Những thông điệp từ thực tiễn cuộc sống

Hôm nay (7-12), kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 chính thức khai mạc. Trước kỳ họp, cử tri Thủ đô đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến chính sách phát triển kinh tế, quản lý đất đai, môi trường, y tế… Đây là những thông điệp từ thực tiễn cuộc sống với mong muốn được HĐND thành phố xem xét, sớm có phương án xử lý trong thời gian tới.

Cử tri quận Thanh Xuân kiến nghị các vấn đề dân sinh ở cơ sở tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ ba của HĐND thành phố Hà Nội, tháng 11-2021.

Nhiều kiến nghị về bảo vệ môi trường, phát triển hạ tầng

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ ba của HĐND thành phố, cử tri các huyện, thị xã đề nghị thành phố xem xét, nghiên cứu tỷ lệ điều tiết tiền đấu giá quyền sử dụng đất cho ngân sách cấp huyện là 100% để có nguồn thu bảo đảm các nhiệm vụ chi theo phân cấp, đáp ứng cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn. Theo cử tri các huyện: Thạch Thất, Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây, việc phân chia tài chính nguồn đấu giá quyền sử dụng đất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn 2020-2025.

Cử tri các huyện: Chương Mỹ, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Ba Vì cũng mong muốn thành phố sớm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5-12-2018 của HĐND thành phố Hà Nội về một số chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng kiên cố hóa đường giao thông thôn, xóm để các xã, thị trấn tiếp tục huy động vốn đối ứng xây dựng giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, bảo đảm tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Đối với lĩnh vực đất đai, môi trường, giải phóng mặt bằng, cử tri các quận: Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân mong muốn thành phố giám sát và thu hồi đối với các dự án để lâu không triển khai thực hiện, như: Dự án Nam Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng), dự án xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại Xuân La (quận Tây Hồ)...

Trong khi đó, theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ có 17 khu xử lý chất thải rắn, nhưng đến nay mới có 2 khu đang hoạt động tại huyện Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây, do vậy, công suất xử lý không bảo đảm. “Đề nghị thành phố nghiên cứu cơ chế chính sách thu hút đầu tư và sớm triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới, để thay thế công nghệ xử lý chôn lấp rác thải hiện nay không bảo đảm môi trường. Ngoài ra, cần quy định trách nhiệm quản lý vùng đệm cây xanh tại bãi rác Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) một cách cụ thể, rõ ràng để tránh việc đổ trộm phế thải và đốt rác thải gây bức xúc trong nhân dân”, cử tri Đỗ Văn Hải (phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây) kiến nghị.

Cử tri quan tâm đến các chính sách phòng, chống dịch

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng nhận được nhiều sự quan tâm của nhân dân. Qua đó, cử tri mong muốn thành phố tiếp tục dành nhiều nguồn lực hơn nữa nhằm đạt mục tiêu cao nhất là bảo đảm sức khỏe con người.

Trong đó, cử tri các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Long Biên, Hà Đông, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Hoài Đức kiến nghị thành phố có phương án bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại trường học. Song song đó, cần tiếp tục quan tâm ưu tiên đầu tư cho ngành Y tế; tiếp tục có chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng làm nhiệm vụ ở tuyến đầu phòng, chống dịch; đồng thời có giải pháp triển khai hiệu quả ứng dụng PC-Covid, quét mã QR đến mọi người dân, các cơ sở kinh doanh để bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Cử tri Hoàng Văn Thái (phường Trung Tự, quận Đống Đa) cho rằng, muốn phòng dịch tốt, thành phố cần theo dõi, kiểm soát chặt người từ vùng dịch trở về, người ở khu vực ngoại thành vào nội thành buôn bán và có những biện pháp quyết liệt không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Không chỉ vậy, cử tri cũng mong muốn thành phố cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhằm bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, minh bạch, không bỏ sót đối tượng. Theo đó, cử tri các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Mỹ Đức đề nghị thành phố sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 6-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ “Sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19”.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên cho biết, các ý kiến, kiến nghị của cử tri rất chính đáng. Tại kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố sẽ chọn lọc các vấn đề cử tri quan tâm để đưa vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trong đó, có nội dung về việc triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố; giải pháp thúc đẩy các dự án chậm triển khai, tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.

Việt Tuấn - Hồng Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1019215/nhung-thong-diep-tu-thuc-tien-cuoc-song