Niêu cá kho thương nhớ

Chúng tôi nhận mặt tuổi thơ bằng bao kỷ niệm chưa bao giờ phai. Và tôi nhớ, nhớ đến cay mắt nồi cá kho của bà ngoại mà mỗi dịp Tết đến, dù mâm cao cỗ đầy nhường nào, bà vẫn không thôi thắc thỏm cời rơm, ủ trấu kho cá.

Trong cuộc họp đồng hương nơi phố thị, ai đó chợt nhắc: “Lâu lắm làng mình chẳng tát ao dịp Tết”. Nhân thể, thêm đôi tiếng phân vân: “Nhớ những cái ao ngày xưa, tưởng như đã bắt hết sạch cá, mà sang năm lại ắp đầy. Ao chuôm bây giờ, nếu không thả cá sẽ chẳng thấy tăm hơi con nào, lạ thật”…

Và câu chuyện cứ đầy lên, lan tỏa như những vòng sóng nước. Chúng tôi nhận mặt tuổi thơ bằng bao kỷ niệm chưa bao giờ phai nhạt. Và tôi nhớ, nhớ đến cay mắt nồi cá kho của bà ngoại mà mỗi dịp Tết đến, dù mâm cao cỗ đầy nhường nào, bà vẫn không thôi thắc thỏm trông nom, cời rơm, ủ trấu…

Gần Tết, cảnh nhà chộn rộn. Mẹ tôi lụi cụi dưới bếp lấy ra bột nếp, mật mía chuẩn bị nồi bánh trôi cúng lễ. Vừa nhào bột, mẹ vừa nhắc đám trẻ xuống góc vườn đào đôi nhánh gừng nhỏ, để món bánh dân dã dậy hương.

Bố tôi thường ra bờ sông, bắc loa tay gọi bạn. Đồng đội từ thời nhập ngũ với ông đang ngồi trên chiếc thuyền nan gõ mái chèo đuổi cá vào lưới. Chiếc thuyền chậm rãi từ khoảng xa xa trôi dần về bờ. Ông gọi đồng đội lên uống chung ấm trà ngon dành dụm mãi dịp Tết mới mang ra uống. Lúc lên bờ, thể nào bác ấy cũng gom trong khoang thuyền những con cá đang quẫy nước bỏ vào rổ, đi thẳng vào bếp nhà tôi. Chúng tôi xúm quanh ngắm nghía, bàn luận sôi nổi.

Trời hiu hiu gió bấc, mặt sông nhiều nhất loại cá thân tròn như chiếc đũa, dài chừng một gang tay, nâu đỏ màu rễ cau. Chỉ cần bà tôi ngó vào, sẽ biết ngay nên nấu món gì. “Cả năm ông cho lũ trẻ cá rồi, giờ vẫn còn bày vẽ”, bố tôi nhấp ngụm trà rồi nhắc khẽ. “Thì cứ quen, mà làng cũng sắp tát ao rồi nhỉ, ông nói tôi mới nhớ…”, đồng đội của bố tôi cất giọng trầm ấm, ôn tồn.

Tát ao dịp Tết là câu chuyện đặc biệt tới mức không cần lời mời gọi nào, lũ trẻ trong xóm làng sẽ xúm xít, túm tụm xem suốt ngày suốt buổi. Bắt đầu từ ao làng. Thanh niên trai tráng mang gàu sòng, xô chậu đi từ sáng sớm, tới non trưa nước đã vơi, người trong làng gác lại việc nhà cùng ra phụ giúp. Trẻ con ngồi trên bờ, không thôi chỉ trỏ: Chỗ này cá to, chỗ kia có tổ nhà cá chuối, chắc chắn ao làng còn có chép vàng…

Ngày tát ao nhà, thể nào mẹ tôi cũng đồ một chõ xôi, nấu ấm chè xanh. Gạo nếp dành dụm suốt năm chờ Tết đến gói bánh chưng, đồ xôi. Và ngày tát ao là thời điểm đầu tiên cần đến thứ gạo nếp quý báu được trồng trọt, sàng sảy chu toàn.

Chè xanh bà ngoại hái trên đồi, vừa hái vừa dạy cháu phải chọn lá già cong, hơi ngả sắc vàng, khi nấu nước mới đượm hương và ngọt hậu. Bà dặn dò xong, ngoảnh lại, đã thấy cháu theo lũ trẻ chạy từ sườn đồi xuống tít bờ ao xem người lớn đã rậm rịch tát nước hay chưa.

Bà dặn, cá muốn ngon, ăn được cả Tết thì phải kho hai lửa, xong xuôi vùi trấu cho rút cạn nước...

Bà dặn, cá muốn ngon, ăn được cả Tết thì phải kho hai lửa, xong xuôi vùi trấu cho rút cạn nước...

Chuyện làng chuyện nước, chuyện buôn tàu bán bè, buông thúng bán mẹt… xôn xao trong tiếng nước xối xả từ gàu sòng đổ ra kênh mương, trong hơi bùn hoai nồng, ngai ngái… Thuở ấy, quê còn nghèo khó, nếu không tát ao, sao mà có Tết. Những con cá to nhất, khỏe nhất sẽ được nuôi tiếp trong chum nước, chờ tới hăm ba cúng ông Công ông Táo mới được mang ra chế biến trên mâm cỗ, và tiếp tục cho những ngày sau. Chủ yếu vẫn là cá kho, cá rán…

Tôi thường thích ngắm nghía những con cá chép rán, khúc trắm đen kho trên mâm cỗ hơn là ăn. Nếu để ăn, lại cứ nhớ hương vị tép kho lá gừng lá nghệ, cá diếc kho lá phèn đen… Đó là những mớ cá, mớ tép mà cả đám trẻ con nháo nhào lao xuống ao cạn để “hôi” sau khi người lớn xong công việc.

