Nỗ lực để đau mắt đỏ không thành dịch

Sau lũ lụt, đau mắt đỏ là một trong những bệnh dễ bùng phát thành dịch nhất nếu không có biện pháp phòng tránh kịp thời, hiệu quả. Theo bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đây là loại bệnh vẫn lưu hành trong cộng đồng, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ rất dễ lây lan nhanh trong cộng đồng. Trước nguy cơ tiềm ẩn này, ngành y tế nói chung, Bệnh viện Mắt Thái Nguyên nói riêng đã và đang tăng cường nhiều giải pháp nhằm khống chế dịch bệnh này.

Người dân đến khám tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên.

Người dân đến khám tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên.

Ngay sau khi nước lũ bắt đầu rút, trên tất cả các tuyến đường, công trình công cộng, các cơ quan, đơn vị và hộ dân đều nhanh chóng bắt tay vào “công cuộc” dọn dẹp, làm sạch bùn đất để vừa ổn định cuộc sống, vừa không để ô nhiễm môi trường làm phát sinh dịch bệnh. Theo đồng chí Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế: Khi nước bắt đầu rút sẽ là thời điểm ngành y tế phải nhanh chóng vào cuộc để phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Chính vì thế, những ngày này, toàn ngành đang dồn lực cùng chính quyền các địa phương, đơn vị liên quan và các cơ sở y tế hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường ở tất cả các khu vực bị ngập, thực hiện khử khuẩn để ngăn chặn các mầm bệnh dễ phát sinh.

Ý thức được mối nguy cơ tiềm ẩn này, ngay từ ngày 11-9 (thời điểm nước bắt đầu rút tại địa bàn TP. Thái Nguyên), Bệnh viện Mắt Thái Nguyên cũng đã có công văn gửi các cơ sở y tế trên địa bàn về việc phối hợp tổ chức phòng, chống dịch đau mắt đỏ. Trong đó nhấn mạnh đến việc xử lý tốt môi trường và nguồn nước sinh hoạt theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; tuyên truyền cho người dân cách phòng, chống dịch đau mắt, như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân (thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang); vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Người nghi ngờ bị hoặc đã bị đau mắt đỏ, cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đeo khẩu trang, đeo kính khi đến nơi công cộng…

Bác sĩ Đỗ Quang Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Thái Nguyên, chia sẻ: Đau mắt đỏ thường diễn biến lành tính. Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng cách có thể có một số biến chứng như xuất huyết dưới kết mạc, lên giả mạc, viêm giác mạc, loét giác mạc, thậm chí để lại sẹo dẫn đến giảm thị lực vĩnh viễn. Bệnh thường chỉ cần theo dõi và điều trị tại trạm y tế cơ sở. Hiện, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chủ yếu là điều trị làm giảm triệu chứng, đề phòng các biến chứng có thể xảy ra. Việc sử dụng kháng sinh chủ yếu để dự phòng bội nhiễm vi khuẩn. Bệnh nhân không nên tự ý đi mua thuốc để sử dụng hoặc sử dụng phương pháp dân gian chưa được khoa học kiểm chứng (như đắp lá cây hay xông lá trầu). Trường hợp nặng, nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.

Bệnh có những triệu chứng khởi phát như ngứa mắt, cộm, vướng, chảy nước mắt, đặc biệt là đỏ mắt. Sau từ 2-3 ngày, bệnh nhân sẽ thấy mi mắt sưng nề, khó mở mắt do dử gây dính mi; sau 5-7 ngày, có thể có hiện tượng xuất huyết, viêm giác mạc, nhìn mờ. Hầu hết, bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần.

Còn theo bác sĩ Hoàng Thị Kim Yến, Giám đốc Bệnh viện Mắt Thái Nguyên: Bệnh viện đang tăng cường các giải pháp tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ đến bệnh nhân và người nhà khi đến khám, điều trị, để họ biết cách phòng tránh, đồng thời giúp tuyên truyền đến những người xung quanh về loại bệnh này. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị sẵn một cơ số thuốc và cơ sở vật chất để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên; sẵn sàng hỗ trợ các cơ sở y tế của các địa phương trên địa bàn khi có đề xuất, yêu cầu về tăng cường hay hỗ trợ chuyên môn.

Có thể nói, việc phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, đau mắt đỏ nói riêng không chỉ cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, trong đó ngành Y tế nắm vai trò chủ đạo, mà rất cần có cả ý thức của người dân trong việc nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh. Trong trường hợp số người mắc bệnh đau mắt đỏ tăng, có nguy cơ thành dịch, trung tâm y tế và bệnh viện các địa phương cần báo cáo ngay với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và phối hợp với Bệnh viện Mắt Thái Nguyên để tổ chức chống dịch và điều trị các ca bệnh nặng có biến chứng, nhằm không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân.

Hạ Liên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202409/no-luc-de-dau-mat-do-khong-thanh-dich-fa12c52/