Những tác dụng không ngờ của vỏ cam với bệnh tim mạch

Vỏ quả cam chứa nhiều hàm lượng vitamin, chất chống oxy hóa và limonene... Đây là chất hóa học có đặc tính chống viêm, chống ung thư và các bệnh về tim mạch.

Nhiều hàm lượng dinh dưỡng quý

Theo nhiều nghiên cứu, hàm lượng dinh dưỡng trong vỏ cam cung cấp tới hơn 55 loại flavonoid và phytonutrients – các nhóm chất chống oxy hóa quan trọng của cơ thể.

Những tác dụng không ngờ của vỏ cam với bệnh tim mạnh

Những tác dụng không ngờ của vỏ cam với bệnh tim mạnh

Bên cạnh đó, vỏ cam còn có nhiều chất xơ và đa dạng nhóm vitamin thiết yếu như vitamin C, vitamin A, vitamin B5, B6, Đồng, Canxi, Magiê... Đã có nghiên cứu chỉ ra, trong khi vỏ quả cam chứa 136 miligam vitamin C thì thịt chỉ chứa khoảng 71 miligam.

Với nhiều hàm lượng dưỡng chất như vậy nên vỏ cam có những tác dụng không ngờ trong việc tăng sức đề kháng.

Một số công dụng của vỏ cam

Tăng cường sức khỏe của tim: Vỏ cam có chứa sắc tố thực vật hesperidin. Đây là một bioflavonoid có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm được tìm thấy chủ yếu trong trái cây có múi. Trong một số nghiên cứu, hesperidin làm giảm cả cholesterol và huyết áp cao. Cả hai yếu tố này đều mang đến tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Giảm ho tiêu đờm: Trong vỏ cam có lượng lớn hoạt chất beta-cryptoxanthin, đảm nhiệm vai trò đào thải histamin ra khỏi phổi, làm sạch đờm và củng cố hoạt động của đường hô hấp.

Ngăn ngừa lão hóa da: Nhiều nghiên cứu cho thấy, tình trạng thâm nám và lão hóa da ở chị em phụ nữ hoàn toàn có thể được cải thiện nhờ vỏ cam. Vitamin C từ vỏ cam sẽ duy trì độ đàn hồi, ngăn ngừa tình trạng sỉn màu của da, thậm chí còn có đặc tính ngăn chặn tia UV gây ung thư da.

Một số lưu ý khi sử dụng vỏ cam

Nhằm đảm bảo tận dụng tối đa lợi ích sức khỏe từ vỏ cam, trước khi dùng nên rửa sạch vỏ cam với nước muối loãng để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn. Tốt nhất nên phơi khô vỏ cam rồi đun nước uống hoặc sên mứt dùng dần, tránh sử dụng vỏ cam tươi.

Sau khi phơi khô nên bảo quản vỏ cam trong lọ thủy tinh, đặt ở nơi thông thoáng. Không sử dụng nếu thấy có hiện tượng nấm mốc, hư hỏng. Hạn chế uống quá nhiều nước vỏ cam. Theo khuyến cáo, thông thường mỗi tuần chỉ nên uống từ 2-3 lần, mỗi lần khoảng 200ml. Khi có dấu hiệu dị ứng, mẩn đỏ thì nên tạm ngưng sử dụng.

Cam là một trong những loại trái cây phổ biến nhất trên thế giới, chủ yếu được tiêu thụ để lấy nước ép, còn lớp vỏ đắng thường bị bỏ đi. Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm có khoảng 32 triệu tấn vỏ cam bị bỏ đi.

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-tac-dung-khong-ngo-cua-vo-cam-voi-benh-tim-mach-325017.html