Những quy định kỳ lạ ở trường học Hàn Quốc: Học sinh đều có tên tiếng Anh, thứ bậc tiền bối - hậu bối quan trọng hơn cả
Luôn nằm trong top những nước có kết quả học tập cao nhất thế giới, vậy nhưng nền giáo dục của Hàn Quốc lại có rất nhiều quy tắc lạ lùng.
Nhắc đến Hàn Quốc, người ta sẽ nghĩ ngay đến một đất nước văn minh, phát triển vượt bậc và là niềm tự hào của châu Á. Nhưng ẩn sau ánh hào quang đó là nỗ lực học hành không ngừng nghỉ của giới trẻ nơi đây.
Nền giáo dục nơi đây nổi tiếng với những quy tắc học hành lạ lùng như: lịch học chính thức đến cả thứ 7, cứ 5 năm là giáo viên phải luân chuyển đến nơi khác, vị trí thứ bậc tiền bối - hậu bối trong giảng đường vô cùng quan trọng... Tất cả đã tạo nên bản sắc văn hóa cũng như giúp quốc gia này ngày càng vững mạnh trên bản đồ quốc tế.
1. Học sinh trung học học ít nhất 16 tiếng/ngày
Ở Hàn Quốc, học sinh trung học có thể học đến 16 tiếng/ngày, tính cả giờ học thêm, riêng học sinh cấp ba bắt đầu học từ lúc 8h sáng và kết thúc vào khoảng 9h30 hoặc 10h tối. Trước mỗi kỳ thi đại học, sĩ tử tiếp tục dành thêm 2 - 3 tiếng tại các lớp ôn luyện, gọi là hagwons để củng cố kiến thức.
Vì liên tục phải học đến khuya nên nhiều học sinh không về nhà mà phải ăn tối ngay tại trường. Lịch trình của học sinh cấp hai nhẹ nhàng hơn một chút, khoảng 10 giờ một ngày với giờ kết thúc khoảng 4h chiều. Tuy nhiên, để vào được trường cấp ba tốt, nhiều em sẽ tiếp tục đến các lớp ôn luyện học đến khuya.
2. Đi học cả thứ 7
May mắn là ở Việt Nam, hầu hết các trường học đều kết thúc vào thứ 6, tuy nhiên ở Hàn, tất cả các trường đều học vào thứ 7, khiến học sinh và giáo viên không có được những ngày cuối tuần để nghỉ ngơi hợp lý. Nhưng từ năm 2010, nhận thấy được sự vất vả của các học sinh, chính phủ Hàn đã ra quyết định cho những trường công mỗi tháng chỉ phải học 2 ngày thứ 7.
3. Giáo viên là số 1
Đất nước Hàn Quốc rất coi trọng giáo dục nên vai trò của giáo viên rất lớn trong xã hội. Có thể tiền lương mà các giáo viên được hưởng không quá cao nhưng địa vị của họ trong lòng học sinh, kể cả trong xã hội luôn giữ được vị trí cao nhất. Bởi giáo dục là ngành quan trọng nhất tại Hàn Quốc, những nhà giáo, trụ cột của trường học sẽ được nhận sự tôn kính tột cùng.
Độ tuổi nghỉ hưu của nghề giáo viên là 65, kể cả nam hay nữ. Những nhà giáo lâu năm, giàu kinh nghiệm đồng nghĩa với việc được hưởng lương cao hơn, quyền lợi tốt hơn và không phải dạy nhiều giờ trong tuần, thậm chí cả kì nghỉ lễ hay trợ cấp xã hội cũng hơn hẳn các công việc văn phòng.
4. Các mức hình phạt trong trường học
Nếu như ở các nước phương Tây, trẻ em được bảo vệ tuyệt đối, không bao giờ có chuyện học sinh về nhà mách bố mẹ bị cô giáo đánh, bị thầy phạt đứng góc lớp thì ở Hàn Quốc mọi thứ ngược lại hoàn toàn. Giáo viên được phép toàn quyền phạt học sinh. Trong lớp học không khó để thấy những chiếc roi mà người Hàn gọi vui là "gậy phép" thường được sử dụng bởi các nam giáo viên để trị những cậu ấm cô chiêu lười học, vi phạm kỷ luật.
