Những trưởng thôn 'miệng nói tay làm'
Xuân Vân (Yên Sơn) đang dốc sức cán đích nông thôn mới vào năm 2023. Đến thời điểm này, nhiều tiêu chí khó của xã đã cơ bản hoàn thành. Đóng góp vào kết quả chung ấy, là những trưởng thôn 'miệng nói tay làm', không nề hà việc khó, hết lòng vì lợi ích chung.
1. Mới được bầu làm Trưởng thôn, lại là Trưởng thôn trẻ tuổi nhất từ trước đến nay ở Soi Hà, Bế Văn Tần, chàng trai người Tày bảo, lúc đấy, để tạo uy tín được với bà con, bản thân mình phải tận tình, chu đáo, làm hết trách nhiệm.
Bế Văn Tần vừa bước qua tuổi 36. Chức Trưởng thôn, Tần cũng vừa đảm nhận được gần năm nay, nhưng theo đánh giá của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân Lê Hồng Việt, thì anh là một trong những Trưởng thôn năng nổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm nay.
Tần kể, ngày mới được dân bầu làm trưởng thôn, tự bản thân anh, và trong cả ánh mắt nghi ngại, dò xét của nhiều bậc cha chú, thì độ tuổi ấy chưa thực sự đủ chín để gánh vác.
Soi Hà vốn là vùng đất trù phú bậc nhất của Xuân Vân, cũng là thôn khởi phát của loại trái cây nức tiếng khắp vùng, đó là trái bưởi. Nhận chức Trưởng thôn, Tần biết, gánh nặng trên vai mình rất lớn. Người ngoài xì xào, người trong nhà muốn anh từ chối công việc, nhưng Tần nghĩ, nếu không thử, thì sao biết mình không làm được. Vốn là bộ đội xuất ngũ, lại là đảng viên, Tần không cho phép mình đầu hàng nhanh như thế.
Thử thách đầu tiên của Trưởng thôn Bế Văn Tần là việc làm đường giao thông nông thôn. Những năm trước, việc làm đường ở Soi Hà được thực hiện khá khẩn trương, nhưng việc đóng góp của một số bà con chưa tốt. Trưởng thôn cũ đã từng phải bỏ tiền túi ra thanh toán tiền làm đường cho bên thi công. Năm 2022, khi rà soát nhu cầu làm đường của bà con, Bế Văn Tần đăng ký với xã hoàn thành gần 2.000 mét, bao gồm cả đường bê tông nông thôn và đường nội đồng. Nỗi sợ không thu được tiền đóng góp bao trùm lên cả gia đình. Tần bảo, vợ chồng anh và các con hiện vẫn đang sống cùng cha mẹ, so với nhiều hộ dân ở Soi Hà, kinh tế gia đình anh cũng chỉ ở mức đủ ăn đủ tiêu. Nghĩ vậy, nên khi đăng ký nhu cầu làm đường, Trưởng thôn Bế Văn Tần tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân, 100% các hộ đồng thuận làm thì mới làm.
Đồng thuận là vậy, nhưng khi phải mở rộng mặt đường, nhiều hộ lại không đồng ý vì tiếc những cây bưởi đã đến tuổi cho trái ngon, ngọt. Tần phải đi lại nhiều lần, thuyết phục bằng nhiều cách. Hộ thì tỉ tê tâm sự, hộ thì giải thích ngọn ngằn... Đến ngày khởi công làm đường, nhà cần hiến đất thì hiến đất, nhà cần chặt cây thì chặt cây. Mọi khoản thu chi, Tần công khai trong các buổi họp thôn. May mắn là đường làm đến đâu, bà con ủng hộ, đóng góp đến đấy. Tần bảo, một trong những thay đổi lớn nhất trong các buổi họp thôn từ sau khi mình làm Trưởng thôn là mọi việc phải được giải quyết ngay trong cuộc họp. Bà con có ý kiến gì nằm trong khả năng giải quyết của mình, Tần giải quyết ngay. Những việc vượt ngoài khả năng, Tần xin ý kiến của lãnh đạo xã.
