Những thói quen đầy nguy cơ bệnh tật người trẻ hay mắc

Thức ăn nhanh chứa nhiều gia vị và muối rất dễ gây các bệnh về chuyển hóa như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, bệnh thận, tiểu đường…

 Thường xuyên ăn đồ ăn sẵn, chỉ trong hơn 2 năm, Hiếu tăng tới gần 20 kg. Ảnh: Pexels.

Thường xuyên ăn đồ ăn sẵn, chỉ trong hơn 2 năm, Hiếu tăng tới gần 20 kg. Ảnh: Pexels.

Từ khi lên TP.HCM, Trần Hiếu (21 tuổi, TP.HCM) bất ngờ khi cân nặng nhảy vọt lên 72 kg, tăng 17 kg so với hai năm trước đó.

"Mình còn không dám tin vào con số trên cân. Từng có thời điểm mình không còn mặc vừa quần áo cũ, cơ thể cũng ì ạch, nặng mùi hơn", Hiếu chia sẻ và nhớ lại những buổi liên quan ăn uống, nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng.

Những cuộc nhậu liên miên

Từ khi vào TP.HCM, Hiếu chính thức bắt đầu cuộc sống tự lập. Vì phải ở ký túc xá, chàng trai trẻ không có điều kiện tự nấu ăn nên phải ăn thức ăn ngoài, đồ ăn nhanh hàng ngày. Ban đầu, Hiếu còn chủ động mua thêm hoa quả để bổ sung chất xơ, vitamin nhưng sau đó cũng lười dần.

Cuộc sống sinh viên nhiều buổi họp mặt, tụ tập kéo Hiếu đi theo guồng quay của những buổi nhậu, vui chơi với bạn bè. Gần như tuần nào, Hiếu cũng đi nhậu với bạn bè, câu lạc bộ, anh chị em họ trong nhà.

"Dù không bị bắt ép nhưng vì ham vui, mình gần như không từ chối cuộc nhậu nào. Thời gian tập thể dục ít lại, ăn nhậu nhiều lên khiến vòng bụng và cân nặng của mình vì thế cũng tăng", Hiếu kể.

Ngủ ít, nhậu nhiều, bỏ bữa, hút thuốc là những thói quen phổ biến với nhiều người trẻ hiện nay. Tác hại trước mắt có thể chưa thấy rõ, nhưng về lâu dài, các thói quen này dần sẽ tàn phá cơ thể, âm thầm ảnh hưởng xấu đến hàng loạt cơ quan nội tạng.

Theo Khuyến nghị hàm lượng natri tối đa cho một số thực phẩm chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ban hành, trong 467 người trong độ tuổi 19-39 tại TP.HCM thì có 47% người tham gia thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh. Tỷ lệ này cao hơn ở nam giới và thanh thiếu niên (16-24 tuổi).

Theo một nghiên cứu do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam, 95% người 15-25 tuổi thuộc cả khu vực thành thị và nông thôn Hà Nội có xu hướng tiêu thụ các loại thức ăn nhanh. Bánh mì, đồ ăn nhanh và mì ăn liền là những loại thực phẩm phổ biến nhất.

Sự tiện lợi, phục vụ nhanh, chi phí thấp và không mất thời gian chuẩn bị là tiêu chí phù hợp với khá nhiều người trẻ Việt. Tuy nhiên, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn thường có nhiều đường, chất béo và natri (muối). Các chất này làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác.

Những căn bệnh âm thầm theo sau

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều căn bệnh phổ biến đang trẻ hóa hiện nay là do người trẻ đang chủ quan trước sức khỏe của mình.

Nhiều người bỏ bữa, ngủ ít, uống rượu bia, hút thuốc, sinh hoạt không lành mạnh dù biết không tốt. Thói quen này tích tụ lâu dài đến khi xuất hiện triệu chứng, phải đi nhập viện thì đã muộn.

PGS Thịnh khuyên người trẻ nên thay đổi chế độ ăn uống phù hợp, đủ bữa, tránh ăn quá nhiều thực phẩm dầu mỡ, chế biến sẵn không tốt cho sức khỏe.

Ngoài ra, nhóm người này cũng nên ngủ đủ giấc, tăng cường vận động và hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá... Bên cạnh đó, mọi người cũng nên duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện nếu mắc bệnh.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hơn 90% người dân sống tại Hà Nội và TP.HCM cho biết thường xuyên tiêu thụ đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn. Về lâu dài, thói quen này có thể gây ra nhiều căn bệnh không lây nhiễm, tạo ra gánh nặng đối với xã hội.

Trong những năm gần đây, các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh hô hấp mạn tính đã gia tăng và trẻ hóa... đang gây ra gánh nặng và thách thức đối với sức khỏe cộng đồng.

Tại Việt Nam, ước tính trong năm 2019, tỷ lệ người tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm hơn 80% tổng số ca tử vong toàn quốc, chủ yếu là do các bệnh tim mạch (39,5%), ung thư (15,9%), bệnh hô hấp mạn tính (6,2%) và đái tháo đường (4,7%).

Nguyên nhân chính khiến bệnh không lây nhiễm gia tăng là sự phát triển nhanh chóng trong lối sống kéo theo sự thay đổi trong chế độ ăn uống của người dân.

Ăn thừa natri là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng làm gia tăng gánh nặng bệnh tật, tạo ra áp lực lớn đối với xã hội, ngành y tế và chính bản thân người bệnh.

Tăng huyết áp là hậu quả dễ thấy nhất của thói quen ăn nhiều muối. Giờ đây, với xu hướng trẻ hóa, căn bệnh này làm tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ, tim mạch không chỉ ở nhiều người già mà còn ở những người đang độ tuổi lao động.

Ăn nhiều muối cũng làm tăng gánh nặng cho thận, dẫn tới suy giảm chức năng thận, gây ra sỏi thận và các bệnh thận khác. Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định bệnh thận đang có xu hướng trẻ hóa, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người bệnh.

Ngoài ra, một nghiên cứu cũng chứng minh thói quen ăn nhiều muối làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày lên tới 68%.

Không chỉ ăn nhiều đường, ăn nhiều muối cũng gián tiếp gia tăng tỷ lệ béo phì ở nhiều người Việt. Càng nạp nhiều muối thì mọi người, nhất là trẻ em, càng có xu hướng tìm đến đồ uống có đường để giải khát, gây tăng cân.

Ngoài ra, ăn thừa muối cũng gây gia tăng hoặc làm nghiêm trọng nhiều bệnh khác như hen phế quản, loãng xương, rối loạn thính lực. Nghiêm trọng hơn, thói quen này cũng có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của não, thậm chí có thể gây chứng mất trí do tắc mạch máu não.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-thoi-quen-day-nguy-co-benh-tat-nguoi-tre-hay-mac-post1439347.html