Những rắc rối liên quan đến phần mộ nhà thơ Nguyễn Bính: 'Gian nan cả lúc đã thành người xưa'

Cách đây ít ngày, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu - trưởng nữ của cố nhà thơ Nguyễn Bính với 'người vợ miền Nam' Nguyễn Hồng Châu - đã vui mừng chia sẻ trên trang cá nhân của mình về việc phần mộ của cha bà là nhà thơ Nguyễn Bính tại Nam Định đang được chính quyền địa phương khẩn trương chỉnh trang, tu bổ. Vậy là sau một thời gian dài rơi vào tình trạng hoang tàn 'bờ rêu cỏ mọc', nơi an nghỉ cuối cùng của thi sĩ đồng quê đã có được một diện mạo mới.

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an, bà Nguyễn Bính Hồng Cầu cho biết, hồi đầu tháng 10 vừa qua, sau khi dự Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất tại Đồ Sơn (Hải Phòng), bà đã về thăm mộ cha ở quê nhà (thôn Thiện Vịnh, xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Về đến nơi, bà âm thầm rơi nước mắt và lòng nặng trĩu vì khu mộ của cha cỏ mọc um tùm, che lấp cả lối vào.

Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu trong ngôi nhà bà làm không gian tưởng niệm cha - nhà thơ Nguyễn Bính.

Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu trong ngôi nhà bà làm không gian tưởng niệm cha - nhà thơ Nguyễn Bính.

Thật mừng là cách đây hơn 1 tuần, ông Đào Văn Tuyến - Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa đã thay mặt chính quyền liên hệ với bà để thông tin về công việc chỉnh tranh, tu bổ khu mộ của nhà thơ Nguyễn Bính. Theo đó, chính quyền địa phương đã tổ chức xây hàng rào, đổ bê tông lối vào và làm cổng vào khu mộ riêng, sau đó sẽ tạo cảnh quan xung quanh để phần mộ nhà thơ Nguyễn Bính được khang trang, đẹp đẽ hơn.

Nhận được tin này, bà Hồng Cầu thực sự vui mừng, bởi vì sau bao nhiêu năm ôm nỗi niềm chua xót không thể nói ra lý do vì sao không thể tiến hành tu bổ khu mộ phần của cha cho xứng đáng với tên tuổi, giờ đây bà có thể tạm an lòng và chờ đợi những bước đi tiếp theo thể hiện sự quan tâm, trân trọng của chính quyền địa phương và nhân dân đối với tên tuổi của thi sĩ tài hoa Nguyễn Bính.

Bà Nguyễn Bính Hồng Cầu phân trần: "Sau bao nhiêu trắc trở và có thể sẽ còn nhiều trắc trở phía trước, nhưng chính quyền đã kiên quyết thể hiện sự quan tâm đến mộ phần nhà thơ Nguyễn Bính cha tôi. Tôi xin cảm ơn UBND xã Cộng Hòa, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền xã là ông Đào Văn Tuyến đã tâm huyết, vượt qua những trở ngại để bước đầu hoàn thành tâm nguyện của mọi người...".

Đầu năm 2023, hình ảnh khu mộ hoang tàn lạnh lẽo, xung quanh bị đào xới nham nhở, vôi vữa ở đâu văng bắn khắp nơi làm mờ cả di ảnh cố nhà thơ đã được chia sẻ khiến cộng đồng xót xa, bức xúc. Khi đó, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu đã viết lời chia sẻ trong nước mắt: "Chị tôi, một bà lão 90 đang nhặt lá trước mộ phần chú mình mà nước mắt đầy vơi. Con cháu chúng tôi không phải kẻ vô tâm, nhưng có những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai, ngậm đắng nuốt cay suốt mấy mươi năm. Nói ra "xấu chàng hổ thiếp", miền Nam không thiếu nơi để cha tôi yên nghỉ, nhưng quê hương còn đó, dòng tộc còn đây, chúng tôi phận làm con không thể buộc cha tôi ly hương thêm lần nữa. Một người như cha tôi luôn khao khát tình quê, hồn quê. Hồn xác cha tôi thuộc về quê hương, chính điều này làm chúng tôi đắn đo, suy nghĩ (nhất là với cha tôi, người không thuộc riêng gia đình chúng tôi). Giằng xé chung riêng, quê hương họ tộc nên mộ phần cha tôi mới ra nông nỗi này. Xin lỗi vì sự bất lực trở thành vô tâm của chúng tôi. Cảm ơn vì sự quan tâm và bức xúc của cộng đồng những người có lương tri, những người thật tâm yêu mến cha tôi…".

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhà thơ Nguyễn Bính từ khi mất đến nay cũng đã trải qua 4 lần "chuyển nhà": lần đầu thi sĩ được an nghỉ tại nghĩa trang Cầu Họ, lần thứ 2 được di dời về Tam Điệp khi thành lập tỉnh Hà Nam Ninh, lần 3 được đưa về nghĩa trang quê nhà và lần 4 lại được rời về vườn nhà nơi ông được sinh ra. Bởi vậy, nhiều bạn bè, công chúng cảm thán rằng Nguyễn Bính long đong lận đận cả khi đã nằm xuống, đúng như câu thơ "Long đong kiếp sống đã đành /Gian nan cả lúc đã thành người xưa" của độc giả Nguyễn Thế Vinh viết tặng cố nhà thơ Nguyễn Bính.

