Những vụ hạ cánh khẩn cấp nổi tiếng trong lịch sử hàng không

Hư hỏng bất ngờ, lỗi của cá nhân, sét đánh, và cả trường hợp bị tên lửa bắn… - Nguyên nhân của những vụ hạ cánh khẩn cấp của máy bay trên thực tế có rất nhiều.

Đôi khi trong những tình cảnh gần như không có cơ hội, các phi công đã làm được những điều phi thường được coi là không thể, giúp cứu được sinh mạng của bản thân mình cũng như các hành khách. Thử điểm qua một số vụ hạ cánh khẩn cấp an toàn nổi tiếng trong lịch sử hàng không…

Hạ cánh xuống Thái Bình Dương

Việc hạ cánh khẩn cấp thời trước khi có máy bay trang bị động cơ phản lực nói chung là đơn giản hơn. Máy bay khi đó có thể hạ cánh với tốc độ tương đối thấp, phi công cũng quen với các đường băng có cỏ, hình dạng của cánh cho phép thời gian xử lý dài và dễ dàng hơn. Tuy nhiên để làm được điều này, tất nhiên phía dưới máy bay khi đó phải là mặt đất.

Thời điểm chiếc Boeing 377 Stratocruiser hạ cánh xuống Thái Bình Dương.

Thời điểm chiếc Boeing 377 Stratocruiser hạ cánh xuống Thái Bình Dương.

Còn đối với chiếc máy bay Boeing 377 Stratocruiser của Hãng hàng không Pan American World Airways theo lộ trình từ thành phố Honolulu (Hawaii) tới San-Francisco vào đêm 16-10-1956, phần lớn thời gian của chuyến bay là ở phía trên Thái Bình Dương.

Phi hành đoàn gồm những phi công có kinh nghiệm: cơ trưởng Richard Ogg (13.100 giờ bay), phi công thứ hai George Haaker (7.500 giờ bay), hoa tiêu Richard Brown (1.300 giờ bay) và kỹ sư hàng không Frank Garcia (1.700 giờ bay). Sau khi đạt độ cao cần thiết 6,4 km, khi phi công giảm tốc độ động cơ, bất ngờ một động cơ máy bay gặp trục trặc lại tăng tốc.

Tất cả nỗ lực sau đó của phi hành đoàn - đóng van tiết lưu, giảm độ cấp nhiên liệu và dầu nhờn - chỉ khiến cho động cơ bị ngắt, trong khi cánh quạt vẫn xoay theo chế độ tự động. Lực cản phía trước và mức tiêu thụ nhiên liệu tăng rất nhanh. Điều này dẫn tới vận tốc máy bay đã giảm từ 348 xuống còn 280 km/giờ, khiến máy bay dần đánh mất độ cao. Phi hành đoàn đi đến quyết định phải hạ cánh khẩn cấp xuống mặt nước.

May mắn là thời điểm đó trên lộ trình của chiếc máy bay đang có hai con tàu November và Ponchartrain đang đi lại trên biển. Các thủy thủ trên tàu đã dùng lửa và pháo sáng để soi rõ mặt biển. Tuy nhiên, phi hành đoàn đã quyết định không vội vàng hạ cánh do máy bay vẫn có thể điều khiển được. Chiếc Boeing bay lượn phía trên các con tàu nhằm tiêu hao bớt nhiên liệu và chờ trời sáng.

Hành khách trong lúc đó vẫn được phép đi lại tự do trên máy bay, thậm chí cả hút thuốc để giảm bớt căng thẳng. Mọi công việc chuẩn bị cho hạ cánh được tiến hành lúc gần 6 giờ sáng. Hành khách được yêu cầu bỏ giày, kính và những đồ vật sắc nhọn trong túi, mặc áo phao cứu hộ, hướng dẫn cách mở bè cứu hộ.

Đến 6 giờ 13 phút, máy bay đã sẵn sàng hạ cánh - thả cánh tà, ngừng động cơ, phi hành đoàn đã ngồi hết vào vị trí. Hai phút sau, máy bay đáp xuống mặt nước khá êm.

Tuy nhiên, do cánh trái sau đó chúi xuống mặt nước, khiến máy bay bị xoay gần như 180 độ, làm phần đuôi bị tách rời. Dù có vài hành khách bị ngã xuống sàn, nhưng rất may không có thiệt hại nào về nhân mạng, chỉ có 5 người bị chấn thương nhẹ. Phi hành đoàn ngay lập tức bắt tay vào các công tác cứu hộ.

