Những phụ nữ trữ đông trứng làm 'bằng chứng ngoại phạm'

Ngày càng nhiều nữ giới của 'xứ sở hoa anh đào' đi cấp đông trứng để trì hoãn việc sinh con và nhận trợ cấp từ chính phủ. Nếu không, họ sẽ bị mắng ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân.

 Tỷ lệ sinh được công bố gần nhất của Nhật Bản là 1,2 trẻ sơ sinh/phụ nữ, thấp hơn hẳn so với mốc 2,1 được khuyến nghị. Ảnh: The Japan Times.

Tỷ lệ sinh được công bố gần nhất của Nhật Bản là 1,2 trẻ sơ sinh/phụ nữ, thấp hơn hẳn so với mốc 2,1 được khuyến nghị. Ảnh: The Japan Times.

Kobayashi, 39 tuổi, là một nhân viên văn phòng độc thân. Cô cùng bạn tham gia buổi tư vấn ở Tokyo trước khi đi trữ đông trứng. Kobayashi không yêu đương và không hứng thú với hôn nhân, sinh con. Cô muốn trữ đông trứng để đảm bảo mình có thể sinh con trong tương lai.

“Cha mẹ tôi muốn có cháu để ẵm bồng. Tôi không muốn bị mắng ích kỷ và chỉ biết lo cho bản thân”, cô chia sẻ.

Nhu cầu tự do của nữ giới Nhật Bản và ước mong có cháu ẵm bồng của thế hệ trước đã tạo ra vết nứt trong các gia đình ở “xứ sở hoa anh đào”. Những cô gái ở đây được nuôi dạy để trở thành người vợ tận tụy và con gái hiếu thảo. Kobayashi thường quan tâm và cố làm những điều cha mẹ mong muốn, dù yêu cầu của họ đôi khi cực đoan.

 Một cuộc khảo sát cho thấy 67,4% cư dân Tokyo muốn kết hôn không tích cực tìm kiếm bạn đời. Ảnh: Shutterstock.

Một cuộc khảo sát cho thấy 67,4% cư dân Tokyo muốn kết hôn không tích cực tìm kiếm bạn đời. Ảnh: Shutterstock.

"Bằng chứng ngoại phạm"

Hàng thế kỷ qua, phụ nữ Nhật Bản có rất ít tiếng nói trong hôn nhân lẫn sinh sản. Họ buộc phải kết hôn, có con như một lẽ tự nhiên, theo Nikkei Asia. Độc thân và trì hoãn việc sinh con bằng cách trữ đông trứng là điều chưa từng được nhắc đến (hoặc bất khả thi) trước đây ở Nhật Bản. Nhiều người thuộc thế hệ trước cho rằng “thế giới trở nên điên loạn” khi không muốn sinh con.

Đối với những người như Kobayashi, trữ đông trứng cho phép cô có thêm lựa chọn trong tương lai và có “bằng chứng ngoại phạm”. Ngày càng nhiều nữ giới Nhật Bản ở tuổi 30 không sẵn sàng kết hôn hay sinh con. Song, họ cũng không muốn từ chối thẳng thừng công việc được cho là “thiên chức”.

Trong buổi tham vấn nhóm, Kobayashi nghe một cô gái thốt lên: “Giờ tôi có thể nói với cha mẹ rằng tôi sẽ có con bất cứ khi nào mình muốn và họ sẽ không thất vọng”.

Có vài vấn đề trong bức tranh toàn cảnh của Nhật Bản: Tại sao nam giới độc thân Nhật Bản không cần “bằng chứng ngoại phạm” để khỏi bị chỉ trích ích kỷ?

Từ khi Bộ Sức khỏe, Lao động và An sinh xã hội công bố tỷ lệ sinh giảm xuống mức 1,2 em bé/phụ nữ Nhật Bản và 0,99 bé/phụ nữ Tokyo (thấp hơn nhiều so với mức khuyến nghị 2,1), phụ nữ Nhật Bản “căng thẳng như ngồi trên bàn chông”.