5. Cởi giày trước khi vào lớp
Người châu Á có truyền thống cởi giày mỗi khi vào nhà ai đó và nét văn hóa này được thể hiện đậm nét trong việc học sinh xếp giày trước khi vào lớp học. Người Hàn có thói quen xếp giày theo đôi, để gọn gàng ở cửa trước khi vào nhà. Họ coi bàn chân đi lại nhiều nên rất bẩn, bẩn đến mức phải mang một đôi khác thật sạch đi trên hành lang lớp. Vậy nên nếu giày bẩn, học sinh phải dùng một đôi dép sạch để mang thay vì đi giày như mọi nơi.
6. Chu kỳ luân chuyển giáo viên 5 năm
Nếu là giáo viên ở Hàn Quốc, bạn sẽ phải luân chuyển công tác dù cho bạn có yêu thích nơi làm việc hiện tại như thế nào. Sau mỗi kỳ dạy, từ Hiệu trưởng cho đến các giáo viên đều phải trải qua bài phân loại và thay đổi trường học. Vì vậy, việc mỗi năm lại có hàng loạt giáo viên mới vào là chuyện hoàn toàn bình thường.
Thông qua chu kỳ 5 năm, Chính phủ hy vọng tạo ra cơ hội bình đẳng cho giáo viên để công tác tại cả trường có cả điều kiện thuận lợi và khó khăn. Tại đất nước này, điều đặc biệt là giáo viên được đánh giá bởi phụ huynh và học sinh thông qua xếp hạng của trường. Nhờ vậy, tất cả giáo viên đều được chọn lọc từ những đánh giá khách quan nhất. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng có một số trường được gọi là kiểu mẫu nơi hội tụ những học sinh và giáo viên giỏi sẽ dạy học để các giáo viên nơi khác đến học tập.
7. Học sinh có tên tiếng Anh
Học sinh Hàn Quốc thường rất tự hào về tên tiếng Anh của mình. Điều này xuất phát từ việc các giáo viên của trung tâm ôn luyện thường đề nghị mỗi em nghĩ cho mình một cái tên tiếng Anh hoặc bốc thăm tên của mình. Điều này giúp kích thích khả năng học cũng như tăng sự hứng thú mỗi khi học sinh được giới thiệu bằng tiếng Anh về bản thân.
8. Cuộc thi tối thượng mang tên "Thi Đại học"
Sau 12 năm ăn học, đây sẽ là kỳ thi quyết định sống còn của một học sinh Hàn Quốc. Để phục vụ cuộc thi này, các học sinh Hàn đã phải trải qua thời gian học tập vất vả, dậy sớm thức khuya từ khi chỉ mới học cấp 2. Áp lực từ gia đình, nhà trường và cả tương lai đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của những thí sinh 17, 18 tuổi. Cũng chính vì áp lực quá lớn này đã khiến Hàn Quốc trở thành quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các nước Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế OECD, khi học sinh không thể chịu nổi sự tủi hổ và cảm giác tội lỗi nếu như lỡ may không đạt được kỳ vọng của người lớn là có một suất trong trường Đại học.
9. Thứ bậc tiền bối - hậu bối vô cùng quan trọng
Hàn Quốc là một nước rất coi trọng lễ nghĩa và thứ bậc của vị trí tiền bối - hậu bối. Hầu như hậu bối nào cũng phải thực hành lễ nghĩa và làm những công việc lặt vặt thay cho tiền bối. Bất cứ sinh viên năm nhất nào cũng đều ngay lập tức gập người 90 độ khi gặp tiền bối và phải chào hỏi, giới thiệu đầy đủ về bản thân như sinh viên kỳ bao nhiêu, tên tuổi như thế nào... Thậm chí, dù gặp tiền bối đó 10 lần thì vẫn phải làm đủ bước như vậy trừ khi gặp được ai dễ tính.