Những trẻ dễ gặp di chứng thần kinh hậu Covid-19

Nghiên cứu mới từ Mỹ phát hiện một số trẻ mắc Covid-19 thể nặng gặp phải nhiều biến chứng thần kinh kéo dài sau khi khỏi bệnh.

Các triệu chứng thần kinh mà trẻ có thể gặp phải ở phạm vi rộng như đau đầu, khó ngủ, buồn ngủ vào ban ngày, sương mù não (thiếu tập trung, ghi nhớ kém), lo lắng, trầm cảm. Tình trạng này đều có thể kéo dài hàng tuần đến hàng tháng. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Child Neurology ngày 24/1.

10-20% trẻ mắc Covid-19 gặp phải di chứng

Theo TS Sanjeev Kothare, Giám đốc khoa Thần kinh trẻ em tại Trung tâm Y tế Nhi đồng Cohen, thuộc Northwell Health, Lake Success, New York, Mỹ: “Tình trạng này xảy ra ở 10-20% trẻ mắc Covid-19. Các biến chứng thần kinh nói trên là một phần của tình trạng hiếm gặp – hội chứng viêm đa hệ ở trẻ (MIS-C).

Vị chuyên gia này nói thêm MIS-C là bệnh lý khá mơ hồ và không có phương pháp điều trị cụ thể. Các biện pháp hiện tại chỉ điều trị triệu chứng cụ thể. Cách tốt nhất để bảo vệ con khỏi nguy cơ gặp di chứng hậu Covid-19 cũng như hội chứng MIS-C là tiêm phòng vaccine.

 Theo nghiên cứu từ các chuyên gia của Trung tâm Y tế Nhi đồng Cohen, sau 20-26 tuần xuất viện, trẻ phải hồi sức cấp cứu vì mắc Covid-19 vẫn gặp hàng loạt di chứng về thần kinh, dấu hiệu tâm thần, vấn đề với giấc ngủ. Ảnh: Children's Hospital Los Angeles.

Theo nghiên cứu từ các chuyên gia của Trung tâm Y tế Nhi đồng Cohen, sau 20-26 tuần xuất viện, trẻ phải hồi sức cấp cứu vì mắc Covid-19 vẫn gặp hàng loạt di chứng về thần kinh, dấu hiệu tâm thần, vấn đề với giấc ngủ. Ảnh: Children's Hospital Los Angeles.

Khi ông Kothare và các cộng sự xem xét 47 trẻ nhập viện vì Covid-19, 77% có triệu chứng thần kinh, 60% có dấu hiệu tâm thần và 77% gặp vấn đề về giấc ngủ. Trước khi nhập viện, 15% trẻ có triệu chứng thần kinh, 7% gặp vấn đề về giấc ngủ và không trẻ nào có dấu hiệu tâm thần.

20-26 tuần sau khi xuất viện, triệu chứng thần kinh vẫn xuất hiện dai dẳng trên 50% trẻ mắc Covid-19. Ngoài ra, 57% trẻ em gặp vấn đề về tâm thần vẫn tiếp tục chống chọi với nó ngay cả khi đã rời viện. 42% trẻ có vấn đề về giấc ngủ cũng gặp tình trạng tương tự.

Điểm chung của tất cả tình trạng trên là di chứng hậu Covid-19 xảy ra ở những trẻ em nguy kịch, phải nằm phòng hồi sức cấp cứu.

Trước đó, một nghiên cứu được công bố ngày 5/3/2021 trên tạp chí JAMA Neurology cho thấy các triệu chứng thần kinh xảy ra phổ biến ở trẻ em phải nhập viện vì Covid-19 hoặc MIS-C. Mặc dù các triệu chứng được giải quyết cho hầu hết bệnh nhân, một số phát triển thành các triệu chứng có thể đe dọa tính mạng.

Theo TS Jodi Mindell, PGĐ Trung tâm Giấc ngủ của Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia: "Đúng như dự đoán, các vấn đề về giấc ngủ rất phổ biến trong thời gian trẻ phải nhập viện vì Covid-19. Nhưng điều đáng chú ý nhất là 1/3 số trẻ vẫn gặp vấn đề này trong nhiều tháng sau khi khỏi bệnh”.

Do đó, vị chuyên gia khuyến cáo phụ huynh có con gặp vấn đề về giấc ngủ sau khi trẻ mắc Covid-19 nên tham khảo tư vấn từ bác sĩ. Chúng ta cũng cần duy trì thói quen, giờ ngủ cho trẻ khoa học, đều đặn vào các ngày trong tuần và cuối tuần, hạn chế ngủ trưa dài, không nên cho trẻ sử dụng thiết bị di động, mạng xã hội trước khi ngủ.

Nguyên nhân gây hội chứng viêm đa hệ ở trẻ mắc Covid-19 vẫn là bí ẩn, đặc biệt, nó có thể trở nên nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Hơn 5.200/6,2 triệu trẻ em ở Mỹ được chẩn đoán bị MIS-C sau khi mắc Covid-19. Khoảng 80% bệnh nhi phải điều trị trong phòng hồi sức tích cực. Trong khi đó, 20% phải thở máy và 46 trẻ tử vong. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), điều may mắn là hầu hết trẻ mắc hội chứng này đều hồi phục tốt.

 Đa số trẻ mắc MIS-C đều hồi phục tốt, song, hội chứng này vẫn được đánh giá là nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Ảnh: Sky News.

Đa số trẻ mắc MIS-C đều hồi phục tốt, song, hội chứng này vẫn được đánh giá là nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Ảnh: Sky News.

Thận trọng với di chứng gây viêm nhiều cơ quan

Ngoài vấn đề về thần kinh, MIS-C cũng có thể gây viêm ở các bộ phận khác nhau như tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc cơ quan tiêu hóa. Thống kê từ CDC cho thấy 80% bệnh nhi phát triển các biến chứng liên quan tim.

Tiến sĩ Guliz Erdem, Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia ở Ohio, nhấn mạnh chỉ cần trẻ trở nặng và phải chăm sóc hồi sức cấp cứu, vấn đề liên quan cũng nhiều hơn. Ngay cả việc nằm trong phòng ICU cũng là yếu tố gây căng thẳng.

“Việc hồi phục từ ICU là giai đoạn khó khăn. Toàn bộ quá trình trao đổi chất, dinh dưỡng đều bị đảo lộn. Với những trẻ vốn đã lo lắng, thoát khỏi phòng hồi sức tích cực, chúng sẽ càng thêm trầm cảm, bất an”, vị chuyên gia giải thích.

Với những trẻ gặp di chứng hậu Covid-19, ICU, bà Erdem khuyến cáo phụ huynh nên duy trì các thói quen trước đó cho trẻ và cho con thời gian để quay trở lại quỹ đạo bình thường. Việc này cần sự kiên nhẫn và đồng hành từ cha mẹ.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-tre-de-gap-di-chung-than-kinh-hau-covid-19-post1294181.html