Nữ thống đốc đầu tiên của Tokyo, bà Yuriko Koike, độc thân, không con và làm việc trong chính quyền hơn 4 nhiệm kỳ. Bà làm mất lòng người dân khi giới thiệu ứng dụng hẹn hò do nhà nước phát triển. Ứng dụng này cho phép người độc thân Tokyo hẹn hò, kết hôn và sinh con trong thời gian ngắn.

Nhiều người dùng mạng xã hội cáo buộc Thống đốc Koike “chẳng hiểu gì. Bà ấy có thể biết gì về yêu đương và sinh con chứ?”.

 Để thúc đẩy hôn nhân và giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh thấp, chính quyền Tokyo của Nhật Bản ra mắt ứng dụng hẹn hò dành riêng cho người dân thành phố. Ảnh: Tapple Inc.

Để thúc đẩy hôn nhân và giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh thấp, chính quyền Tokyo của Nhật Bản ra mắt ứng dụng hẹn hò dành riêng cho người dân thành phố. Ảnh: Tapple Inc.

Hỗ trợ 2.020 USD trữ đông trứng

Bà Koike có thể sai về ứng dụng hẹn hò nhưng lại đúng trong việc trữ đông trứng. Từ năm 2023, chính quyền thành phố Tokyo cam kết hỗ trợ 300.000 yen (2.020 USD)/phụ nữ có nhu cầu trữ đông trứng. Và khi nữ giới tỏ ra chần chừ, lo lắng trước quy trình này, nhiều phòng khám đã chia sẻ các bài giảng và mở các buổi tư vấn nhóm để giúp họ hiểu những gì đang và sẽ thực hiện. Đến nay, đã có hơn 10.000 phụ nữ ở độ tuổi từ 18 đến 39 đăng ký trữ trứng.

Trữ đông trứng là quy trình phức tạp và tốn kém với những người phụ nữ độc thân và muốn có lựa chọn trong tương lai. Trung tâm Sản phụ khoa Cộng đồng Nhật Bản đã chỉ ra rủi ro cơ thể nữ giới phải chịu nếu không sinh con trong độ tuổi phù hợp, cơ quan tuyên bố “không ủng hộ vô điều kiện những cô gái khỏe mạnh muốn trữ đông trứng”.

 Những thùng chứa trứng và phôi được trữ đông bằng nitơ lạnh. Ảnh: Wired.

Những thùng chứa trứng và phôi được trữ đông bằng nitơ lạnh. Ảnh: Wired.

Nữ giới “xứ sở hoa anh đào” phải sống dưới định kiến giới và áp lực từ gia đình lẫn xã hội trong nhiều thập kỷ. Cuối thế kỷ XX, họ không được hưởng chế độ thai sản và hỗ trợ chăm sóc trẻ em. Những bà mẹ có con nhưng ra ngoài làm việc sẽ bị đối xử lạnh nhạt và phớt lờ.

Đến giữa những năm 2000, các chính trị gia nước này vẫn đều đặn chỉ trích phụ nữ có con vẫn ra ngoài làm việc là “ích kỷ, không quan tâm con cái và làm xấu mặt chồng” (ngụ ý thu nhập của người chồng không đủ nuôi sống gia đình nên vợ phải đi làm).

Ngày nay, dù xã hội đã bớt định kiến và những lời chỉ trích cũng tắt dần, nữ giới Nhật Bản vẫn phải chịu áp lực kép trong câu chuyện sinh nở.

Cuối buổi tư vấn, Kobayashi tự hỏi: “Khi nhận trợ cấp và trữ đông trứng, tôi có thể rút lui không hay buộc phải mang thai vì xã hội và gia đình? Bản thân tôi có thể đương đầu với điều này không?”.

Đức An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-phu-nu-tru-dong-trung-lam-bang-chung-ngoai-pham-post1504793.html