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an, ông Đào Văn Tuyến - Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa thông tin thêm: "Hàng năm, có nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh tìm đến thăm và thắp hương cho nhà thơ Nguyễn Bính, địa phương cũng nhận được rất nhiều phàn nàn, phản ánh của công chúng, báo chí và cũng rất ái ngại. Chúng tôi cũng mong muốn làm được công trình liên quan đến mộ phần nhà thơ Nguyễn Bính từ lâu rồi, trong đó bao gồm cả nhà tưởng niệm nhỏ, khu vệ sinh… sau đó làm hồ sơ theo hướng dẫn của Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh để công trình được cấp bằng "Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh", nhưng hiện nay những rắc rối liên quan đến chủ quyền mảnh đất chưa được giải quyết xong, vẫn có khiếu kiện, nên chúng tôi phải làm từng bước. Địa phương cũng rất nỗ lực, đã làm hết những việc cần làm để đỡ... mang tiếng bạc đãi nhà thơ!".

Khu mộ nhà thơ Nguyễn Bính hiện đã được chỉnh trang (bên phải), khác hẳn với hình ảnh trước đó ít ngày.

Khu mộ nhà thơ Nguyễn Bính hiện đã được chỉnh trang (bên phải), khác hẳn với hình ảnh trước đó ít ngày.

Nguyễn Bính là thi sĩ tài hoa bạc mệnh với cuộc đời lênh đênh chìm nổi lắm nỗi truân chuyên gắn với rất nhiều giai thoại. Sớm nổi tiếng và từng được trao giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn với tập thơ "Tâm hồn tôi", những năm 40 của thế kỷ trước, Nguyễn Bính theo chủ nghĩa xê dịch, lên đường vào Huế rồi di chuyển khắp miền Nam, vừa đi vừa sáng tác trước khi đi theo cách mạng. Ông gặp và nên duyên với "người vợ miền Nam" Nguyễn Hồng Châu - cũng là một nhà báo chiến sĩ và kết quả của mối tình ngắn ngủi này là cô con gái Nguyễn Bính Hồng Cầu ra đời năm 1952.

Trước khi tập kết ra Bắc năm 1954, nhà thơ Nguyễn Bính còn có người vợ tên là Mai Thị Mới và có thêm con gái là Nguyễn Hương Mai. Ở Hà Nội, trong thời gian làm Báo Trăm hoa, nhà thơ Nguyễn Bính sống như vợ chồng với một người phụ nữ tên là Phạm Vân Thanh và có thêm người con trai, đặt tên là Nguyễn Hiền, nhưng không may đã bị thất lạc khi cậu bé mới được 13 tháng. Sau này, khi về sống và làm việc tại quê nhà Nam Định, ông có thêm người vợ khác và có thêm 2 con trai, nhưng một người mất lúc còn nhỏ, 1 người hiện định cư ở nước ngoài.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Bính Hồng Cầu, bà lớn lên không biết mặt cha và đến năm 10 tuổi bà mới biết cha mình là nhà thơ Nguyễn Bính vì mẹ vẫn luôn giấu thân phận cha. Theo lời kể của bà Nguyễn Hồng Châu trong hồi ký "Đi qua tâm bão", chữ "Bính" trong tên con gái cũng được đích thân nhà thơ thêm vào khi làm giấy khai sinh để dễ "nhận diện" trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc. Cho đến khi qua đời, nhà thơ Nguyễn Bính đã không được gặp lại "2 người vợ miền Nam" và 2 con gái một lần nào. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, bà Nguyễn Hồng Châu và con gái đã tìm về quê, thăm mộ Nguyễn Bính và bà Châu từng viết những câu thơ rất xúc động: "Gặp nhau từ thuở tóc còn xanh/ Giờ đây gặp lại đầu xanh phai màu/ Tim vàng nửa mảnh còn đau/ Thì thầm lòng đất thơ sao xé lòng…".

Hiện nay, Nguyễn Bính đã được đặt tên đường cho nhiều địa phương, trong đó có TP. Nam Định. Trên quê hương huyện Vụ Bản, tên nhà thơ Nguyễn Bính được đặt cho tên một trường THPT tại xã Hiển Khánh như một sự tri ân, niềm tự hào của người dân thành Nam đối với thi sĩ tài hoa Nguyễn Bính. Nếu công trình khu lưu niệm - mộ phần nhà thơ Nguyễn Bính được nâng cấp, chỉnh trang hoàn thiện, không chỉ là niềm an ủi đối với người đã khuất và gia đình, việc này còn tạo nên quần thể những dấu ấn đẹp của tên tuổi của thi sĩ đồng quê trong lòng chính quê hương ông…

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nhung-rac-roi-lien-quan-den-phan-mo-nha-tho-nguyen-binh-gian-nan-ca-luc-da-thanh-nguoi-xua-i710830/