Những nhà sư ở tu viện Pine Wind
Là một tu viện Phật giáo tọa lạc tại New Jersey - Hoa Kỳ, Pine Wind trở thành nơi tu tập của những nhà sư rất đặc biệt.
Điều dễ nhận thấy đầu tiên là quá khứ của họ, trước khi họ từ bỏ tất cả để thực tập sống chung theo lời dạy của Đức Phật. Theo đó, chư Tăng ở đây là những nhà sư từng là nghệ sĩ xăm hình, nhà môi trường không mệt mỏi, một điều tra viên, một giáo viên phổ thông đã nghỉ hưu và thậm chí là một giáo sĩ Thiên Chúa giáo.
Chính sự khác biệt này là nhân tố quan trọng gắn kết và dung hòa để tạo nên một môi trường sống chung an lạc. Các nhà sư đã cùng nhau tu học, điều hành sinh hoạt tu viện, dù nền tảng văn hóa và tôn giáo nhiều khác biệt ngay từ điểm xuất phát.
Một buổi sinh hoạt tại Pine Wind
Pine Wind do thầy Seijaku Roshi sáng lập vào năm 1985, tại vùng Riverton, New Jersey. Từ năm 2000, tu viện được chuyển về vùng Shamong gần đó, cũng thuộc New Jersey. Thầy Roshi hiện đang trải qua những đợt hóa trị khác nhau bởi căn bệnh ung thư tuyến tụy được phát hiện hai năm trước.
Ngay sau khi thông tin nhà sư sáng lập tu viện và đương nhiệm viện chủ điều hành của Pine Wind, thầy Seijaku Roshi, được các bác sĩ địa phương chẩn đoán và cho hay bị ung thư tuyến tụy, các vị sư còn lại đã tiếp nối, chung tay lo Phật sự của tu viện để giảm nhẹ công việc cho vị đồng môn của mình.
Genjo là một trong ba vị sư tu tập tại tu viện được đề cử cùng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và điều hành các Phật sự cũng như sinh hoạt tâm linh thay thế cho sự vắng mặt của thầy Roshi.
“Khi được thông tin về bệnh tình, chúng tôi cứ lo lắng cho sự tử vong của thầy ấy sau mỗi cuộc nói chuyện và trao đổi với bác sĩ. Nhưng ở chiều ngược lại, nếu biết quán chiếu và có những suy nghĩ hợp lẽ thì đây cũng là một dấu hiệu tích cực. Trong hoàn cảnh này, chúng tôi buộc phải chủ động và đồng tâm với nhau nhằm quyết định các chương trình tu học tại tu viện mà không có sự dẫn dắt của thầy Roshi”, thầy Genjo cho hay.
Thầy Genjo từng là một nghệ sĩ xăm hình nổi tiếng khi mới 27 tuổi tại New Jersey. Sau khi xuất gia, thầy đã quyết định tu học trọn đời tại tu viện.
Trong khi đó, với thầy Richard Simon - tên gọi tại tu viện là Chimson, thì những gì thầy đang trải nghiệm là một cơ hội để thâm nhập thêm lời Phật dạy.
“Quá trình đấu tranh với bệnh tật của thầy Roshi là bài học tuyệt vời với toàn thể chư Tăng trong tu viện. Có giai đoạn thầy ấy trải qua những cơn đau khủng khiếp và chúng tôi luôn thổn thức theo dõi. Nhờ vậy mà mọi người như thấm đẫm các khái niệm về vô thường, biến dị trong Phật giáo, biết cách ứng phó ra sao khi điều không như ý bất ngờ xuất hiện. Với tôi, đây là những thời khắc tuyệt vời của đời sống Tăng đoàn”, thầy Chimson cho hay.
Thầy Chimson sinh trưởng tại vùng Willingboro, từng làm công tác nghiên cứu và trở thành một giáo sĩ Thiên Chúa giáo, thầy hiện còn đảm nhiệm thêm việc hỗ trợ đời sống tâm linh trong bệnh viện địa phương. Khi được đề cập đến việc thực hành và tu tập theo Phật giáo, thầy cho biết bản thân không thấy bất cứ khó khăn nào về mặt tư tưởng và nhận thức từ một người có nguồn gốc tâm linh khác.
Thầy Richard Bizub, thường được gọi là Emyo, từng làm việc cho một tổ chức môi trường ở Nam Jersey và đã làm việc trong cộng đồng khoa học suốt 43 năm. “Đức Phật dạy tôi đặt câu hỏi cho tất cả mọi thứ, ngay cả bản thân. Thực sự không có bất kỳ mâu thuẫn nào với Phật giáo và thế giới khoa học”, thầy nói và cho biết thêm:
“Những pháp thiền mà Tăng đoàn ở đây đang thực hành là con đường tìm về với bản tâm chân thật của mình. Trong Phật giáo, chúng tôi không bị buộc phải kiên quyết từ bỏ niềm tin tâm linh thuộc về quá khứ. Bởi lẽ Phật giáo không chỉ là một tôn giáo mà còn là một phương thức sống, đưa con người ta đến chân trời thiện lành”.
Thầy Roshi đã từng hoàn thành các đợt hóa trị của giai đoạn 1 vào đầu năm nay, sau đó bác sĩ thông báo bệnh tình có thể được chữa lành. Tuy vậy, thật không may là căn bệnh ung thư đã trở lại.
“Mỗi ngày sống với ung thư mang đến cho tôi nhiều cơ hội thực tập, quán chiếu và tập trung vào thiền định. Tôi cũng rất vui khi chư Tăng tại tu viện đã có thể thay thế tôi hoàn thành các Phật sự hàng ngày cũng như duy trì các sinh hoạt, tu tập”, thầy Roshi tâm sự.
“Có một vị thầy đến thăm và nói với tôi rằng, chính bệnh tật đã mang đến cho chúng tôi những thông điệp về sự đoàn kết, sống chung an lạc, dù gặp bất cứ chuyện gì chăng nữa. Đây thực sự là điều đáng quý trong sinh hoạt Tăng đoàn vì chúng tôi cùng thực hành lời dạy của Đức Phật,” thầy Roshi cho biết thêm.
Hiện tại, tu viện đang tổ chức các ngày quán niệm và thiền tập cộng đồng vào mỗi tối thứ Tư hàng tuần dành cho người dân địa phương. Vào mỗi cuối tuần là các thời pháp thoại cũng như các khóa học về Phật pháp. Hàng tháng đều có khóa tu với sự tham dự khá đông của tu sinh người địa phương.
Bảo Thiên (theo Courier Post)
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//phatgiaonuocngoai/2020/01/02/37469b/