Đến 6 giờ 32 phút, tất cả 24 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn đã có mặt trên những chiếc xuồng cứu hộ. Còn chiếc máy bay chìm nghỉm chỉ 3 phút sau. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành hàng không, việc hạ cánh xuống nước của máy bay đã không gây ra tổn thất nhân mạng nào.

Cứu sống Đại giáo chủ tương lai

Trong lịch sử ngành hàng không dân dụng, có 7 trường hợp máy bay hạ cánh xuống nước mà không gây thiệt hại về nhân mạng. Một trong số này xảy ra vào năm 1963 tại Liên Xô.

Sáng ngày 21-8, chiếc máy bay TU-124 của hãng Aeroflot cất cánh từ sân bay Yulemist (Tallinn - Estonia) nhằm hướng tới sân bay Vnukovo (Moscow). Trên máy bay có tổng cộng 45 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn do Đại úy Mostovy làm cơ trưởng. Chiếc máy bay này mới được đưa vào sử dụng chưa đầy một năm.

Nhiều vấn đề đã nảy sinh ngay từ đầu chuyến bay, khi phần càng trước bị kẹt ngay lúc cất cánh. Quay trở lại Yulemist lúc đó là không thể, do sân bay đang bị mây mù dày đặc. Các điều phối viên hướng dẫn chiếc TU-124 tới sân bay Pulkovo (Leningrad), là sân bay gần nhất có chiều dài đường băng đủ cho loại máy bay này có thể hạ cánh.

Do có khả năng chiếc máy bay sẽ phải đáp bằng phần bụng, phi hành đoàn được chỉ thị phải tiêu thụ gần hết nhiên liệu để tránh nguy cơ gây cháy nổ. Nhưng để nhanh chóng đốt hết nhiên liệu và tránh tình trạng giảm áp, chiếc máy bay hướng về Leningrad ở độ cao có nửa cây số.

Chiếc TU-124 của hãng Aeroflot hạ cánh an toàn xuống sông Neva.

Chiếc TU-124 của hãng Aeroflot hạ cánh an toàn xuống sông Neva.

Tuy nhiên khi còn cách sân bay chừng 20km, một động cơ bất ngờ dừng hoạt động do hết nhiên liệu. Một lúc sau lại đến lượt động cơ thứ hai cũng tắt. Chiếc máy bay lúc này đã đi vào khu vực thành phố, phía dưới chừng 500 mét là rất nhiều khu nhà ở, trong khi độ cao lại giảm nhanh từng phút.

Đại úy Mostovy đã đưa ra một quyết định sáng suốt, khi trao cần lái cho phi công thứ hai Chechenev, một cựu phi công của hải quân được huấn luyện nhiều kỹ năng hạ cánh xuống nước. Chiếc TU-124 cuối cùng đã hạ cánh an toàn xuống sông Neva, đoạn giữa một chiếc cầu và tuyến đường sắt. Rất may là chiều dài và chiều rộng của đoạn sông vừa đủ cho chiếc máy bay hạ cánh.

Một sự trùng hợp may mắn nữa là có một chiếc tàu kéo đang đậu gần đó. Thuyền trưởng tàu rất nhanh trí tìm cách đẩy chiếc máy bay áp sát bờ bên phải của sông trước khi nó kịp chìm. Nhờ đó, tất cả mọi người trên máy bay đã đều kịp thoát lên bờ. Đáng chú ý trong số hành khách của chuyến bay trên, có vị Tổng giám mục Tallinski, người về sau trở thành Đại giáo chủ của giáo hội Nga.

Tàu lượn tại Gimli

Vụ hạ cánh khẩn cấp của chiếc Boeing 767 thuộc Hãng hàng không Air Canada theo lộ trình Montreal-Ottawa-Edmonton vào ngày 23-7-1983 được coi là sự kết hợp kỳ diệu của tình huống độc nhất vô nhị, sở thích, tài nghệ và cả sự may mắn.

Cầm lái chiếc máy bay này là Robert Pearson, một phi công kinh nghiệm 48 tuổi với hơn 15 ngàn giờ bay, đồng thời cũng là người ưa thích lái tàu lượn. Phi công thứ hai là Maurice Quintal với hơn 7 ngàn giờ bay.

