Nỗ lực giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Là huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, những năm qua, huyện Tam Đảo đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp, chính sách giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đến nay, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của bà con được cải thiện và nâng cao.

Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện Tam Đảo, gia đình anh Phạm Văn Dần, thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Trà Hương

Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện Tam Đảo, gia đình anh Phạm Văn Dần, thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Trà Hương

Nhiều năm trước đây, gia đình anh Phạm Văn Dần, thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan sống trong tình cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Vợ anh Dần bệnh tật, thường xuyên đau ốm, tốn nhiều tiền của để chữa bệnh, nguồn thu nhập ít ỏi từ việc đi làm thuê của anh không đủ để trang trải cuộc sống. Vì vậy, gia đình anh mãi không thoát cảnh nghèo khó.

Từ khi tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, vợ chồng anh đã mua được 3 con bò để nuôi. Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, đàn bò nhà anh Dần phát triển khỏe mạnh, sinh sản đều đặn, từ đó, giúp gia đình anh tăng thêm thu nhập, dần ổn định cuộc sống.

Thôn Làng Hà, xã Hồ Sơn có tỷ lệ đồng bào dân tộc Sán Dìu chiếm tới 75%. Trước đây, Làng Hà là thôn nghèo, chủ yếu canh tác bằng nghề trồng lúa, thu nhập thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nhờ được tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, người dân thôn Làng Hà đã mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng lúa sang trồng rau su su kết hợp với chăn nuôi, từ đó, thu nhập của người dân dần ổn định và nâng cao. Năm 2021, số hộ nghèo của thôn giảm còn 12 hộ, 10 hộ cận nghèo, cơ bản không còn hộ tái nghèo.

Để có được những chuyển biến trong công tác giảm nghèo, các cấp chính quyền huyện Tam Đảo đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai đầy đủ, đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đối với vùng đồng bào DTTS.

Trong đó, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi của Chính phủ được thực hiện hiệu quả. Đồng bào DTTS được hỗ trợ nhiều mặt như cải tạo nước sinh hoạt phân tán; hỗ trợ vốn, cây, con giống phát triển sản xuất; phát triển hạ tầng.

Cùng với đó, các chính sách an sinh xã hội như chính sách cấp thẻ BHYT, khám, chữa bệnh miễn phí cho các hộ DTTS sinh sống ở vùng khó khăn; chính sách hỗ trợ trực tiếp tiền điện cho hộ nghèo; chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo hay các chính sách về giáo dục, y tế... đã góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống của bà con DTTS trên địa bàn.

Nguồn vốn từ ngân sách được ưu tiên cho phát triển hạ tầng, giáo dục, chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ tín dụng, phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Giai đoạn 2017-2020, huyện Tam Đảo đã thực hiện 4 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tại 3 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của xã Đạo Trù với kinh phí 600 triệu đồng.

Đối tượng thụ hưởng dự án là hộ nghèo, cận nghèo, nhóm hộ. Việc triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo điều kiện cho đồng bào DTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp thu và áp dụng các kiến thức KHKT vào sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, quy mô sản xuất được mở rộng, các ngành nghề, dịch vụ, phục vụ sản xuất được chú trọng và phát triển hơn.

Dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng theo Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 được thực hiện với tổng kinh phí đầu tư cho các xã, thôn ĐBKK là 6,7 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn từ ngân sách là 6 tỷ đồng và 700 triệu đồng từ các nguồn vốn khác.

Đã có 10 công trình được đầu tư bằng nguồn ngân sách, đó là các công trình về đường giao thông nông thôn, công trình trường học, công trình nhà văn hóa thôn, công trình thoát nước vệ sinh môi trường nông thôn.

Hiện nay, 100% đường trục liên xã vùng đồng bào DTTS sinh sống được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; hơn 95% đường trục liên thôn, xóm được cứng hóa; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt 100%. Hệ thống thủy lợi hồ, đập, kênh, mương được đầu tư xây dựng đảm bảo phục vụ sản xuất cho người dân. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của các thôn ĐBKK giảm 2-2,5%/năm, người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tam Đảo Đinh Trung Hiếu cho biết: "Các hộ dân ở vùng đồng bào DTTS tuy được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, song bản thân họ luôn có ý thức tự giác vươn lên phát triển kinh tế. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện chỉ còn khoảng hơn 900 hộ nghèo là người DTTS.

Trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế cải thiện thu nhập cho hộ DTTS như mô hình trồng cây dược liệu ở các xã, thị trấn Đại Đình, Đạo Trù, Tam Quan; chăn nuôi lợn ở xã Minh Quang; trồng rau, củ, quả chuyên canh ở xã Hồ Sơn, thị trấn Hợp Châu…

Thời gian tới, để tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt là hộ đồng bào DTTS, huyện Tam Đảo đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khắc phục tình trạng ỷ lại, dựa dẫm vào chính sách; phổ biến những kinh nghiệm hay, gương điển hình trong thực hiện chương trình giảm nghèo, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Tăng cường huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.

Diệu Linh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/72002/no-luc-giam-ngheo-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so.html