Những vòng nguyệt quế của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đi về đâu?

Có phải chế độ đãi ngộ thấp, môi trường làm việc chưa tương xứng hay chính sách thu hút người tài, trọng dụng người tài của chúng ta chưa được xem trọng?

Những người theo dõi chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 19 ở phần “về đích” của thí sinh Trần Thế Trung, học sinh lớp 12, trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đều vỡ òa cảm xúc.

Những chia sẻ khi bước vào phần thi này cũng như những giọt nước mắt hạnh phúc, sung sướng khi biết mình giành được vòng nguyệt quế, em đã nói: “Em muốn tặng chiến thắng này cho người chị đã khuất, người đồng hành, tạo động lực cho em đến với cuộc thi” khiến ai theo dõi qua màn hình nhỏ cũng xúc động với nỗi niềm của Thế Trung.

Em đã là quán quân của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 19 rất xứng đáng. Thời gian tới đây, em sẽ lên đường sang Úc để du học, câu hỏi mà mọi người đã đặt ra lâu nay là liệu em có trở về cống hiến cho đất nước sau khi học tập hay không?

Trần Thế Trung và bố mẹ của mình sau khi giành được vòng nguyệt quế (Ảnh: Báo Vietnamnet)

Cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” đến thời điểm hiện nay đã tổ chức được 19 năm. Những thí sinh đạt giải quán quân đều là những thí sinh ưu tú, là những nhân tài của đất nước.

Các em đều là những người giỏi toàn diện ở các lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội, ngoại ngữ và có một tư duy sắc bén.

Chỉ tiếc là 18 quán quân đã rời Tổ quốc đi du học ở Úc trước đây thì phần đông các quán quân của cuộc thi này chọn cách ở lại Úc để làm việc và lập nghiệp. Chỉ mới có 2 người là trở về làm việc tại Việt Nam. Đây thực sự là nỗi tiếc nuối nhất của nhiều người đã và đang theo dõi cuộc thi này.

Vẫn biết, trong thời đại thế giới phẳng hiện nay thì việc ở lại nước ngoài hay trở về phục vụ đất nước không phải là vấn đề quá lớn.

Ở đâu cũng có thể cống hiến cho quê hương, đất nước mình nếu như người đó có tâm huyết với cội nguồn của mình. Ở lại hay trở về vẫn là người con mang dòng máu Lạc Hồng luôn đau đáu vì sự phát triển của dân tộc.

Trong số những quán quân đã ra trường thì chỉ có 2 người trở lại làm việc tại Việt Nam, đó là chị Lương Phương Thảo - cựu học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long - quán quân Olympia năm thứ 3.

Phương Thảo theo học ngành Kinh doanh quốc tế và Marketing thuộc Đại học Monash, Melbourne, Australia. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, Phương Thảo về nước năm 2016 và làm việc cho một công ty quảng cáo tại thành phố Hồ Chí Minh.

"Cậu bé Google" trở thành nhà vô địch "Đường lên đỉnh Olympia 2017'

Người thứ 2 trở về là anh Lê Viết Hà, cựu học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi- Người giành vòng nguyệt quế chung kết năm thứ 7.

Sau khi tốt nghiệp hạng xuất sắc với hai bằng cử nhân Công nghệ Robot và Khoa học Máy tính từ Đại học Swinburne, anh làm việc ở Sydney, Australia.

Hiện tại, Viết Hà trở về Việt Nam làm việc với vai trò cán bộ chịu trách nhiệm về các khoản đầu tư của một công ty lớn từ năm 2017 đến nay.

Những quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” thời gian qua chỉ có một vài người đang còn đang theo học, phần lớn thì đã ra trường, họ đã ổn định công việc và xây dựng gia đình tại Úc.

Phải chăng là chế độ đãi ngộ hay môi trường làm việc tại Việt Nam chưa thực sự lôi cuốn người tài như họ trở về?

Vì sao phần lớn các quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” lại không trở về?

Nhớ lại những năm nước nhà mới độc lập, sau khi Hội nghị Fontainebleau thất bại thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với chính quyền Pháp bản Tạm ước ngày 14-9-1946 nhằm kéo dài hòa bình.

Lúc Người từ Pháp trở về nước ta, một số trí thức Việt Nam lúc bấy giờ đã thành danh ở Pháp bày tỏ nguyện vọng được theo về cùng Bác để tham gia kháng chiến. Những trí thức tên tuổi như: Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân, Võ Đình Quỳnh, Đỗ Đức Thiện, Võ Đình Quỳnh…

Sau này, một số trí thức có tên tuổi khác cũng đã về nước tham gia kháng chiến như Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo…và họ đã góp sức mình vào công cuộc kháng chiến và kiến quốc lúc bấy giờ.

Điều mà chúng ta thấy được là điều kiện đất nước lúc ấy vô cùng khó khăn, gian khổ. Trong khi những trí thức trở về nước lúc ấy đang có công việc và thu nhập ổn định tại Pháp nhưng họ đã từ bỏ cuộc sống đủ đầy để về cùng đồng bào tham gia kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về “tìm người tài đức”

Nhưng, điều cơ bản mà chúng ta thấy được những người trở về lúc đó đều trở thành những nhà khoa học lớn như Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Khắc Viện, Trần Đức Thảo…

Bây giờ, đất nước hòa bình, điều kiện kinh tế của nước ta tốt hơn trước đây rất nhiều nhưng tại sao nhiều trí thức có tên tuổi hoặc những quán quân cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" lại không muốn trở về đất nước làm việc?

Có phải chế độ đãi ngộ thấp, môi trường làm việc chưa tương xứng hay chính sách thu hút người tài, trọng dụng người tài của chúng ta hiện nay chưa thực sự được xem trọng?

Có lẽ có rất nhiều nguyên nhân mà thời gian qua chúng ta đã thấy nên nhiều người chưa thực sự muốn trở về để trực tiếp đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Quán quân Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 19 Trần Thế Trung hứa sẽ trở về

Trần Thế Trung- cái tên đã và đang được nói đến rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày này sau khi em đạt được vòng nguyệt quế của cuộc thi. Điều mà mọi người đều rất ngưỡng vọng là em đã nói chắc nịch:

"Em sẽ du học theo suất học bổng của chương trình, ngành Công nghệ thông tin hoặc Truyền thông. Và một điều chắc chắn mà em mong mọi người hãy tin tưởng là em nhất định trở về sống và làm việc tại Việt Nam".

Và, chúng ta hy vọng em sẽ trở về đóng góp cho đất nước sau khi du học tại Úc trong những năm tới đây.

Chúng ta hy vọng môi trường làm việc, chính sách thực sự coi trọng người tài sẽ được chú trọng để những người như Lê Phương Thảo, Lê Viết Hà, Trần Thế Trung và bao nhiêu những tài năng đất nước sẽ trở về phục vụ, cống hiến tài năng, tâm huyết của mình cho đất nước.

Bởi, họ thực sự là những người tài- những người đã được kiểm chứng qua kết quả học tập, qua các cuộc thi và họ được nhiều người ngưỡng vọng.

NGUYỄN VĂN KHÁNH

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/nhung-vong-nguyet-que-cua-cuoc-thi-duong-len-dinh-olympia-di-ve-dau-post202464.gd