Chuyến bay trên đáng chú ý diễn ra vào đúng thời điểm Canada chuyển từ Hệ đo lường Anh sang hệ mét. Chiếc Boeing 767 là một trong những máy bay đầu tiên trong lịch sử Air Canada có các thiết bị đo lường theo hệ mét (thay vì đo bằng funt và gallon như trước, nhiên liệu lại được đo bằng kilogram và lít). Điều này rất dễ dẫn tới những sai lầm, và chính điều này đã xảy ra với chuyến bay của chiếc Boeing 767 nói trên.

Chính vì sai sót trên mà bộ phận phục vụ đã bơm có 4,900 thay vì 20.100 lít xăng cho chiếc máy bay. Khi bay mới được ¼ lộ trình đã định, phi công đã nhận được cảnh báo áp suất thấp tại hệ thống nhiên liệu của động cơ trái. Ban đầu họ cho rằng đây chỉ là lỗi của hệ thống bơm nhiên liệu nên tìm cách khởi động lại.

Tuy nhiên chỉ vài phút sau lại xuất hiện cảnh báo tương tự ở động cơ bên phải. Tổ bay đã quyết định phải khẩn cấp chuyển hướng tới sân bay gần nhất Winnipeg.

Nhưng tình hình nhanh chóng xấu đi từng phút, đầu tiên là động cơ bên trái ngừng hoạt động. Ngay khi phi công chuẩn bị hạ cánh bằng một động cơ, thì đến lượt động cơ bên phải cũng ngừng nốt. Đây là tình huống chưa từng nghĩ tới trong các hướng dẫn xử lý của Air Canada.

Nói tóm lại, các phi công phải hạ cánh mà không hề có hệ thống thủy lực và tất cả các thiết bị cơ bản khác.

Đến lúc này, kinh nghiệm của một người chơi tàu lượn như Pearson bắt đầu được phát huy. Anh cho hạ vận tốc xuống 407 km/giờ, giảm độ cao xuống từ từ. Còn phi công thứ hai phải tính toán liệu độ cao như trên có đủ cho họ lướt được tới Winnipeg hay không.

Khi hiểu rằng không thể tới được sân bay, Quintal phát hiện ra căn cứ bí mật cũ của không quân có tên Gimli nằm gần đó. Điều trùng hợp may mắn là đúng vào thời điểm đó, tại khu vực đường băng đang diễn ra một cuộc đua ôtô nên đã được thắp nến sáng rõ.

Theo đề xuất của tổ bay, đường băng cũ nhanh chóng được giải phóng hết người và xe. Cũng vì không đủ áp lực của hệ thống thủy lực nên phần càng trước không mở, khiến chiếc máy bay phải trượt trên đường băng bằng mũi và một bên động cơ.

May mắn là phi vụ hạ cánh khẩn cấp đã diễn ra an toàn, khi máy bay dừng cách điểm cuối của đường băng có 30 mét. Trong tổng số 69 người trên máy bay (gồm 61 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn), chỉ có 10 người bị chấn thương nhẹ trong quá trình di tản.

Kỷ lục lượn trên Đại Tây Dương

Trong suốt nhiều năm sau đó, vụ hạ cánh khẩn cấp tại căn cứ Gimli vẫn là trường hợp lượn không động cơ của máy bay thương mại có khoảng cách xa nhất. Kỷ lục này đã bị phá vỡ vào ngày 24-8-2001 cũng bởi một chiếc Aibus A300 hết nhiên liệu của Hãng hàng không Air Transat (Canada).

Khởi hành theo lộ trình từ Toronto tới Lisbon, nhưng cả hai động cơ của máy bay đều ngừng hoạt động sau khi bay được 5 giờ 34 phút. Chiếc Airbus với 293 hành khách và 13 thành viên phi hành đoàn khi đó đang ở phía trên Đại Tây Dương.

Nguyên nhân hết nhiên liệu lần này không phải do đổ nhầm, mà là do bị rò rỉ nhiên liệu, hậu quả của sai sót kỹ thuật sau khi thay thế động cơ mới. May mắn là tổ bay lần này - Robert Piche (16.800 giờ bay) và phi công thứ hai Dirk de Jager (4.900 giờ bay) đã nhận ra máy bay có vấn đề từ khá lâu trước khi các động cơ hoàn toàn ngừng hoạt động. Họ phát cảnh báo và cho máy bay hướng về quần đảo Acores, nơi tọa lạc căn cứ không quân Lajes có đường băng đủ độ dài cho máy bay thân rộng có thể hạ cánh.

