Ninh Bình tập trung xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) vào lĩnh vực quản lý đất đai của tỉnh Ninh Bình đã đạt được một số thành tựu nhất định như đáp ứng được cơ bản về việc thực hiện các giao dịch đất đai, quản lý bản đồ số, quản lý được chủ sở hữu và in cấp giấy chứng nhận, cung cấp báo cáo sổ địa chính, báo cáo giao dịch...
Trong bối cảnh số hóa đang ngày càng mạnh mẽ, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Ninh Bình đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính theo hướng hiện đại hóa với độ chính xác cao nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, làm cơ sở quan trọng để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.
Thực tế cho thấy, việc phát triển, vận hành CSDL đất đai đồng bộ, hiện đại, tập trung, và kết nối liên thông tại tỉnh Ninh Bình đã góp phần giảm thiểu tình trạng lãng phí tài nguyên đất, giải quyết hiệu quả tranh chấp đất đai; nâng cao năng lực quản lý nhà nước cũng như tính minh bạch trong quản lý đất đai.
Không chỉ vậy, quá trình đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong các khâu xử lý, luân chuyển hồ sơ giữa các ban ngành liên quan còn giúp cán bộ thực hiện có thể giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính khi tiếp nhận, đồng thời xử lý hồ sơ từ cổng dịch vụ công thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai.
Việc khai thác sử dụng các tài nguyên, cơ sở dữ liệu liên quan đến đất đai là yếu tố quan trọng trong quá trình xử lý các thủ tục hành chính. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh thực hiện, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Thông tin từ Lãnh đạo Sở TN&MT Ninh Bình, Ninh Bình là một trong 28 tỉnh thực hiện Dự án "Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/5/2016. Đến nay, 3 đơn vị là thành phố Ninh Bình, huyện Yên Khánh và huyện Kim Sơn đã hoàn thiện việc triển khai dự án.
Sau khi nhận bàn giao kết quả Dự án từ đơn vị thi công, Sở TN&MT Ninh Bình đã giao Văn phòng Đăng ký đất đai quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai. Việc vận hành, cập nhật, khai thác, sử dụng CSDL đất đai đối với các xã, phường, thị trấn của 3 đơn vị là thành phố Ninh Bình, huyện Yên Khánh và huyện Kim Sơn bằng hệ thống phần mềm CSDL đất đai (gọi tắt là phần mềm VBDLIS) đã hoàn thành việc xây dựng CSDL đất đai và kết nối với CSDL đất đai quốc gia do Bộ TN&MT quản lý đối với cả 3 đơn vị thực hiện Dự án.
Sau khi kết thúc Dự án, trong năm 2023, Văn phòng Đăng ký đất đai đã chủ động xây dựng CSDL đất đai (CSDL địa chính) thêm 3 xã (xã Gia Lâm, xã Thanh Lạc - huyện Nho Quan và xã Gia Lập - huyện Gia Viễn). Tính đến ngày 15/4/2024, CSDL địa chính đang vận hành, khai thác trên hệ thống phần mềm VBDLIS của 61 đơn vị cấp xã thuộc 5 đơn vị cấp huyện.
Tại TP.Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) cũng là một trong số đơn vị tích cực hoàn thiện hệ thống CSDL đất đai. Tính đến ngày 16/8/2024, TP.Ninh Bình đã cập nhật vào CSDL đất đai 30.000/50.000 thửa đất. Lãnh đạo Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Ninh Bình cho biết, chi nhánh đã đẩy mạnh số hóa và cung cấp dữ liệu số hóa hồ sơ đất đai cho các đơn vị trên hệ thống để thực hiện các thủ tục hành chính thuận lợi.
Thành phố Ninh Bình có 14 đơn vị cấp xã; huyện Yên Khánh 19 đơn vị cấp xã; huyện Kim Sơn 25 đơn vị cấp xã; huyện Nho Quan 2 đơn vị (xã Gia Lâm, xã Thanh Lạc); huyện Gia Viễn 1 đơn vị (xã Gia Lập). Toàn bộ CSDL địa chính của 61 đơn vị cấp xã thuộc 5 đơn vị cấp huyện được lưu trữ, vận hành, cập nhật và khai thác trên hệ thống phần mềm VBDLIS; số liệu khai thác trên CSDL đất đai thường xuyên được cập nhật, bổ sung, làm mới.
Từ khi sử dụng hệ thống phần mềm VBDLIS, Văn phòng Đăng ký đất đai đã thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai trên môi trường điện tử liên thông từ cấp xã, huyện, tỉnh và đồng bộ với CSDL đất đai Quốc gia, liên thông với các cơ quan liên quan như cơ quan Thuế để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, liên thông với phần mềm VNPT-iGate của hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh để tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công đối với cấp tỉnh, Bộ phận Một cửa các huyện, thành phố. Qua đó góp phần giảm thời gian đi lại của công dân, doanh nghiệp, nâng cao tính hiệu quả, minh bạch trong công tác giải quyết TTHC về lĩnh vực đất đai.
Bên cạnh đó Sở TN&MT Ninh Bình còn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong việc thực hiện nhiệm vụ, Sở luôn bám sát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng CSDL vào lĩnh vực quản lý đất đai của tỉnh Ninh Bình đã đạt được một số thành tựu nhất định như đáp ứng được cơ bản về việc thực hiện các giao dịch đất đai, quản lý bản đồ số, quản lý được chủ sở hữu và in cấp giấy chứng nhận, cung cấp báo cáo sổ địa chính, báo cáo giao dịch...
Trong giai đoạn tiếp theo, Sở TN&MT Ninh Bình sẽ tiếp tục tập trung phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện, TP đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết số 198-NQ/BCS ngày 30/9/2021 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh; Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 15/10/2021 của UBND tỉnh về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, địa giới hành chính và xây dựng CSDL đất đai trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Quyết định số 769/QĐ-UBND ngày 6/9/2022 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt "Đề án tổng thể đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, hoàn thiện hồ sơ địa chính, xây dựng CSDL địa chính tỉnh Ninh Bình". Mục tiêu đến hết năm 2025, 100% đơn vị cấp xã của tỉnh cơ bản được đo đạc chính quy dạng số, hoàn thiện hồ sơ địa chính, xây dựng CSDL địa chính.