Những thiết kế kiến trúc 'dị' nhất năm 2017
Có thể nói sự sáng tạo của các kiến trúc sư ngày nay đang vượt qua cả sự tưởng tượng của con người. Năm 2017, những thiết kế xây dựng đáng chú ý nhất đã tập trung vào mối quan hệ hòa bình mới mẻ giữa thiên nhiên với con người và các giải pháp đề xuất cho sự quá tải tại thành phố lớn.
Cách con người định hình lên công trình kiến trúc đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định quan điểm loài người về thế giới. Khi các thiết bị và công nghệ thông minh ngày càng phát triển, tương lai kiến trúc cũng sẽ dần dần được tiết lộ. Trong khi một số thiết kế công trình kiến trúc tương tự như một bộ sưu tập các bản chụp không bao giờ có thể xảy ra trong tương lai, nhiều thiết kế sáng tạo thực sự đang nở rộ, với các mô hình có thể trở thành hiện thực trong nay mai.
Dưới đây là những hình ảnh thiết kế độc đáo nhất trong năm nay
1. Tòa nhà “cắm đầu xuống đất” Analemma Tower
Tòa nhà chọc trời Analemma Tower có kiểu thiết kế lạ nhất từ trước đến nay: xây dựng từ trên trời xuống đất, thay vì xây dựng trên mặt đất như thông thường. "Analemma Tower là một ví dụ điển hình của việc sử dụng chiến lược thiết kế hành tinh, tạo nên tòa nhà cao nhất thế giới từ trước đến nay", theo đại diện công ty Clouds Architecture Office. Trong bản thiết kế, công ty sử dụng một hệ thống cáp treo cỡ lớn, một đầu móc vào tiểu hành tinh còn đầu kia giữ cho tòa nhà chọc trời không rơi xuống đất, cư dân có thể tận hưởng khung cảnh thay đổi liên tục bên ngoài trong 24 giờ.
Mặc dù kế hoạch táo bạo này vướng phải những thách thức như việc tìm kiếm một thiên thạch phù hợp để neo giữ tòa nhà, Clouds Architecture Office tin rằng, ý tưởng này sẽ sớm trở thành hiện thực. Nếu thành công, nó sẽ trở thành một công cụ có tiềm năng hữu ích cho một tương lai không quá tải.
2. Khu nghỉ dưỡng Nautilus Eco-Resort
Hình dạng của thiết kế Nautilus Eco-Resort được lấy cảm hứng từ hình xoắn ốc Fibonacci. Nó sử dụng các công nghệ tăng trưởng hydroponic và các công cụ khác kết hợp để tạo nên một công trình kiến trúc thực vật xanh thân thiện với môi trường. Điểm ấn tượng nữa của khu nghỉ dưỡng độc đáo này là hệ thống khách sạn quay nhô lên và hạ xuống khi xoay quanh một lõi trung tâm, một số phòng, nếu không sử dụng, thậm chí sẽ biến mất dưới lòng đất.
3. Nhà hàng dưới biển đầu tiên của Châu Âu tại Na Uy
Nhà hàng dưới biển này có tên là "Under" được thiết kế với một phần nổi và một phần khác chìm dưới mặt nước. Thực khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh dưới đáy biển và ngắm nhìn các đàn cá bơi lội trong khi thưởng thức các món hải sản địa phương. Việc xây dựng dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu năm 2018.
4. Tòa tháp Big Ben - Tòa tháp chữ U cao chọc trời ấn tượng nhất trong lịch sử
Được thiết kế bởi Oiio, Big Bend hứa hẹn sẽ là một tòa nhà chọc trời hình vòm phá vỡ mọi chiều cao kỉ lục cùng thiết kế độc đáo bậc nhất New York. Nhìn tổng thể, cả tòa nhà như một hình chữ U lật ngược sừng sững ở cuối chân trời Manhattan. Dù với nền móng khá khiêm tốn, tòa tháp lại có sức chứa số lượng người khó tin mà không cần phải lo lắng về giới hạn bầu trời hay vấn đề an toàn.
5. Ngôi nhà container giữa sa mạc California
Kiểu ngôi nhà container chở hàng đã phát triển về thiết kế và trở nên phổ biến năm 2017. Ý tưởng về những căn nhà nhỏ gọn, có thể vận chuyển đã phát triển thành một loạt các thiết kế sáng tạo và mới mẻ. Ngôi nhà dưới đây dự kiến sẽ được xây dựng vào năm 2018 ở vùng sa mạc bên rìa Công viên Quốc gia Joshua Tree, Califorlia. Ngôi nhà rộng 640m2 với 3 phòng ngủ, được dựng từ những chiếc container trắng với những góc quay ra xung quanh, do đó không gian trong phòng sẽ luôn tràn ngập ánh nắng.
6. Bến thuyền khổng lồ Manta Ray ở Seoul
Manta Ray là mẫu thiết kế mới nhất trong danh mục ý tưởng thiết kế xanh của hãng Vincent Callebaut đề xuất cho một bến phà tại Seoul. Nó sẽ là đại diện kết hợp kiến trúc tiên tiến với các giải pháp năng lượng xanh. Manta Ray tự sản sinh ra năng lượng từ một loạt các nguồn năng lượng tái tạo. Năng lượng mặt trời được thu từ 4.552m2 pin mặt trời được lắp đặt trên mái và mặt tiền được trang bị kính nhiều lớp. Thêm vào đó là nguồn năng lượng gió được đặt trên hệ thống 52 cây CLT có gắn các tuabin gió.
7. Cây cầu nổi hình chuồn chuồn ở Mông Cổ
Những gì bạn trông giống như một robot hình người trên đây thực sự là một cây cầu nổi. Chính quyền thành phố Ordos, Mông Cổ đã ủy thác cho kiến trúc sư Krasojevic thiết kế một cây cầu dành cho người đi bộ vượt qua sông Wulanmulun nằm ở thành phố Ordos, quận Kangbashi. Kiến trúc sư Margot Krasojevic đã thiết kế cây cầu như một cấu trúc linh hoạt có thể xếp, gấp chồng lên nhau và mở rộng ra để neo đậu dọc theo các bến cảng và di chuyển đến các vị trí khác nhau.
8. Tòa nhà chọc trời Giant Sequoia tại Hàn Quốc
Một thiết kế thuộc bộ sưu tập của các nhà thiết kế Hàn Quốc đã tạo ra "Giant Sequoia Skyscraper" cho cuộc thi Nhà chọc trời eVolo. Thiết kế này liên quan đến việc xây dựng các tòa nhà chọc trời hiện đại bên trong cây cổ thụ khổng lồ, một cách tiếp cận mới đối với sự chung sống hòa bình giữa con người và thiên nhiên.
Không phải tất cả các thiết kế này đều sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần. Nhưng khoa học thường dạy chúng ta rằng những gì chúng ta chỉ có thể tưởng tượng hôm nay thực sự có thể xảy ra vào ngày mai. Và thông qua các kỹ thuật hiện có như công nghệ thủy canh, nguồn tái tạo và các vật liệu tiên tiến, việc xây dựng thành công các cấu trúc này có thể khả thi và tích cực đối với Trái đất.
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nhung-thiet-ke-kien-truc-di-nhat-nam-2017-post66556.html