Nỗ lực chinh phục thế giới bằng chất liệu Việt

Lãnh Mỹ A, thổ cẩm, đũi Mỹ A, lục bình, tơ sen... là những chất liệu vải đặc thù của Việt Nam đã và sẽ đến với công chúng thời trang thế giới bằng những mẫu thiết kế cao cấp (haute couture), chinh phục họ bằng cả câu chuyện tâm huyết

Trong 30 mẫu thiết kế thuộc bộ sưu tập "Ngọc Viễn Đông" của nhà thiết kế người Pháp gốc Việt - Patrick Phạm - thực hiện cho Tuần lễ Thời trang cao cấp thu đông Paris 2019-2020 (Paris haute and haute couture fall winter 19/20), từ ngày 30-6 đến 4-7, công chúng sành điệu sẽ ngạc nhiên với sự biến hình của đũi, lãnh Mỹ A, thổ cẩm và cả lục bình.

Sự biến hình tuyệt vời

Nếu không được chính nhà thiết kế Patrick Phạm giới thiệu, hẳn không ai biết chiếc váy cưới lộng lẫy mà anh chuẩn bị đưa đến Tuần lễ Thời trang Paris danh giá này là sản phẩm được hình thành từ nõn cây lục bình. Những viền lục bình quanh thân áo, chân váy trở thành điểm nhấn thú vị, tạo nên khác biệt. Sự thướt tha của lụa, ren tưởng chừng chẳng mấy liên quan đến chất liệu lục bình vốn khá rẻ tiền ở Việt Nam. Thế nhưng, khi lục bình (qua xử lý) được trọng dụng một cách hợp lý trong mẫu thiết kế của Patrick Phạm, không chỉ khán giả thế giới mà ngay chính khán giả thời trang Việt cũng sẽ phải ngạc nhiên bởi sự tuyệt vời của nó.

Mẫu thiết kế áo cưới từ lục bình, váy dạ hội từ thổ cẩm và lãnh Mỹ A của Patrick Phạm

Mẫu thiết kế áo cưới từ lục bình, váy dạ hội từ thổ cẩm và lãnh Mỹ A của Patrick Phạm

Thổ cẩm chẳng phải là món hàng xa xỉ, thậm chí phổ biến đến mức bất cứ ai cũng có thể có được món đồ lưu niệm làm từ vải thổ cẩm. Nhưng vải thổ cẩm khi làm nên những mẫu thiết kế haute couture của Patrick Phạm khiến người xem ngạc nhiên: "Đây là vải thổ cẩm sao?". Để tạo nên sự ngạc nhiên đó, Patrick đã mạnh dạn phá bỏ kết cấu tạo hình quen thuộc của thổ cẩm. Anh giữ lại nền tảng cơ bản và quen thuộc của thổ cẩm rồi tạo nên hoa văn thổ cẩm khác lạ hơn. Hoa văn đó trong thiết kế trang phục dạ hội hay chỉ sử dụng như một họa tiết thêm thắt cho chiếc váy dạ hội cũng trở nên lung linh và đắt đỏ.

Mẫu thiết kế từ lãnh Mỹ A của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí trong bộ sưu tập “Lúa” trình diễn tại Nhật Bản (ảnh do NTK cung cấp)

Mẫu thiết kế từ lãnh Mỹ A của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí trong bộ sưu tập “Lúa” trình diễn tại Nhật Bản (ảnh do NTK cung cấp)

Khán giả sành điệu đã quá quen thuộc với chất liệu da cao cấp của phương Tây nhưng với con mắt mỹ thuật của Patrick, anh đã dùng chất liệu lãnh Mỹ A quen thuộc của Việt Nam để cạnh tranh, sánh ngang với chất liệu da cao cấp của thế giới. Không chia sẻ bí quyết của mình nhưng những gì Patrick nói được minh chứng bằng bộ veston đuôi dài lộng lẫy mà anh sẽ trình làng tại Tuần lễ Thời trang cao cấp Paris lần này.

Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên khán giả thời trang thế giới chứng kiến sự "thay da đổi thịt" của những chất liệu vải truyền thống Việt. Trước đó, bộ sưu tập mang tên "Lúa" với những thiết kế haute couture của Công Trí để lại ấn tượng tại Tuần lễ Thời trang Tokyo - Tokyo Fashion Week 2016. Theo nhà thiết kế Công Trí, khi mang "Lúa" đến với xứ sở mặt trời mọc, khán giả Nhật Bản không ngớt "trầm trồ" trước những mẫu thiết kế từ chất liệu lãnh Mỹ A của Việt Nam. Tuy nhiên, với bộ sưu tập "Lúa", Công Trí đã dùng lãnh Mỹ A như một điểm nhấn trong những mẫu thiết kế sử dụng các chất liệu chính: voan, nhung, lụa, đũi… Cho đến khi bộ sưu tập "Lãnh Mỹ A" chính thức xuất hiện vào năm sau, nhà thiết kế Công Trí lúc ấy thật sự khẳng định vị trí tối thượng và tuyệt sắc của lãnh Mỹ A trong các thiết kế thời trang cao cấp (haute couture). Ở đó, lãnh Mỹ A đứng một mình không cần bất cứ sự bổ trợ nào, trong sự độc tôn và kiêu hãnh về chất liệu.

Cao cấp ở cách nhìn

Thật ra, Việt Nam có không ít nhà thiết kế đã rất kiên trì và miệt mài trong hành trình quảng bá chất liệu truyền thống Việt ra thế giới. Trong đó, Minh Hạnh là một trong những nhà thiết kế mang thổ cẩm Việt đến với khán giả thế giới sớm nhất, phải từ hơn 20 năm trước và để lại không ít ấn tượng cho đến nay. Nhà thiết kế Võ Việt Chung cũng là một trong những người đầu tiên sử dụng lãnh Mỹ A như "bí mật thiết kế" của riêng mình trong nhiều bộ sưu tập áo dài được trình diễn giao lưu ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Dù vậy, ấn tượng của chất liệu truyền thống Việt chỉ thực sự gây bất ngờ với khán giả thế giới khi được dùng để tạo nên những bộ cánh siêu cao cấp, xuất hiện tại các tuần lễ thời trang thế giới danh tiếng, được sao Hollywood lựa chọn mặc trình diễn thảm đỏ. Và điều này đủ để khẳng định với công chúng thời trang trong và ngoài nước rằng chất liệu vải truyền thống Việt có thể tạo nên những bộ trang phục đậm dấu ấn.

Không ít nhà thiết kế nuôi khát vọng chinh phục thế giới bằng chất liệu vải truyền thống nhưng số người gặt hái thành công vẫn chưa nhiều. Bởi lẽ, chinh phục được những chất liệu vải này không phải là chuyện đơn giản, phải nhờ vào khiếu thẩm mỹ của nhà thiết kế. Màu đen bóng huyền ảo của lãnh Mỹ A, những họa tiết đặc thù của thổ cẩm hay chất liệu đũi thô ráp, lục bình xù xì… sẽ dễ trở nên tẻ nhạt nếu nhà thiết kế vẫn với cái nhìn thẩm mỹ bị đóng khung trong giá trị truyền thống. Nhưng khi nó được xử lý tinh xảo, những điều tưởng cũ lại trở nên lạ lẫm, tạo sức hút thị giác ấn tượng đầy sang trọng và hiện đại.

Giá trị văn hóa đi kèm

Nhà thiết kế Công Trí nhớ lại khi ra mắt bộ sưu tập "Lúa" của mình tại Nhật Bản, sau những cảm xúc kinh ngạc là câu hỏi của công chúng nơi đây: "Việt Nam có những chất liệu đặc biệt như thế ư?". Khi biết thêm câu chuyện đằng sau mỗi tấm lãnh Mỹ A, khán giả quốc tế lại càng yêu thích hơn những mẫu thiết kế từ lãnh Mỹ A. Còn với Patrick Phạm: "Thế giới thích những sản phẩm không gây hại môi trường. Những sản phẩm "handmade" (thủ công) luôn mang giá trị cao cấp. Chất liệu vải truyền thống Việt có tất cả những giá trị mà thế giới cần". Đó là lý do để làm nên bộ sưu tập 30 mẫu thiết kế, Patrick Phạm dành thời gian 1 năm, đi vòng quanh các làng nghề để tìm chất liệu vải truyền thống Việt.

Những người có niềm đam mê bất tận với chất liệu vải truyền thống Việt đều hướng đến mục đích muốn kể một câu chuyện bằng cái nhìn âu yếm của họ về một thế giới yên tĩnh và an lành, nơi con người được đoàn tụ với thiên nhiên làm nên vẻ đẹp vĩnh cửu vốn nằm trong quá khứ.

Bài và ảnh: Thùy Trang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/no-luc-chinh-phuc-the-gioi-bang-chat-lieu-viet-2019062721383418.htm