Những nhà giáo 'đặc biệt' ở Trại tạm giam Quân khu 5

Nằm về phía Tây thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm khoảng chừng 10km là vị trí đóng quân Trại tạm giam Quân khu 5 (B14). Khác xa với sự ồn ào náo nhiệt nơi phố phường, nơi đây cán bộ, chiến sĩ vẫn ngày đêm thầm lặng với nhiệm vụ quản lý, giáo dục, cảm hóa phạm nhân lầm đường, lạc lối. Họ được chúng tôi gọi với cái tên thân mật là những nhà giáo 'đặc biệt'.

Ở tuổi lục tuần, lẽ ra ông N.Q.H sẽ được tận hưởng cuộc sống yên vui bên người thân, gia đình và bạn bè. Vậy mà, vì mải mê kiếm tiền mà ông lại vướng vào vòng lao lý. Với mức án 5 năm tù, ông cứ ngỡ sẽ là những năm tháng đầy khổ ải nhất của cuộc đời… Thế nhưng, khi chấp hành án, ông nhận được sự quan tâm, động viên nhiều của cán bộ, quản giáo, tư tưởng dần ổn định và loại dần những suy nghĩ tiêu cực.

Ông N.Q.H chia sẻ: “Cuộc sống xô bồ, hối hả có lúc mình không kịp nhìn nhận lại bản thân dẫn đến sai lầm phải trả giá. Tại đây, tôi được phổ biến quyền và nghĩa vụ khi chấp hành án, chế độ của phạm nhân theo chính sách, pháp luật Nhà nước. Mỗi tháng được thăm gặp người thân, nhận thư, báo chí, xem thông tin thời sự, học tập, sinh hoạt, vui chơi thể dục thể thao. Tôi sẽ phấn đấu, chấp hành nghiêm các quy định, cải tạo thật tốt, mong được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước”.

 Trại tạm giam Quân khu 5 kiểm tra sức khỏe định kỳ cho phạm nhân.

Trại tạm giam Quân khu 5 kiểm tra sức khỏe định kỳ cho phạm nhân.

Có thể nói, nếu như quá trình “giáo dục đi” tức là hình thành nhân cách, truyền đạt kiến thức cho học trò có những gian nan, vất vả riêng của nghề sư phạm, thì quá trình “giáo dục lại” của người cán bộ quản giáo còn gian khó gấp bội lần. Với những người phạm tội mới bị đưa vào trại thường rất hoang mang và lo sợ, việc trấn an tinh thần cho họ là điều rất cần thiết.

Nhiều năm gắn bó với nghề quản giáo, Trung tá Quách Tấn Hải - Đội trưởng Đội quản giáo B14 chia sẻ: “Công việc của người quản giáo không chỉ đơn thuần là trông giữ phạm nhân mà còn có nhiệm vụ giáo dục, cảm hóa làm thức tỉnh lương tri trong con người của họ, giúp họ tìm được những suy nghĩ tích cực để yên tâm cải tạo, biết ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động sớm được về với gia đình. Ở trại có những phạm nhân quân hàm thượng, đại tá, chủ trì cơ quan, đơn vị vì một lý do nào đó không làm chủ được bản thân đã sa ngã vào vòng lao lý. Những ngày đầu vào trại, họ rất sốc, có những trường hợp quẫn trí dẫn đến hành động dại dột, bất chấp... Chúng tôi phải thường xuyên nói chuyện, động viên tinh thần thì họ mới an tâm, chấp hành tốt nội quy tại nơi giam giữ”.

Trao đổi với Đại tá Huỳnh Nam Dũng - Chính trị viên Trại B14, chúng tôi được biết, có những phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù ra trại trở về địa phương sinh sống nhưng vào những dịp lễ, Tết vẫn quay lại cảm ơn anh em trong đơn vị vì đã giúp họ làm lại cuộc đời. Theo thông tin từ anh, tôi tìm đến anh N.V.H ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam từng vướng vào tội tham ô. Với bản án 10 năm tù, những ngày đầu vào trại được sự chia sẻ, động viên của các cán bộ quản giáo, anh nhận ra lỗi lầm, tự giác chấp hành án, tuân thủ đúng nội quy của trại. Nhân dịp 2-9-2023 anh vui mừng được đặc xá trước thời hạn 5 năm, trở về với gia đình chí thú làm ăn, đầu tư chăn nuôi trên mảnh đất của cha mẹ để lại, có nguồn thu ổn định từ mô hình “vườn, ao, chuồng”. Anh N.V.H nói: “Tôi luôn giữ liên lạc với những cán bộ quản giáo và thường xuyên trở lại trại thăm hỏi, cảm ơn các anh vì đã động viên, giúp đỡ tôi trong suốt quá trình cải tạo”.

 Một buổi giáo dục chính trị cho phạm nhân tại Trại tạm giam Quân khu 5.

Một buổi giáo dục chính trị cho phạm nhân tại Trại tạm giam Quân khu 5.

“Can phạm, phạm nhân đã vào trại là những đối tượng đã trưởng thành, có nhận thức, có va chạm xã hội, từng trải. Có người vì vô tình mà phạm tội, cũng có những đối tượng lưu manh, trộm cắp, rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tham ô, thậm chí giết người... Vì vậy, người quản giáo luôn phải linh hoạt trong giáo dục, cải tạo can phạm; chủ động tìm hiểu nắm bắt tâm lý của can phạm, phạm nhân. Chắc chắn rằng, hoàn toàn không có một giáo án chung nào cho những nhà giáo “đặc biệt” này. Với mỗi phạm nhân, chúng tôi lại phải có một “bài giảng” riêng, được hình thành bởi chữ tâm và tình người”, Đại tá Huỳnh Nam Dũng chia sẻ.

Với phương châm quản lý, giáo dục “nghiêm túc, nghiêm khắc, không hà khắc”, “công tâm, khách quan, thực hiện đúng quy định pháp luật”, lấy nhân tâm để cảm hóa, khơi dậy lòng trắc ẩn ở mỗi phạm nhân giúp nghi can, nghi phạm, phạm nhân sớm trở về với gia đình. Những cán bộ quản giáo tại Trại tạm giam Quân khu 5 thật sự xứng đáng với tên gọi “Nhà giáo đặc biệt”. Nhờ sự quan tâm, giáo dục, giúp đỡ của những “Nhà giáo đặc biệt” này mà không ít phạm nhân cải tạo tốt, trở về sống lương thiện bên người thân, mỗi khi gặp lại ngoài đời, họ lại trân quý gọi các anh là Thầy!

Bài và ảnh: LÊ TÂY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhung-nha-giao-dac-biet-o-trai-tam-giam-quan-khu-5-752170