Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 7)

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, hoạt động trong bối cảnh rất phức tạp, nhưng cán bộ, chiến sĩ của Trạm Biên phòng Lò Gò, Tây Ninh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí tự lực tự cường, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh biên giới, đơn vị đã đứng vững trên vị trí tiền tiêu, kiên cường đánh trả địch, lập công xuất sắc, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Bài 7: Lò Gò - Công sự dưới lòng đất

Lá cờ do Trung ương Đoàn tặng Chi đoàn Đồn CANDVT Lò Gò. Ảnh: Tư liệu

Lá cờ do Trung ương Đoàn tặng Chi đoàn Đồn CANDVT Lò Gò. Ảnh: Tư liệu

Sẵn sàng hy sinh để bảo vệ biên giới

Đồn Biên phòng Lò Gò đóng quân tại xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Nơi đây là vũng lõm của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát nên khung cảnh rất bình yên và nên thơ. Trên dọc đường ĐT 788 vào đơn vị, giữa bạt ngàn cây xanh, thỉnh thoảng lại bắt gặp những đàn gà rừng hay vài chú khỉ ham chơi, nhởn nhơ giữa chốn “thanh thiên bạch nhật”. Rất nhiều du khách khi đến đây đã thốt lên rằng: Phong cảnh đẹp và bình yên quá… Nhưng ít ai biết rằng, nơi đây, 44 năm trở về trước từng là vùng chiến địa. Để giữ từng tấc đất biên cương Tổ quốc, quân và dân Tây Ninh đã anh dũng chiến đấu, không quản hy sinh xương máu. Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đồn Biên phòng Lò Gò ở ngay ngã ba biên giới là một minh chứng sống động cho tinh thần chiến đấu quật cường đó.

Trong sự tĩnh lặng của miền biên giới, mỗi lần có dịp lên công tác tại Đồn Biên phòng Lò Gò, tôi đều ra thắp hương tri ân 13 liệt sĩ đã gửi thân vào đất mẹ để giữ toàn vẹn mảnh đất biên cương, cho hôm nay và muôn đời sau hoa lá nở thắm dọc đường biên giới… 13 liệt sĩ là 13 cái tên đến từ nhiều vùng miền khác nhau, từ Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An đến Tây Ninh… Lớn tuổi nhất là Thiếu úy Nguyễn Văn An, quê xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Thiếu úy Nguyễn Văn An sinh năm 1945, nhập ngũ tháng 2/1964 và hy sinh ngày 29/3/1978 trong trận chiến đấu ác liệt nhất, nhằm đánh trả quân Pol Pot tấn công vào đơn vị. Lúc đó, Thiếu úy Nguyễn Văn An là cán bộ của Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) tăng cường cho Tây Ninh.

Trẻ nhất trong số 13 liệt sĩ Đồn Biên phòng Lò Gò là Binh nhất Nguyễn Tấn Tài, quê ở xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Anh nhập ngũ tháng 9/1975 và hy sinh ngày 24/8/1976, khi mới 16 tuổi. Nhiều đồng đội của anh kể lại, lúc đó, Binh nhất Nguyễn Tấn Tài chưa có người yêu, chưa một lần được nắm bàn tay con gái. Vì căm thù giặc mà anh xung phong đi bộ đội để bảo vệ Tổ quốc.

Thành lập ngày 27/1/1973 (theo Quyết định của Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam), Trạm Biên phòng Lò Gò cùng với Trạm Biên phòng Xa Mát là hai đơn vị Biên phòng được thành lập đầu tiên ở miền Nam. Ngay từ những ngày đầu mới hoạt động, trong bối cảnh tình hình rất phức tạp, nhưng cán bộ, chiến sĩ Trạm Biên phòng Lò Gò (sau này đổi thành Đồn CANDVT Lò Gò và là Đồn Biên phòng Lò Gò ngày nay) đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí tự lực tự cường, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đại tá Nguyễn Phong Giang, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP là lớp cán bộ đầu tiên của Trạm Biên phòng 73 Lò Gò nhớ lại: “Lúc mới thành lập, đơn vị vô cùng khó khăn, nhà cửa lụp xụp, tạm bợ, chủ yếu làm bằng cây rừng, lợp tranh, muỗi mòng nhiều vô kể... Nhưng cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, chiến đấu kiên cường, bảo vệ an toàn địa bàn, tài sản, tính mạng của nhân dân”.

