Những nông dân dám nghĩ, dám làm
ĐBP - 'Họ chính là những bông hoa tươi thắm, là những tấm gương điển hình cần cù, sáng tạo, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn' - ông Vàng A Cử, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá về những nông dân điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh.
Anh Lò Văn Pâng kiểm tra vườn mắc ca được trồng tại khu vực đèo Tằng Quái (huyện Mường Ảng). Ảnh: C.T.V
Giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh có 3.000 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó 45 hộ đạt cấp Trung ương, 402 hộ đạt cấp tỉnh, với các mô hình VAC, VACR, dịch vụ tổng hợp, trang trại.
Là 1 trong 63 nông dân trong toàn quốc được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019”, anh Lò Văn Pâng, bản Tà Cáng, xã Nà Tấu (TP. Ðiện Biên Phủ) đã đầu tư hàng chục héc ta đất trồng cây dong riềng, vận động bà con tham gia và cam kết bao tiêu sản phẩm. Có thời điểm, cùng lúc anh mở 5 xưởng chế biến bột dong ở nhiều vùng nguyên liệu trong tỉnh, mỗi xưởng có công suất sơ chế 200 tấn/ngày để đảm bảo tiến độ thu mua trong kỳ thu hoạch cho bà con; mỗi vụ dong anh Pâng thu về gần 2 tỷ đồng. Không ngại đầu tư, thử nghiệm cái mới, anh Pâng còn trồng trên 30ha cây mắc ca, bước đầu đã cho thu hoạch và cung cấp ra thị trường.
Cũng là một trong những nông dân điển hình tiên tiến vừa được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh vinh danh, ông Lò Văn Miên, bản Nà Ten 1, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) có trang trại nuôi gần 40 con lợn rừng, hơn 600 con gia súc, gia cầm kết hợp với 3.000m2 ao cá. Ngoài ra, ông Miên chịu khó đi nhiều nơi tham quan, học hỏi cách ghép, ươm trồng giống cam, bưởi, được thị trường ưa chuộng, nhờ đó tổng thu nhập của gia đình đạt 1 tỷ đồng/năm.
Ông Bạc Cầm Phiu ở bản Nà Dên, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) dù tuổi đã cao nhưng ngày ngày ông vẫn tự tay chăm sóc các loại cây, con trong trang trại rộng hơn 6ha của gia đình. Cả vùng đồi rộng lớn, ông phân chia thành từng khu vực: Chỗ có mạch nước ngầm thì ngăn bờ làm ruộng, khu vực cao hơn cải tạo trồng cà phê, còn dưới khe đồi tích nước làm ao thả cá. Sau nhiều năm nỗ lực, gia đình ông cải tạo được 4.000m2 lúa nước, trồng trên 6ha cà phê, trồng xen canh 300 cây mắc ca và trên 1.000 cây dổi. Mô hình trồng cây nông - lâm kết hợp đã cho “thu nhập kép”. Riêng cây mắc ca vụ thứ 2 đã thu về trên 70 triệu đồng. Tận dụng tối đa quỹ đất, ông Phiu trồng 1.000 cây chuối tiêu, 5.000m2 mía tím, kết hợp nuôi gà thả dưới tán rừng; dưới khe đồi là gần 200m2 ao với đủ các loại cá trôi, trắm, chép, rô phi… Từ mô hình nông lâm kết hợp này, trừ chi phí, gia đình ông Bạc Cầm Phiu thu nhập 300 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho 15 lao động địa phương theo thời vụ. Ông Phiu chia sẻ: “Cả cuộc đời gắn bó với vườn, tôi nhận thấy có nhiều loài cây trồng rất quen thuộc, gần gũi với chúng ta và đang thiếu nguồn cung trên thị trường nhưng lại chưa được người dân đầu tư phát triển. Tôi trồng thêm mía tím và cây dổi cũng vì thế, vừa không để đất trống, tăng nguồn thu, vừa để bà con có thể học theo, phát triển kinh tế gia đình”.
Ngoài chăn nuôi, trồng trọt thì nhiều nông dân có tư duy nhanh nhạy, nắm bắt kịp thời nhu cầu thị trường, đầu tư mở rộng các dịch vụ tổng hợp, vận chuyển hàng hóa, cung ứng vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng hoặc mạnh dạn chuyển sang lĩnh vực dịch vụ ẩm thực, thu mua và chế biến nông sản, tạo bước đột phá mang lại hiệu quả kinh tế, xứng đáng là những nông dân ưu tú.
Ông Vàng A Cử, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhận định: Những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với những mô hình mới, hiệu quả kinh tế cao không chỉ đóng góp cho nền kinh tế địa phương mà còn là những tấm gương cho nông dân trong và ngoài vùng học hỏi. Ðó là cách tư duy của nông dân thời đại mới, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư những mô hình kinh tế tạo đột phá, cần được nhân rộng góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.