Những 'nốt thăng' trong hoạt động tín dụng xanh của Việt Nam
Tính đến tháng 6/2023, dư nợ tín dụng xanh của các tổ chính tín dụng đạt tới 528.300 tỷ đồng. Con số này đang cho thấy nguồn vốn tín dụng xanh đang ngày càng rộng mở.
Sắc “xanh” lạc quan
“Dù còn tồn tại nhiều vấn đề nhưng khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh đã và đang hoàn thiện từng ngày”. Đây là nhận định của ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết tại Hội thảo “Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 4/12/2023.
Để củng cố nhận định của mình, ông Hùng cho biết phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, chính sách nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, bao gồm Chỉ thị số 03/CT-NHNN; Thông tư số 08/2016/TT-NHNN; Thông tư số 06/2022/TT-NHNN.
Ngoài ra, NHNN cũng đang triển khai nhiều giải pháp tạo nguồn vốn tín dụng xanh. Các nỗ lực đó đã được cụ thể hóa bằng những hành động như khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) phát hành trái phiếu xanh, hỗ trợ các TCTD tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế, tạo điều kiện cho các TCTD dụng tham gia các chương trình hợp tác tài chính xanh…
Nhờ loạt động thái trên, hoạt động tín dụng xanh tại Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực. Tính đến tháng 6/2023, dư nợ tín dụng xanh của các TCTD lên tới 528.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Hiện đã có 40 TCTD báo cáo có tài trợ cho các dự án xanh, tốc độ tăng trưởng đạt trên 20%/năm.
Chia sẻ thêm tại sự kiện, ông Nguyễn Bá Hùng cho biết các doanh nghiệp có thể tìm kiếm thêm các cơ hội từ việc hợp tác với các định chế tài chính quốc tế.
“Các đơn vị này có vai trò quan trọng trong việc huy động vốn cho tín dụng xanh, thông qua các hình thức như: vay trực tiếp, vay gián tiếp, tài trợ không hoàn lại, bảo lãnh, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ chính sách. Một số định chế tài chính quốc tế có thể kể đến như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhóm Ngân hàng Thế giới (WB Group) bao gồm cả Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), bên cạnh các đối tác song phương như AFD (Pháp), KfW/GIZ (Đức), EU (Liên minh châu Âu), USAID (Mỹ)...”, ông Nguyễn Bá Hùng cho biết.
Bên cạnh các tin tức lạc quan trên, hoạt động tài chính xanh tại Việt Nam vẫn tồn tại các “nốt trầm”. Hiện khung pháp lý về tài chính xanh vẫn chưa thể đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn. Cùng với đó, các động lực thúc đẩy phát triển tín dụng xanh vẫn thiếu hụt, số lượng sản phẩm xanh cũng còn hạn chế.
Những bước đi của tương lai
Để thị trường tài chính xanh tiếp tục đi lên, vị chuyên gia đến từ ADB khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục cải thiện khung pháp lý về kinh tế xanh và tài chính xanh, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Hiện các nguồn vốn xanh thương mại chưa mang lại nhiều lợi ích tài chính. Do đó, Chính phủ cần tạo cơ chế khuyến khích, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức tài chính phát triển tín dụng xanh, hỗ trợ lãi suất cho vay tín dụng xanh…
Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam.
“Hơn nữa, chúng ta cần xác định mục tiêu định lượng cụ thể phù hợp với cam kết quốc tế. Ngoài ra, hiện các nguồn vốn xanh thương mại chưa mang lại nhiều lợi ích tài chính. Do đó, Chính phủ cần tạo cơ chế khuyến khích, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức tài chính phát triển tín dụng xanh, hỗ trợ lãi suất cho vay tín dụng xanh…”, ông Nguyễn Bá Hùng bình luận.
Không chỉ vậy, vị chuyên gia này còn cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần duy trì các chính sách quản lý tài chính linh hoạt và chủ động tiếp cận các nguồn vốn quốc tế thông qua hợp tác song phương cũng như các tổ chức tài chính quốc tế.
Thêm vào đó, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện xác nhận chứng chỉ và hình thành thị trường carbon trong nước và kết nối với thị trường carbon quốc tế. Đây là kênh tạo nguồn thu bổ sung cho các hoạt động kinh tế, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sang hoạt động xanh nhanh hơn và ở quy mô lớn hơn.
Cuối cùng, ông Hùng khuyến nghị Chính phủ cần có những bước đi tiên phong trong việc phát hành trái phiếu xanh, trên cơ sở hệ thống quản lý chi ngân sách cho các hạng mục xanh. Khi đó, thị trường trái phiếu xanh sẽ trở nên sôi động hơn và có thể thu hút nhóm các nhà đầu tư lớn.
Trao đổi bên lề sự kiện, chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB đã tiết lộ về các lĩnh vực ưu tiên của nguồn vốn tín dụng xanh trong giai đoạn hiện nay. Đó là những ngành có tác động tích cực đến khí hậu và môi trường, đồng thời có khả năng tạo ra lợi nhuận, bao gồm năng lượng tái tạo, nông nghiệp xanh, du lịch xanh, giao thông đô thị và tiêu dùng bền vững…