Từng mớ cá được bà ngoại tôi đãi sạch, xóc muối và đun liu riu cho đến cạn nước. Mùi gia vị, mùi những thứ lá thơm lá chát trong vườn quyện vào nhau, làm nên món đưa cơm. Chỉ loanh quanh bờ ao nhỏ một lúc là kiếm đủ lá cho món kho rồi. Gừng, nghệ bao giờ cũng được trồng ở tít bờ ao mạn cuối vườn, đang đơm bông rực rỡ. Lá phèn đen dịp này khó tuốt, bởi đã điểm xuyết những quả già chín rục, phải vin cành nào trên cao, lá còn bánh tẻ, hứng chiếc rổ mây vào mà tuốt.

Cũng có khi, sợ cháu sẩy chân, bà ngoại bảo tôi lên đồi kiếm lá găng lót đáy nồi. Chỉ chờ có thế, chúng tôi chui cả vào bụi găng đầy gai hái quả già, rồi lại xuống cầu ao bóp từng quả, bọt găng nổi lên trắng xóa như xà phòng giặt giũ, cứ thể thổi tung cho bay khắp không gian trong leo lẻo, xao động những vầng mây xam xám in bóng nước.

Nồi gang, niêu đất bày ra. Dao thớt, chày cối góc này, góc kia xôn xao lắm nỗi. Bà tuy tuổi đã cao, vẫn thoăn thoắt làm cá, ướp cá vào mắm muối, gia vị, nước hàng nhà tự nấu. Bà dặn, cá muốn ngon, ăn được cả Tết thì phải kho hai lửa, xong xuôi vùi trấu cho rút cạn nước. Làm sao để qua đêm, sáng hôm sau mở nắp vung ra những khúc cá phải khô cong, sánh bóng sắc nâu vàng và hòa quyện tất cả hương vị. Khó tả lắm và khó cưỡng lắm.

Một nồi cá ngon, ăn từ hăm mấy Tết tới mồng Bốn “đưa chân ông bà” vẫn cứ mê. “Không tin, hôm tới đi chúc Tết họ hàng, làng mạc, về thấy giò chả bày ra có khi lại khủng khỉnh, sẽ lục niêu cá kho, thêm mấy củ dưa hành là ấm dạ”, bà ngoại tôi mủm mỉm vừa nhai trầu, vừa trò chuyện.

Mâm cơm ngày Tết đủ đầy phải có món cá kho

Mâm cơm ngày Tết đủ đầy phải có món cá kho

Khói bếp bay lên quyện mùi thơm của riềng của nghệ, của lá găng, lá phèn đen... Cảnh Tết xưa là thế. Dầu còn thiếu thốn, đói nghèo, khói thơm và lửa ấm trong từng gian bếp nhỏ vẫn thoảng dư vị ấm nồng, an ủi, chở che. Bây giờ, bà ngoại tôi, vẫn sống cùng bố mẹ trong căn nhà xưa, nhưng đã lâu không ra vườn nhổ cỏ, càng không dám bước xuống cầu ao.

Không còn đứa cháu nào sống kề bên để bà nhờ trông bếp lửa đang bập bùng nồi cá kho, hoặc quở trách vì những trò nghịch dại. Bà đã quên đi nhiều câu chuyện, chỉ riêng niêu cá kho là vẫn cặm cụi, cần mẫn canh lửa, ủ trấu… đợi đàn cháu ở xa về. Bà còn nhớ được đứa nọ thích ăn buồng trứng cá, đứa kia thích ăn dưa chua đã khô quắt trong nồi… Riêng tôi, bà luôn phần lại những con cá bé, thân cong cớn như dấu hỏi và bám đầy lá phèn đen.

Khi chúng tôi háo hức với món ăn thôn dã thì ánh mắt bà dõi phía bờ đê gió lộng. Bác tôi lấy chồng bên kia sông, chỉ cách một chuyến đò, mà xa tít tắp. Ngày còn bé, tôi được bà chỉ cho chiếc nhà ngói nâu bé tin hin cũng nép dưới bờ đê. Tôi khôn nguôi tưởng tượng, bác sống thế nào, các chị có đang chạy chơi như tôi, đường đê bên ấy có nhiều lỗ dế, châu chấu voi và đàn bươm bướm trắng rập rờn bay nương theo gió.

Mâm cơm ngày Tết chưa bao giờ thiếu món cá kho của bà. Và trong miền thương nhớ đầy dâng khắc khoải, chưa bao giờ thiếu hình bóng của bác tôi.

Bà không sinh ra bác. Bác là con người vợ đầu của ông tôi đã qua đời khi còn rất trẻ. Người trong làng kể rằng, bà tôi dành cho bác một tình yêu thương đặc biệt. Tôi luôn nhớ những lời ân cần giục giã của bà khi Tết đã qua, bác sang chợ bên này bán rau và ghé thăm bà: “U vẫn phần con một niêu cá còn nguyên”.

Lữ Mai

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/an-gi/nieu-ca-kho-thuong-nho-c12a45536.html