Bia tưởng niệm 13 liệt sĩ Đồn Biên phòng Lò Gò. Ảnh: Đăng Bảy

Bia tưởng niệm 13 liệt sĩ Đồn Biên phòng Lò Gò. Ảnh: Đăng Bảy

Lò Gò - công sự dưới lòng đất

Theo đồng chí Trịnh Huy Phương, Đồn trưởng Đồn CANDVT Lò Gò giai đoạn 1977-1978: Trước sự hung hãn của lính Khmer đỏ, giữa năm 1977, đơn vị đã triển khai đào hệ thống phòng thủ ngầm xung quanh đồn, kết nối với 3 điểm chốt tương ứng với 3 mũi phòng thủ trên 3 hướng. Tại mỗi điểm chốt lại có những hầm nhỏ, mỗi hầm chứa được 2 người, còn lương thực được cho vào những thùng sắt cất giấu trong những hầm riêng rải rác xung quanh đồn. Chúng tôi còn cho đào hẳn một cái giếng khoảng 7-8m2, sâu 15m để phục vụ sinh hoạt. Với hệ thống giao thông hào sâu đến 1,5m, mọi hoạt động của đồn vẫn diễn ra bình thường, các kíp gác tiến hành trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ, nhìn bên ngoài, không ai biết chúng tôi đã chuyển hoàn toàn sinh hoạt xuống... lòng đất. Hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ được ăn một bữa cơm trưa, các bữa còn lại thì ăn lương khô và các sản phẩm như cá hộp, thịt hộp... Mỗi ngày, mỗi người được một bình tông nước lấy ở giếng để sinh hoạt cho cả ngày, vừa làm nước uống, vừa vệ sinh cá nhân”.

Đồng chí Lê Hữu Sơn (sinh năm 1957, trú tại thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên), nguyên là chiến sĩ Đồn CANDVT Lò Gò nhớ lại: “Lúc đó đang chiến tranh ác liệt, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Nhưng rất nhiều bà con vẫn yêu thương bộ đội, liều mình vượt qua bom đạn để mang cơm gạo, bánh trái vào tận đồn để chia cho anh em. Như bà Nai, chị Út Nói, anh Dương, hay vợ chồng anh Ba Hùng ở Tân Biên. Chúng tôi rất xúc động trước tấm lòng của bà con và càng hứa với nhau sẽ quyết tâm hơn nữa để đánh thắng kẻ thù, bảo vệ nhân dân”.

Ngày 22/1/1978, bọn Pol Pot sử dụng một tiểu đoàn tăng cường, có trang bị hỏa lực mạnh tấn công Đồn CANDVT Lò Gò. Lúc đầu, chúng nã đạn như mưa, sau đó lùa quân áp sát đồn, nhưng chúng đã gặp phải sự phản kháng quyết liệt của ta. Do đã có phương án từ trước nên bãi mìn và hàng rào dây thép gai phía ngoài cổng đồn trở thành lá chắn giúp cho ta tiêu diệt địch. Bị tiêu hao lực lượng, địch không dám hung hăng xông lên như lúc đầu nữa. Một ngày sau thì chúng rút lui, để lại rất nhiều xác chết.

Đồng chí Phạm Ngọc Bảo, Đồn trưởng Đồn CANDVT Lò Gò giai đoạn 1978-1982 cho biết: “Trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, tuy khó khăn, gian khổ, lại phải chiến đấu trong điều kiện công sự, hầm hào ngập nước, nhưng ý chí của cán bộ, chiến sĩ ta vẫn kiên cường. Đơn vị đã chiến đấu và phối hợp chiến đấu hàng chục trận, tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu và phá hủy 443 súng các loại, 4,5 tấn đạn. Để giữ được đơn vị, giữ được sự bình yên cho nhân dân, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, 13 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ Tây Ninh”.

Ghi nhận những chiến công oai hùng đó, tháng 3/1979, Đồn CANDVT Lò Gò được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Chi đoàn Đồn CANDVT Lò Gò trở thành chi đoàn đầu tiên của tỉnh Tây Ninh được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng cờ “Tuổi trẻ Anh hùng bảo vệ Tổ quốc”. Nhiều cá nhân, tập thể của 2 đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì và hạng Ba.

Bài 8: Vững vàng Phước Tân

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-7-post460302.html