Nỗ lực bảo tồn các giống cây địa phương

Các loại cây dược liệu được Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ bảo tồn thành công. Ảnh: THÁI HÀ

Bảo tồn hướng tới phát triển các giống cây trồng địa phương không chỉ tạo động lực trong việc lưu giữ nguồn gen quý, mà còn mở ra hướng đi mới trong việc đưa vào sản xuất quy mô hàng hóa các giống cây bản địa giàu tiềm năng phát triển kinh tế.

Hiện nay, việc duy trì khai thác và phát triển các giống cây trồng bản địa một cách hiệu quả, bền vững đang là xu hướng chung của nhiều địa phương, trong đó có Phú Yên.

Phục hồi giống cây có giá trị cao

Nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động bảo vệ đa dạng sinh học, an toàn sinh học đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Trong phần giải pháp, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng nhằm chia sẻ thông tin và chủ động tham gia vào việc bảo vệ đa dạng sinh học và quản lý an toàn sinh học; kiện toàn tổ chức và tăng cường năng lực cho hệ thống quản lý nhà nước ở các cấp tỉnh, huyện và cơ sở về đa dạng sinh học và an toàn sinh học… thì có một nội dung quan trọng là: áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ để bảo tồn phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật.

Thực hiện công tác bảo tồn và phát triển giống cây trồng địa phương, trong năm 2019, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên đã bảo tồn thành công 7 giống cây lâm nghiệp gồm: cẩm lai, giáng hương, giò chỉ, dó gạch, cẩm thị, gõ đỏ, gỗ mun và 12 giống cây dược liệu gồm: sâm Phú Yên, bình vôi, hoàng đằng, hà thủ ô, bá bệnh, xạ đen, gừng dó, sâm cau, bạch hoa xà thiệt thảo, bạch hạc, vàng đắng, đinh lăng lá xẻ. Ngoài ra, trung tâm còn lưu giữ bình giống invintro từ các kết quả đề tài, dự án như cây lan kim tuyến, hoàng đằng…

Theo bà Đặng Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên, dù chưa điều tra, khảo sát, hệ thống và đánh giá hết được các giá trị nguồn gen giống cây địa phương nhưng trong thời gian bảo tồn cây lâm nghiệp, dược liệu, nhiều giống cây trong tự nhiên có giá trị kinh tế cao đang bị khai thác quá mức và tận thu dẫn đến bị đe dọa hoặc bị tuyệt chủng, khả năng phục hồi chậm hoặc không còn khả năng phục hồi…

Làm tốt công tác sau bảo tồn

Cũng theo bà Thủy, hiện nay một số đối tượng nguồn gen sau khi thực hiện các đề tài, dự án chưa được tập hợp và thu thập để lưu giữ, bảo tồn. Vì vậy, để làm tốt công tác sau bảo tồn, cần thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp.

Một số giải pháp bảo tồn cho thấy hiệu quả thực tiễn là: khoanh vùng đối tượng cần được bảo tồn tại chỗ trong tự nhiên; đầu tư vườn bảo tồn đúng mức; thực hiện công tác di thực, đánh giá đặc tính sinh học, sự phát triển nguồn gen so với các sinh thái ban đầu; tư liệu hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn gen như: nguồn gốc, xuất xứ, đặc điểm sinh học, hiện trạng khai thác phát triển theo từng năm…

Xa hơn, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ phát triển các nguồn gen đặc hữu địa phương hoặc có giá trị kinh tế thành sản phẩm hàng hóa; xây dựng thương hiệu các sản phẩm có nguồn gốc đặc thù địa phương; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong việc nhân giống và xây dựng các mô hình nhằm khai thác, phát triển nguồn gen, giống cây bản địa; đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật thực hiện nhiệm vụ công tác bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh…

Hiện nay, Phú Yên có 2 đơn vị thực hiện nhiệm vụ bảo tồn các giống cây lâm nghiệp và dược liệu là Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên và Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung. Người dân cần giống cây bản địa có thể liên hệ hai đơn vị này để được cung cấp nguồn giống theo đúng quy định về chia sẻ nguồn gen.

Thời gian tới, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên sẽ tư liệu hóa, đánh giá khả năng khai thác và phát triển nguồn gen; nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phục tráng, khai thác, phát triển nguồn gen, giống cây bản địa địa phương; xây dựng thương hiệu và phát triển thành sản phẩm hàng hóa đặc thù địa phương cho một số cây trồng bản địa.

Bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó có bảo tồn các giống cây địa phương là chính sách lớn của Nhà nước, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành chuyên môn nhằm định hướng cho người dân về giá trị, hiệu quả kinh tế của các giống cây trồng bản địa nhằm phục vụ có hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển bền vững. Tuy nhiên, để công tác bảo tồn phát huy hiệu quả, thì câu chuyện sau bảo tồn cũng cần được chú trọng để không lãng phí nguồn gen quý.

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/234819/no-luc-bao-ton-cac-giong-cay-dia-phuong.html