Những thách thức trong phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số

Với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 25,7%, tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm đến việc phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) người dân tộc thiểu số (DTTS). Tuy nhiên, quá trình này vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua...

Cán bộ xã Đưng K'Nớ, huyện Lạc Dương vận động bà con thực hiện kế hoạch hóa gia đình

Cán bộ xã Đưng K'Nớ, huyện Lạc Dương vận động bà con thực hiện kế hoạch hóa gia đình

NHỮNG DẤU ẤN TÍCH CỰC

Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và Quyết định số 402, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ CBCCVC người DTTS trong thời kỳ đổi mới.

Đội ngũ CBCCVC người DTTS đã và đang có đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; là lực lượng nòng cốt tiên phong trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao dân trí, giáo dục lịch sử và truyền thống dân tộc, giữ gìn, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, văn học nghệ thuật, các lễ hội truyền thống và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Theo số liệu mới nhất của UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 5.554 đảng viên là người đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ 11,28% so với tổng số đảng viên trên địa bàn toàn tỉnh. Giai đoạn 2019-2025 tỉnh đã tuyển dụng 22 người DTTS vào công chức thông qua thi tuyển và xét tuyển; đào tạo, bồi dưỡng 1.670 CBCCVC là người DTTS.

Chất lượng CBCCVC người dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, tính đến ngày 30/6/2024, tổng số CBCCVC người DTTS của tỉnh Lâm Đồng là 3.297 người/30.700 biên chế được cấp có thẩm quyền giao (chiếm tỷ lệ 10,74%).

Nhiệm kỳ 2021-2026, số lượng CBCCVC người DTTS trúng cử đại biểu Quốc hội là 1/7 đại biểu; đại biểu HĐND cấp tỉnh là 14/66 đại biểu; đại biểu HĐND cấp huyện 67/396 đại biểu; đại biểu HĐND cấp xã 807/3.365 đại biểu.

Những con số này minh chứng rất rõ cho việc đội ngũ CBCCVC người DTTS ngày càng có tiến triển tích cực. Tuy nhiên, việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC người DTTS đến nay cũng còn nhiều bất cập, hạn chế.

NHỮNG THÁCH THỨC CẦN VƯỢT QUA

Mặc dù đã có rất nhiều chính sách quan tâm, thúc đẩy, tạo diều kiện để người DTTS được học hành, nâng cao trình độ, từ đó đáp ứng nguồn nhân lực cho vùng DTTS thiểu số. Thực tế, thời gian qua việc thực hiện thi tuyển công chức qua các kỳ thi tuyển người DTTS trúng tuyển rất thấp. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo việc đăng ký chỉ tiêu thi tuyển, xét tuyển công chức cho đối tượng người DTTS, nhưng kết quả trúng tuyển vẫn không cao.

Một số huyện dù có đông đồng bào DTTS sinh sống nhưng số cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính, sự nghiệp công lập ở huyện và cấp xã còn ít, chưa tương xứng với tỷ lệ người DTTS tại địa phương. Số lượng học sinh DTTS đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chưa có việc làm còn nhiều.

Thống kê của cơ quan chức năng, tổng số CBCCVC người DTTS của tỉnh Lâm Đồng cũng tăng qua các năm nhưng vẫn chưa đạt so quy định tại Quyết định số 402/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ CBCCVC người DTTS trong thời kỳ đổi mới và Kế hoạch 5106/KH-UBND của UBND tỉnh. Trong đó, tỷ lệ CBCC người DTTS tham gia vào các cơ quan hành chính cấp huyện, quy định bình quân chung là 14,54%, trong khi đó hiện tỉnh mới chỉ đạt 10,74%.

Cùng với đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là người DTTS trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến huyện vẫn còn thấp. Theo quy định tại Quyết định 402 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2020 và những năm tiếp, tỷ lệ viên chức người DTTS giữ chức danh lãnh đạo quản lý trong các đơn vị sự nghiệp cấp huyện là 20%, nhưng hiện nay tỷ lệ này cũng chưa đạt theo quy định. Số lượng CBCCVC người DTTS được bầu cử, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý ở địa phương dù đã có nhiều chuyển biến nhưng tính đến 30/6/2024, lãnh đạo cấp sở chỉ mới có 7 người, lãnh đạo cấp huyện 20 người, lãnh đạo cấp phòng 60 người.

Nguyên nhân là do một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác tạo nguồn, xây dựng, phát triển đội ngũ CBCCVC người DTTS. Bên cạnh đó, ý thức, trách nhiệm và tinh thần tự giác học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên của đa số người đồng bào DTTS nói chung, cũng như trong một bộ phận CBCCVC người DTTS nói riêng chưa cao. Việc thông tin và tiếp cận thông tin thị trường lao động nói chung, nhu cầu tuyển dụng CCVC của các cơ quan nhà nước nói riêng đối với người đồng bào DTTS còn hạn chế. Cơ chế, chính sách để phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC người DTTS cũng chưa phù hợp.

Theo bà Nguyễn Thị Ngân - giảng viên Trường Đại học Văn Lang, thì nhìn vào những hạn chế này, để có thể phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tỉnh đạt chỉ tiêu, cần có những giải pháp đồng bộ. Trong đó cần nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của CBCCVC người DTTS hiện đang làm việc ở các cơ quan trong tỉnh; tiếp đó đầu tư mạnh mẽ hơn vào đào tạo, đặc biệt là chính sách đào tạo đặc thù dành cho người DTTS như tổ chức các khóa đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của từng vùng. Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho người DTTS học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng và tham gia công tác;...

Phải khẳng định rằng, việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC người DTTS cần một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của cộng đồng. Chỉ khi có sự đầu tư đúng mức và các giải pháp đồng bộ, sự nỗ lực của chính những người DTTS thì chúng ta mới có thể xây dựng được một đội ngũ CBCCVC người DTTS đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

NGUYỄN NGHĨA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202410/nhung-thach-thuc-trong-phat-trien-doi-ngu-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-nguoi-dan-toc-thieu-so-14e29ce/