Nỗ lực giúp người bệnh đột quỵ trở về cuộc sống

Bên cạnh những phương pháp cấp cứu, điều trị ban đầu, phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục, giúp giảm tàn tật, ngăn ngừa đột quỵ tái phát.

Ngày 23/11 Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Đột quỵ thế giới, Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, EVER Pharma tổ chức khóa tập huấn dành cho những bác sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng nhằm nâng cao năng lực phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ cho người bệnh. Đây là khóa tập huấn thứ 54 trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Áo (Chương trình AVANT- Phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ) đã được Bộ Y tế phê duyệt.

TS.BS Nguyễn Bá Thắng - Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, Trưởng khoa Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y dược (BV ĐHYD) TP.HCM chia sẻ: Đột quỵ là quá trình xảy ra đột ngột, chỉ có một tỷ lệ nhỏ người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn, còn lại đa phần bệnh nhân đều có những di chứng do tổn thương não, bệnh lý mạch máu như: liệt tay, liệt chân, rối loạn cảm giác, nói khó, vận động khó, giảm trí nhớ… Những di chứng này ảnh hưởng hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, cuộc sống của bệnh nhân.

Giảng viên của khóa tập huấn là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực điều trị đột quỵ

Giảng viên của khóa tập huấn là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực điều trị đột quỵ

Hiện nay, công tác hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng cho người bệnh đột quỵ trong cả nước nói chung đang gặp phải nhiều khó khăn do chưa có nhiều cơ sở phục hồi chức năng, áp lực quá tải bệnh viện khiến thời gian được tập luyện của người bệnh bị hạn chế. Sau khi điều trị giai đoạn cấp, bệnh nhân được xuất viện. Hầu hết người bệnh phải tự bươn chải nhờ người thân giúp đỡ tập luyện, tự tập không đúng phương pháp, thậm chí không tập luyện gây ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của bệnh nhân, như: hồi phục chậm hoặc gặp phải các di chứng khác do tập luyện sai cách gồm cứng cơ, co rút cơ, mất chức năng, không thể hòa nhập lại cuộc sống.

“Tại BV ĐHYD bệnh nhân được hỗ trợ phục hồi chức năng ngay từ những ngày đầu nhập viện. Tùy mức độ của người bệnh để có những bài tập phù hợp. Bệnh nhân được hướng dẫn tự tập và hẹn tái khám, đánh giá hồi phục. Trước đây phục hồi chức năng chỉ tập trung vào vật lý trị liệu, đến nay lĩnh vực này đã mở rộng ra 3 lĩnh vực: vật lý trị liệu, âm ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu hỗ trợ bệnh nhân tái hòa nhập cộng đồng. Do đó khi tham gia các khóa đào tạo, đội ngũ nhân viên y tế được trang bị thêm kiến thức, phương pháp mới hỗ trợ điều trị cho người bệnh tốt hơn, nỗ lực đưa người bệnh tái hòa nhập lại cộng đồng” - TS.BS Nguyễn Bá Thắng.

GS.TS.BS Trương Quang Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM bày tỏ mong muốn sau khi kết thúc các khóa đào tạo bài bản, các bác sĩ, kỹ thuật viên sẽ trở thành những chuyên gia, giảng viên để tiếp tục phổ biến các kiến thức mới tại bệnh viện nói riêng và chia sẻ cùng các bệnh viện trong khu vực nói chung. Thân nhân người bệnh cũng sẽ hỗ trợ được cho người thân hồi phục. Qua đó, sẽ dần dần hình thành được mạng lưới về phục hồi chức năng cho người bệnh sau đột quỵ, việc này sẽ đóng góp vào ngành y tế, cùng nỗ lực đưa người bệnh trở lại cuộc sống.

GS.TS.BS Trương Quang Bình mong muốn sau các khóa đào tạo sẽ dần hình thành mạng lưới phục hồi chức năng sau đột quỵ

GS.TS.BS Trương Quang Bình mong muốn sau các khóa đào tạo sẽ dần hình thành mạng lưới phục hồi chức năng sau đột quỵ

Được biết, Chương trình AVANT ra đời nhằm nâng cao năng lực phục hồi chức năng sau đột quỵ thông qua các khóa đào tạo rộng khắp dành cho đối tượng tham gia là các bác sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng tại các bệnh viện trên cả nước và người chăm sóc bệnh nhân. Nội dung các bài giảng bao gồm những kiến thức, bài tập mới và hiệu quả nhất về điều trị đột quỵ được xây dựng bởi Tổ chức Đột quỵ thế giới và các chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực này, dưới sự phê duyệt của Bộ Y tế.

Trong vòng 3 năm, 2017-2020 đã có 63 lớp dành cho các cán bộ y tế đến từ 650 bệnh viện thuộc 59 tỉnh thành trên cả nước, với hơn 4.340 bác sĩ, kỹ thuật viên đã hoàn thành khóa học và được cấp chứng chỉ đào tạo liên tục. Không chỉ nhận được phản hồi tích cực từ các cán bộ y tế, tính đến tháng 11/2020 đã có gần 4.000 người nhà bệnh nhân được tham gia các lớp đào tạo dành cho người chăm sóc bệnh (150 lớp đào tạo) cũng đã có những phản hồi tích cực, đồng hành cùng ngành y tế hỗ trợ phục hồi chức năng cho người thân trong gia đình, giảm tàn tật và ngăn ngừa đột quỵ tái phát.

Hoài Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/no-luc-giup-nguoi-benh-dot-quy-tro-ve-cuoc-song-n183218.html