Niềm vui từ 'nghề tay trái'
Có công việc và thu nhập ổn định nhưng nhiều người vẫn chọn thêm cho mình một 'nghề tay trái' để tăng thu nhập và thỏa mãn đam mê, tìm thêm niềm vui trong cuộc sống.
Sau giờ làm việc tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông huyện Bảo Yên với công việc phát thanh viên và phóng viên, chị Trướng Thị Quyên, 31 tuổi còn là gương mặt dẫn chương trình (MC) quen thuộc trên nhiều sân khấu trong huyện. Năm 2018, một lần chị được người quen mời làm MC lễ cưới. Lần đầu đứng trên sân khấu nhưng chị đã khiến cả hội trường cuốn theo những câu chuyện, lời hát, lời dẫn dí dỏm, thông minh, gần gũi với cuộc sống. Chị Quyên nhớ lại, lần đó được thù lao 500.000 đồng và đây cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất “sự nghiệp MC” của chị
Theo chị Quyên, nghề MC cũng có những khó khăn nhất định, bởi mỗi chương trình có một format riêng và yêu cầu từ ban tổ chức. Người dẫn chương trình phải tự tìm tòi, sáng tạo trong lối dẫn, mỗi loại hình chương trình, sự kiện lại có cách dẫn riêng nếu không sẽ gây nhàm chán cho khán giả. Đôi khi có những sự cố đòi hỏi MC phải bình tĩnh và khéo léo xử lý tình huống, nếu không sẽ hỏng cả chương trình. Đặc biệt, còn có công việc chính nên mỗi khi nhận chương trình, sự kiện, chị phải phân bố thời gian hợp lý để hoàn thành tốt cả hai công việc.
Ngoài công việc MC, chị Quyên còn mở lớp dạy kỹ năng mềm cho trẻ trên địa bàn. Chị Quyên cho biết: So với các thành phố lớn, nhiều trẻ ở vùng quê còn rụt rè, thiếu cơ hội thể hiện năng khiếu bản thân. Với kinh nghiệm và đam mê dẫn chương trình, tôi muốn chia sẻ, hỗ trợ các em nhỏ rèn luyện kỹ năng giao tiếp để có thể tự tin giới thiệu, trò chuyện, thuyết trình ở nơi đông người.
Số lượng học viên lớp kỹ năng mềm ngày càng tăng giúp chị Quyên có thêm thu nhập, đồng thời mở rộng các mối quan hệ xã hội và bổ trợ rất nhiều cho công việc chính của chị. “Trong lúc chia sẻ, trò chuyện với các em, tôi cũng học hỏi và có thêm những ý tưởng để làm các chương trình liên quan đến thiếu nhi. Đồng thời, việc mở rộng các mối quan hệ giúp tôi thuận lợi hơn trong nghề báo”, chị Quyên cho hay.
Tương tự chị Quyên, tranh thủ thời gian nhàn rỗi sau ngày dài lên lớp, chị Nguyễn Thị Thu Thanh, giảng viên môn Tiếng Trung tại Trường Cao đẳng Lào Cai chọn kinh doanh dược phẩm làm nghề tay trái. Chia sẻ cơ duyên đến với nghề, chị Thanh tâm sự, bản thân từ khi còn nhỏ đã được bà ngoại cho tiếp xúc với nhiều loại thảo dược và hướng dẫn cách sử dụng chúng. 4 năm trước, khi tìm hiểu các sản phẩm thảo dược hỗ trợ điều trị bệnh sỏi thận của bố mình, chị biết đến các sản phẩm thảo dược của một tập đoàn chăm sóc sức khỏe ở Liên bang Nga. Dùng thấy hiệu quả tốt, chị nảy sinh ý tưởng kinh doanh nhằm giới thiệu những sản phẩm đến với mọi người.
Tháng 6/2022, chị Thanh bắt đầu thử sức kinh doanh sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Nói về những khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp, chị trải lòng: Lúc đầu, lượng khách hàng rất hạn chế. Hàng nhập về nếu không bán kịp sẽ tồn kho, bảo quản khó vì các sản phẩm được làm hoàn toàn từ thảo dược tự nhiên, trong khi vốn bỏ ra không nhỏ.
Không chùn bước, chị đã tìm, học hỏi thêm kinh nghiệm bán hàng từ các đối tác khác của tập đoàn. Ngoài ra, chị chăm chỉ đăng tải hình ảnh, video, xây dựng kênh bán hàng trên các trang mạng xã hội và tích cực tương tác với khách hàng. Sau một thời gian ngắn, khách hàng biết đến sản phẩm của chị nhiều hơn, không chỉ trong thành phố mà còn vươn ra thị trường khác tỉnh.
Theo chị Thanh, kinh doanh dược phẩm không khó nhưng đòi hỏi đam mê, kiên trì và có tâm với nghề. Từ những sản phẩm đơn giản như trà thảo mộc, người bán cũng cần phải tìm hiểu kỹ thành phần, công dụng, các phản ứng sau khi dùng để tư vấn cho khách hàng. Khi khách muốn mua bất cứ sản phẩm nào, chị đều nhiệt tình tư vấn, hỏi kỹ càng xem khách có tiền sử dị ứng, hiện trạng sức khỏe, nhu cầu sử dụng… để chọn loại sản phẩm phù hợp.
Suốt hơn một năm kiên trì khởi nghiệp, các sản phẩm dược phẩm được bày bán trong cửa hàng của chị Thanh đã tạo dựng được niềm tin trong người tiêu dùng.
Hiện nay, “nghề tay trái” đang ngày càng phổ biến, tuy chỉ là công việc phụ, nhưng nó không chỉ mang lại lợi ích về mặt vật chất mà còn giúp nhiều người tìm được niềm vui trong công việc và cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, mỗi người cần xác định rõ mục đích, chọn nghề phù hợp và có sự sắp xếp thời gian hợp lý để việc kinh doanh “nghề tay trái” thật sự hiệu quả và không ảnh hưởng đến công việc chính của bản thân.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/niem-vui-tu-nghe-tay-trai-post376788.html