Những phận đời mưu sinh đêm Hà Nội

Dù ngày hè nắng hay ngày đông giá rét, có những phận đời vẫn miệt mài mưu sinh với công việc từ tờ mờ sáng đến đêm khuya.

Hơn 20 năm coi chợ là nhà

3h sáng. Như mọi ngày, anh Lê Văn Tuyên (53 tuổi) bắt đầu hành trình từ nhà đến chợ đầu mối Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội). Con đường 4km đã trở nên quen thuộc với anh hơn 20 năm nay.

Anh kể: “Hơn 20 năm trước, tôi làm công nhân ở nhà máy bao bì. Khi lập gia đình, tôi chuyển về Hà Đông sinh sống và chuyển sang nghề buôn bán rau. Hiện tôi có một sạp rau ở chợ và nhận nhập, giao rau cho các nhà hàng. Công việc cũng khá thuận lợi, tuy nhiên bây giờ bán rau khó hơn ngày trước vì cạnh tranh lớn lắm”.

Để có được lượng rau tươi phục vụ khách hàng, mỗi ngày anh đều phải dậy từ 3h đến chợ đầu mối.

“Công việc này không cho phép kén chọn thời tiết. Dù là ngày mưa gió bão bùng hay rét mướt, tôi cũng dậy đúng giờ, nhập đủ rau tươi mang ra chợ. Hơn nữa, tôi còn nhận giao rau cho một số nhà hàng nên không thể chậm trễ, sai hẹn", anh Tuyên nói.

Anh Tuyên đến từng hàng rau, chọn lựa kỹ càng

Anh Tuyên đến từng hàng rau, chọn lựa kỹ càng

Chợ đêm Văn Quán nổi tiếng là khu chợ đầu mối có đủ loại rau củ, hoa quả. Nơi đây là cầu nối giữa các người trồng rau và người buôn bán, tiêu dùng. Giá các loại nông sản ở đây rẻ hơn thị trường 10-20%.

Đến chợ, anh Tuyên để xe ở một góc rồi đi vào các hàng rau để chọn. Nhiều năm đi chợ, anh đã trở thành “gương mặt thân quen” của các nhà buôn ở đây. Thấy anh đến, mọi người đều đon đả chào mời. Anh chỉ cần thương lượng giá, đọc tên, nêu số lượng là họ tự động bỏ rau vào túi cho anh rồi xách ra tận xe.

Chị Hải, người bán ngô cho anh Tuyên giới thiệu: “Phiên chợ đêm họp từ 0h và kết thúc lúc 6h sáng. Mọi người muốn mua được rau ngon phải đi từ sớm, nếu không sẽ bị chọn hết. Tôi bán ở đây hơn 10 năm rồi nên biết rõ các khách quen”.

Càng về sáng, khu chợ càng trở nên náo nhiệt với tiếng chào mời khách mua hàng xen với giọng hát karaoke của mấy ông chồng ra phụ vợ buổi sớm. Dù khá quen thuộc với công việc nhưng các khâu chọn lựa, xem hàng, trả tiền… cũng mất gần 3 tiếng để anh Tuyên hoàn thành buổi chợ rau.

Mua bán xong xuôi cũng gần 6h sáng, anh lại về chợ Vồ, khu chợ ẩm thực nổi tiếng của người dân quận Hà Đông. Các túi rau được anh sắp xếp nhanh gọn trên một chiếc xe máy Dream cũ.

Tại chợ, anh có một sạp rau nhỏ rộng khoảng 4m2 được bày gọn gàng, sạch đẹp. Số rau còn lại, anh mang đến một số nhà hàng đã đặt trước. Nhờ mối ở các nhà hàng, anh có thêm nguồn thu nhập.

Gần 6h sáng, anh Tuyên bắt đầu di chuyển về chợ Vồ (Hà Đông), nơi anh bày bán một sạp rau nhỏ

Gần 6h sáng, anh Tuyên bắt đầu di chuyển về chợ Vồ (Hà Đông), nơi anh bày bán một sạp rau nhỏ

Anh kể, có lần đi nhập rau đêm, nhặt được túi đồ rơi của người đi xe máy đằng trước mà gọi với theo không kịp nên anh mang về nhà. Anh nhận ra đó cũng là người hay đi phiên chợ này, cùng cung đường. Vậy nên, các buổi sáng hôm sau, anh đều đi đúng giờ đó, đứng đợi ở địa điểm bị rơi đồ và cuối cùng gặp được người đánh rơi túi. Nhận lại túi đồ, người đó cảm ơn anh rối rít.

Người bán hàng có duyên

Địa điểm bán rau ở chợ hiện tại đã gắn bó với anh Tuyên gần 20 năm. Theo anh, đó là địa điểm khá tốt, có nhiều khách ghé qua vì cách lối vào chợ chỉ 50m. Buổi trưa, anh tranh thủ về nhà nghỉ ngơi khoảng 1 tiếng rồi lại ra chợ lúc 15h. Lúc vắng mặt ở chợ, anh nhờ người bên cạnh trông giúp. Anh cho biết, mọi người ở chợ đều rất hòa thuận, hỗ trợ nhau nhiệt tình.

Nhờ tính tình xởi lởi, vui vẻ, anh Tuyên được nhiều người quý mến và có nhiều khách quen. Người ta bảo anh bán rau có duyên bởi anh dễ tính. “Có nhiều vị khách mua chịu vài ba lần, tôi vẫn rất thoải mái. Có người không có tiền mặt, có người tiền quá to, tôi đều cho nợ. Nợ rồi họ lại trả, có sao đâu”, anh nói.

