Những vật dụng trong nhà tiềm ẩn nhiều vi khuẩn

Với tốc độ lây lan và sinh sôi nhanh đến mức chóng mặt, vi khuẩn có thể hiện diện ở bất cứ đâu trong tổ ấm của bạn. Nếu không xử lý kịp thời, chúng sẽ sinh sôi và gây bệnh cho cả gia đình lúc nào chẳng hay.

Do đó, bạn hãy chú ý đến những vật dụng sau để bảo quản và làm sạch đúng cách.

Cốc uống nước

Có thể khẳng định rằng, cốc chính là vật dụng được sử dụng thường xuyên nhất trong nhà. Cốc là nơi mà bàn tay chúng ta thường hay chạm vào nên rất dễ bị nhiễm khuẩn nhanh chóng. Chưa kể mọi người trong gia đình nếu dùng chung cốc còn khiến bụi bẩn tích tụ nhiều hơn nữa. Nếu không lau rửa thường xuyên, bạn sẽ vô tình uống hàng triệu vi khuẩn vào cơ thể mà không hay biết.

Theo Jeffrey Starke – Giáo sư nhi khoa tại Đại học Y khoa Baylor ở Houston (Mỹ) chia sẻ, bạn cần phải rửa cốc sau khi sử dụng xong vì chỉ trong vòng 45 phút, các mầm bệnh từ môi trường sẽ bắt đầu tích tụ lại trên đó. Để càng lâu vi khuẩn lại càng phát triển mạnh nên không được lười rửa.

Bàn chải đánh răng

Chúng ta có thói quen để bàn chải đánh răng của cả gia đình chung một chỗ. Lúc này vi khuẩn gây bệnh sẽ truyền từ bàn chải này sang bàn chải khác nếu trong gia đình có người bị ốm.

Khăn mặt, khăn tắm

Khăn mặt hay khăn tắm đều là những đồ dùng để trong môi trường ẩm ướt. Nếu không thường xuyên làm sạch và phơi khô sẽ khiến vi khuẩn dễ tích tụ trên khăn. Thói quen này cũng khiến các loại khăn dễ bị mốc và không hề có lợi cho da khi sử dụng. Bạn nên chú ý giặt khăn thường xuyên và phơi chúng ở những nơi khô thoáng. Những chiếc khăn bị ố màu hay mốc nên được loại bỏ để tránh gây hại.

Tay cầm nắp nồi

Hầu hết mọi người thường xuyên rửa nồi nhưng bỏ qua phần tay cầm nắp nồi. Tay cầm có các rãnh nhỏ, trong đó chất cặn tích tụ lại. Điều đó có thể dẫn đến vi khuẩn sinh sôi, gây hại nếu chúng tiếp xúc với tay hoặc thức ăn của bạn.

Để làm sạch kỹ lưỡng, thi thoảng hãy tháo ốc vít để tách chúng ta, ngâm trong nước ấm có pha dấm để loại bỏ hoàn toàn mọi vi khuẩn.

Bọt biển rửa bát

Bọt biển rửa bát thường là một trong những nguồn vi khuẩn chính ở nhà, do chúng thường xuyên tiếp xúc với thức ăn và nước uống. Tốt nhất, bạn nên thay mới thay thường xuyên nhưng trong suốt thời gian sử dụng, điều quan trọng là phải rửa chúng bằng xà phòng hoặc sản phẩm khử trùng ngay sau khi bạn sử dụng xong. Bằng cách đó, lần sau khi bạn rửa bát, chúng sẽ không để lại dấu vết của bụi bẩn và vi khuẩn.

Nệm

Nệm là trữ đầy tế bào chết và bụi bẩn trên cơ thể nhưng lại hiếm khi được vệ sinh. Điều đó vô hình chung đã tạo điều kiện cho hằng hà sa số vi khuẩn phát triển và sinh bệnh cho cơ thể. Nệm càng bẩn thì nguy cơ bạn đối mặt với các bệnh da liễu lại càng tăng cao, chẳng hạn như mụn hay viêm da…

Như đã nói, vì không thể giặt nệm được nên chúng ta cần phải hút bụi thường xuyên, tốt nhất là dùng máy hút bụi để vệ sinh sạch sẽ mặt trên lẫn mặt dưới của nệm. Ngoài ra bạn hãy sử dụng ga giường để trải lên, vừa bảo vệ nệm lại còn dễ dàng vệ sinh, chỉ cần thay và giặt thường xuyên là được rồi.

Đầu vòi hoa sen

So với việc tắm bằng gáo hay xô như trước đây thì tắm vòi sen không chỉ vừa tiện lợi mà còn tạo cảm giác thư giãn. Chưa kể chúng còn giúp bạn tiết kiệm một lượng nước đáng kể.

Nghe qua thì dĩ nhiên ai cũng nghĩ nó rất sạch, nhưng sự thật lại hoàn toàn trái ngược. Vòi sen giúp chúng ta làm sạch nhưng bản thân nó lại không thể tự vệ sinh cho mình, lâu ngày sẽ khiến những cặn bã hay trầm tích lắng đọng lại dưới vòi. Khi xả ra thì lượng nước ấy đã bị vi khuẩn làm bẩn, nên ít nhiều gì cũng làm hại cho làn da của bạn.

Thế nên bạn nên tháo rời vòi hoa sen ra rửa thường xuyên, sau đó ngâm chúng dưới dung dịch rửa chén qua đêm rồi rửa lại với nước.

Công tắc đèn và tay nắm cửa

Trên bàn tay luôn ẩn chứa rất nhiều vi khuẩn, công tắc đèn hay tay nắm cửa lại là những vật dụng mà chúng ta thường xuyên chạm tới. Tuy nhiên, rất ít gia đình sử dụng xà phòng hoặc những dung dịch sát trùng để vệ sinh chúng. Vì vậy khi một thành viên bị bệnh virus có thể lưu lại trên tay nắm cửa hoặc công tắc đèn rồi lây cho cả gia đình.

Các loại điều khiển từ xa

Cơ chế lây nhiễm virus từ các loại điều khiển tương tự như tay nắm cửa và công tắc đèn. Tiến sĩ Kelly Reynold, một nhà sinh học môi trường tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Arizona, khuyên bạn nên lau điều khiển từ xa mỗi tuần một lần bằng chất khử trùng để loại bỏ vi khuẩn.

Cây lau nhà

Cũng giống như chổi, cây lau nhà là một trong những dụng cụ vệ sinh dễ bị bỏ quên nhất, có lẽ vì mọi người có xu hướng cho rằng cứ nhúng cây lau nhà vào xô nước là đã sạch.

Trên thực tế, chổi lau nhà thường xuyên tiếp xúc với độ ẩm khiến nó trở thành nơi hoàn hảo cho vi khuẩn sinh sôi. Sau đó, bạn lại dùng nó lau khắp nhà vì nghĩ rằng như vậy là đang làm sạch nhà cửa.

Một mẹo làm sạch chổi lau nhà đơn giản là giặt bằng nước và bột giặt/nước giặt sau khi sử dụng. Bạn cũng có thể thêm một ít thuốc tẩy hay bất kỳ chất tẩy rửa nào mà bạn thường dùng. Điều quan trọng nữa là phải phơi khô chổi lau nhà đúng cách.

Với hai bước đơn giản này, chổi lau nhà của bạn sẽ được vệ sinh sạch sẽ và không có mùi hôi.

Hồng Hạnh

(Tổng hợp)

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/g-d201528.html