Sau khi thùng nhiên liệu thứ nhất bị cạn, đến lượt thùng thứ hai cũng hết sạch khi máy bay còn cách căn cứ không quân tới 120 km. Chiếc Airbus khi đó đang ở độ cao 10,6 ngàn mét với vận tốc 600m/phút. Các phi công chỉ có từ 15-20 phút để có thể tới được căn cứ.

Dù đã tìm cách lượn vòng để giảm tốc, nhưng khi hạ cánh, chiếc A300 vẫn còn tốc độ tới 370km/giờ, tức là cao hơn 60km/giờ so với qui định. Cộng với việc hệ thống thủy lực bị hỏng, chiếc máy bay hạ cánh xuống đường băng với độ ma sát khá lớn, khiến 8/10 chiếc lốp đều bị nổ.

May mắn là máy bay cuối cùng đã hạ cánh an toàn xuống đường băng. Tổng cộng 306 người trên máy bay đều an toàn, chỉ có 16 hành khách và hai tiếp viên bị thương nhẹ khi di tản gấp khỏi máy bay.

Những anh hùng của nước Nga

Tại thành phố Izhma (Cộng hòa Komi - Nga) từ thời Liên Xô có một sân bay dành cho các máy bay nhỏ với đường băng ngắn chỉ hơn 1.300 mét. Sân bay bị đóng cửa vào năm 2003 để cải biến thành một bãi đỗ trực thăng.

Giám đốc Sergey Sotnikov quản lý khu vực này vẫn chăm sóc, dọn dẹp đều khu vực đường băng dù trên thực tế không còn cần thiết. Chính điều này đã tạo điều kiện cho một vụ hạ cánh khẩn cấp thành công xuất sắc về sau này.

Ngày 7-9-2010, chiếc TU-154M của Hãng hàng không Alrosa thực hiện chuyến bay từ Poliarny tới Moscow với 72 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn. Khi đang ở độ cao 10,6 ngàn mét trên khu vực Usinski, máy bay gặp sự cố mất nguồn điện, khiến các thiết bị dẫn đường và thông tin liên lạc không thể hoạt động. Nhưng đáng sợ nhất là các bơm nhiên liệu cũng ngừng hoạt động.

Máy bay chỉ còn lượng nhiên liệu để bay khoảng nửa giờ. Các phi công đã hạ thấp độ cao xuống 3000 mét để tìm cách khắc phục nhưng không thành công. Họ chỉ có thể cố gắng tìm kiếm một con sông đủ rộng hay một cánh đồng để có thể hạ cánh bằng bụng. Việc hạ cánh trong điều kiện các thùng nhiên liệu vẫn còn nhiều là một rủi ro lớn, nhưng đó lại là cơ hội sống sót duy nhất.

May mắn là phi đội bay - Evgeny Novoselov (8.500 giờ bay) và Andrey Lamanov (10.500 giờ bay) - đã bất ngờ nhìn thấy phía dưới có đường băng của Sergey Sotnikov. Đội ngũ tiếp viên lúc này cũng rất bình tĩnh: họ chuyển một số hành khách lên khoang trước để tránh nguy cơ chen chúc khi ra cửa thoát hiểm. Cũng vì mất điện nên các cánh tà đều không thể hoạt động, khiến cho vận tốc lúc hạ cánh vượt mức qui định gần 100 km/giờ.

Sau hai nỗ lực hạ cánh đầu tiên - khi áp sát đường băng lại phải vọt lên do tốc độ quá cao và đường băng lại quá ngắn - chiếc TU-154M đã đáp thành công xuống mặt đất ở lần thứ ba. Dù trượt ra khỏi đường băng tới 164 mét, nhưng chiếc máy bay không bị cháy và hư hỏng đáng kể.

Tất cả hành khách, kể cả một phụ nữ đang mang thai, đều sống sót và lành lặn. Chính vì chiến công này, hai phi công trong tổ bay được tặng danh hiệu Anh hùng nước Nga, còn giám đốc Sotnikov được nhận huy chương "Vì công lao phục vụ Tổ quốc" hạng hai.

Đinh Linh (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/nhung-vu-ha-canh-khan-cap-noi-tieng-trong-lich-su-hang-khong-566450/