Sạp rau nhỏ ở chợ luôn tươi ngon

Sạp rau nhỏ ở chợ luôn tươi ngon

Theo anh, mùa đông bán rau dễ hơn mùa hè vì rau không dễ thối, hỏng. Khách đến mua rau, anh đều nói thật lòng. Rau củ nào không ngon, héo úa, anh đều tránh, không nhặt cho mọi người. “Mình làm ăn buôn bán bao năm phải giữ chữ tín. Làm vội, làm kém chất lượng thì chỉ bán được vài hôm rồi nghỉ”, anh nói.

Hơn 20 năm gắn bó ở chợ, anh Tuyên có nhiều khách quen ủng hộ

Hơn 20 năm gắn bó ở chợ, anh Tuyên có nhiều khách quen ủng hộ

Chị Bích (37 tuổi), khách hàng quen của anh Tuyên cho biết: “Anh ấy bán hàng vui vẻ, dễ tính lắm. Có hôm tối muộn, ế hàng, anh ấy còn cho thêm khách. Thi thoảng tôi mua chịu, anh ấy cũng rất vui vẻ nên tôi chỉ thích mua rau ở đây”.

Hơn 20 năm, công việc bán rau giúp anh trang trải cuộc sống, lo việc học hành cho các con. Vì thời gian anhh ở nhà không nhiều, việc dạy các con chủ yếu do vợ đảm nhiệm. Thời gian được nghỉ ngơi, anh luôn cố gắng ở bên các con. Ít người biết, người đàn ông "coi chợ là nhà" hiện có một cô con gái là giảng viên đại học và một cậu con trai đang học lớp 10. Anh luôn biết ơn vợ, tự hào về gia đình mình.

"Vì các con, vì gia đình, tôi chưa từng thấy mệt mỏi dù có lúc ướt đẫm mồ hôi, chân tay run rẩy", anh nói.

Sạp quà vặt đêm 11 năm trên chiếc xe đạp cũ

Nếu như anh Tuyên phải dậy từ 3h sáng để nhập rau thì bà Lê Thị Nhung (66 tuổi) lại gắn bó với sạp đồ ăn vặt từ 5h chiều đến 12h đêm phục vụ giới trẻ. Khu vực bưu điện Hà Đông từ lâu đã trở thành "thiên đường ăn vặt". Ở đây có la liệt hàng quán, hàng rong từ 17h đến 0h-1h sáng.

Từng 11 năm bán xiên que ăn vặt ở khu vực Hà Đông, bà Nhung có nhiều trải nghiệm thú vị với công việc. Mỗi ngày, cứ 17h bà lại lọc cọc chiếc xe đạp chở sạp hàng có mặt ở khu phố Nguyễn Trãi. Thời tiết chuyển lạnh, hàng ăn vặt của bà đông khách hơn ngày hè. Thi thoảng có vài tốp khách ghé qua, ăn chục xiên hoặc mua về vài chục xiên cho người nhà.

Bà Lê Thị Nhung có hơn 11 năm bán đồ ăn vặt ở Hà Đông

Bà Lê Thị Nhung có hơn 11 năm bán đồ ăn vặt ở Hà Đông

Món đồ bà bán chủ yếu là xiên thịt, tôm, xúc xích, nem, đậu phụ phô mai, khoai tây… và nhiều món đồ ưa chuộng của người trẻ.

“Hơn 10 năm trước, trong một lần đi đón cháu ở cổng trường, tôi đã nảy ra ý định bán hàng ăn vặt này. Khi đó, tôi chở cháu ngoại qua cổng trường, hương thơm bay ngào ngạt. Cháu ngoại đòi ăn nhưng tôi không cho vì thấy chảo dầu của người ta đen quá. Rồi tôi nghĩ, tại sao mình không thử bán món này và làm thật sạch sẽ”, bà Nhung kể.

Vậy là bà bàn với ông xã nhập nguyên liệu gần nhà, ngày ngày chở xe đạp đứng bán ở phố Nguyễn Trãi từ đó tới giờ. Suốt 11 năm qua, bà luôn có ông giúp bán hàng, thu dọn đồ đạc. Hết giờ, con trai lại ra chở đồ về giúp mẹ.

Thời gian đầu, bà chỉ có một chiếc nồi nhôm để rán đồ ăn và một chiếc sạp gỗ, mỗi ngày lãi 60 nghìn đồng. Sau này, bán quen lại đông khách, bà đầu tư thêm chảo sâu lòng.

“Vốn đã quen với nhịp sinh hoạt này suốt hơn 10 năm nay nên cứ 12h đêm là tôi dọn đồ về. Sau đó, hai vợ chồng vệ sinh cá nhân, 2h sáng đi ngủ. Sáng hôm sau tôi dậy đi nhập hàng, chiều chuẩn bị chở ra đây bán”, bà nói.

Đồ ăn vặt này từng là "hot trend" ở khu vực Hà Đông nhiều năm trước

Đồ ăn vặt này từng là "hot trend" ở khu vực Hà Đông nhiều năm trước

Bà cho biết, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bà không rán lại dầu ăn cũ. Dầu trong chảo lúc nào cũng vàng óng, mới. Khách quen biết hàng của bà sạch sẽ nên rất hay ghé lại, mua nhiều đồ về cho gia đình. Có nhiều người mua về ăn sinh nhật, bà hào phóng lại tặng thêm vài xiên.

Có lương hưu nhưng nhờ công việc này, bà Nhung cũng kiếm thêm được vài triệu mỗi tháng. Con cái động viên mẹ ở nhà nghỉ ngơi nhưng bà nghĩ "mình còn sức khỏe thì cứ làm, ở nhà rảnh quá cũng buồn lắm".

Tú Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-phan-doi-muu-sinh-dem-ha-noi-2187431.html