Năm 2023, Soi Hà đăng ký thêm 1.000 mét đường nội đồng nữa. Trưởng thôn Bế Văn Tần bảo, đây là tuyến đường cuối cùng chưa được bê tông hóa của Soi Hà. Có đường thuận lợi nhiều điều, bà con không còn so đo chuyện thiệt hơn nữa.
2. Khuôn Khán từng là thủ phủ chuối tây ở Xuân Vân. Những đồi chuối bám lấy từng khoảnh đồi, từng bờ thửa... Thế nhưng, vài năm trở lại đây, diện tích chuối tây ở Khuôn Khán giảm mạnh, một phần do giá cả xuống quá thấp, một phần do cây chết.
Ở Khuôn Khán chủ yếu là đồng bào Dao, Tày, đời sống còn nhiều khó khăn. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bàn Văn Thủy nghĩ, phải tìm mọi cách để vực kinh tế của bà con lên. Không thể vì cây chuối chết mà mình “chết” theo được.
Cây lâm nghiệp bắt đầu được đưa vào trồng. Nhà anh Thủy là một trong những hộ trồng đầu tiên, hơn 3 ha. Anh Thủy khoe, nhiều diện tích trước đây nghĩ chỉ hợp với cây chuối tây thôi, nhưng khi đưa cây keo vào, cây bén đất lên nhanh và khỏe. Năm nay 3 ha keo đến tuổi khai thác rồi.
Sau cây keo là đến cây bưởi. Một nhà trồng, rồi vài ba nhà trồng, giờ ở Khuôn Khán đã có hơn 60 ha bưởi. Như nhà anh Thủy, một năm thu từ hơn 1 ha bưởi cũng được hơn 150 triệu đồng.
Trưởng thôn Vũ Xuân Chiêm, thôn Đồng Tày được nhiều người biết đến không chỉ nhờ giỏi làm kinh tế, mà còn đóng góp hết mình cho việc chung. Đồng Tày 2 năm vừa rồi hoàn thành hơn 3.000 mét đường bê tông nông thôn và đường vào vùng sản xuất. Ngoài số tiền đóng góp theo quy định, tuyến đường nào khởi công nhà ông Chiêm cũng ủng hộ thêm vài triệu đồng. Ông bảo, mình gương mẫu, thì nói bà con mới theo. Giờ ở Đồng Tày, đường bê tông đã thảm lụa đến từng ngõ xóm, từng vườn bưởi, một phần nhờ chính sự tiên phong của ông Chiêm.
Không chỉ hết mình vì việc làng, gia đình ông Chiêm cũng là một trong những hộ có kinh tế khá giả ở thôn nhờ mô hình chăn nuôi lợn theo hướng trang trại khép kín. Vài chục nái đẻ, hơn 200 lợn con và 20-30 lợn thương phẩm được gia đình ông duy trì đều đặn mỗi lứa.
Học ông Chiêm, giờ ở Đồng Tày đã có hơn chục hộ gia đình tập trung chăn nuôi lợn quy mô lớn. Nhà nào làm chuồng trại, ông Chiêm cũng đến tận nơi hướng dẫn quy cách xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh môi trường... Ông Chiêm cười khoe, giờ ở Đồng Tày chỉ còn 10 hộ gia đình nghèo. Những hộ này, cán bộ thôn đang tập trung hướng dẫn cách làm kinh tế để phấn đấu thoát nghèo trong năm sau.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân Lê Hồng Việt khẳng định, ở Xuân Vân, những Trưởng thôn miệng nói tay làm như anh Tần, anh Thủy, ông Chiêm... đóng góp tích cực cho nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở xã. Trưởng thôn gương mẫu, nhân dân làm theo, mục tiêu về đích nông thôn mới vào năm sau của Xuân Vân đang gần lại.