tàu khách như mua cây đào, cắm hoa,.. cũng như chuẩn bị quà Tết của ngành đường sắt cho hành khách đi trên tàu.
Nhu yếu phẩm trên tàu có đầy đủ như khi hành khách ở gia đình, có bánh chưng, giò lụa, hành muối, bánh kẹo,… hành khách muốn ăn gì, trên tàu đều có để phục vụ.
“Hơn 10 năm tôi đi tàu xuyên Tết nhưng cảm giác của tôi lúc nào cũng như mới bắt đầu. Mỗi lần nhận nhiệm vụ phục vụ khách trên tàu Tết, chúng tôi đều hiểu rằng đây là công việc chung, phục vụ hành khách làm sao cho chu đáo nhất bởi hành khách đang mong được về nhà.
Phục vụ trên chuyến tàu Tết cũng có những niềm vui, nỗi buồn khi xa nhà nhưng nhiệm vụ chung nên phải đảm bảo cho hành khách đi trên chuyến tàu vui vẻ nhất”, anh Cường chia sẻ.
Theo anh Cường, chính bởi tâm lý phục vụ như vậy nên nhiều hành khách đi trên tàu rất vui vẻ, xúc động và bất ngờ bởi trên tàu phục vụ rất chu đáo, bữa ăn đầy đủ như ở nhà, có cành đào, bánh chưng, bánh kẹo.
Đặc biệt, vào khoảng gần giao thừa, hành khách đều tập trung lại khu vực nhà ăn để cùng đón giao thừa và ngắm pháo hoa ở địa bàn tàu đi qua. Mọi người cùng vui vẻ hò reo, gửi đến nhau những lời chúc mừng năm mới. Mọi người cảm thấy rất vui và ấm ấp.
Về mặt gia đình, anh Cường cho hay, gia đình hiểu được đặc thù công việc nên cũng thông cảm. Trước khi đi chuyến tàu Tết, anh đã làm tròn bổn phận ở nhà như mua sắm Tết, bánh kẹo,… Khi đi tàu, anh được vợ con đưa sang cơ quan. Trong khoảnh khắc chia tay đó, anh vẫn thấy lưu luyến, bịn rịn nhưng do nhiệm vụ nên anh luôn đảm bảo phục vụ hành khách tốt nhất, vui vẻ nhất.
Cùng chia sẻ về công việc phục vụ hành khách những ngày Tết, chị Đồng Thị Kim Thêu, trực ban khách vận cho biết, chị có 5 năm liên tục đón giao thừa tại ga Hà Nội.
Chị Thêu cho hay, hiện tại, vé tàu đã được bán qua mạng nên hành khách thường chủ động đến ga và ít người đến mua trực tiếp. Tuy nhiên, vì lý do nào đó, ngày 30 Tết vẫn thường có khách đến rất muộn mua vé tàu Tết để về quê. Với những chuyến tàu đêm 30 Tết thì luôn luôn còn vé phục vụ hành khách.
Kể lại câu chuyện bán vé, chị Thêu cho biết, trong nhiều năm làm công việc của mình, chị gặp rất nhiều trường hợp hành khách vội vàng đến mua vé đêm 30 Tết. Hầu hết hành khách đều có tâm lý sợ hết vé, không biết còn vé hay không nhưng với những chuyến tàu này, đơn vị luôn có vé phục vụ, chưa bao giờ hết vé.
Có những trường hợp đến sát giờ tàu chạy, nhân viên hỗ trợ tối đa, nhanh nhất để cho hành khách mua vé và lên tàu, tránh bị nhỡ chuyến tàu cuối năm. Có trường hợp, một cô gái đến khi tàu đã rời ga được 5 phút, cô gái nói nhà có việc đột xuất phải về quê mà đêm, không còn phương tiện nào, chỉ còn tàu hỏa nhưng lại ra muộn mất mấy phút. Cô gái này khóc nức nở, buồn rầu nhưng nhân viên nhà ga đã động viên, chia sẻ với cô gái, khuyên cô bình tĩnh đón giao thừa ở Hà Nội rồi 6g sáng có chuyến tàu sớm nhất để di chuyển.
Có hành khách đi Tàu đến mùng 2 Tết mới vào đến TP HCM nhưng vẫn mang cành đào theo. Vị khách chia sẻ, vào đến TP HCM là mùng 2 Tết nhưng những ngày đi trên tàu vẫn được ngắm đào Tết và vào miền Nam vẫn được ngắm bởi nhìn thấy đào là nhìn thấy Tết.
Tàu hỏa vẫn chạy đều đặn xuyên Tết. Khi mọi người đã bắt đầu nghỉ ngơi và tận hưởng kỳ nghỉ dài nhất trong năm thì những vòng quay bánh xe lửa vẫn lăn đều trên đường ray. Nó như một mạch mạch máu giao thông nối liền hai đầu Nam - Bắc, không bao giờ dừng lại bất kể thời gian.