Nỗ lực phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa
Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề 'Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa'. Tại Lào Cai, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, các ngành, các địa phương đã chủ động nhiều giải pháp phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa.
Ngày Môi trường thế giới năm 2024 kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.
Tại Lào Cai, dựa trên phân tích chuỗi số liệu khí tượng - thủy văn trong giai đoạn từ năm 1961 đến năm 2021 ghi nhận xu hướng nhiệt độ, lượng mưa đều tăng so với trung bình nhiều năm.
Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, rét đậm, rét hại, sương muối... ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Tình trạng hạn hán, thiếu nước xảy ra vào mùa khô, đặc biệt trên khu vực 46 xã có nguy cơ sa mạc hóa của 3 huyện: Mường Khương, Bắc Hà và Si Ma Cai. Tình trạng sa mạc hóa đã gây khó khăn về nguồn cung cấp nước.
Tại huyện Mường Khương có một số khu vực đang có dấu hiệu bị sa mạc hóa, mực nước ngầm hạ thấp, như thôn Lồ Cố Chin, xã Pha Long (18 hộ), các thôn Dìn Chin, Ngài Thầu, Cùng Lũng, xã Dìn Chin (tổng 240 hộ), thôn Tả Gia Khâu, xã Tả Gia Khâu (23 hộ), đặc biệt là vào các tháng mùa khô. Hiện trạng sử dụng nước chủ yếu dùng nước mưa hoặc bơm từ các nguồn gần. Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu nước, ngoài việc mực nước ngầm bị hạ thấp do tác động bởi hiện tượng sa mạc hóa, biến đổi khí hậu, còn do người dân sinh sống, sản xuất ở trên địa hình đồi núi cao. Để khắc phục tình trạng này, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương đã khảo sát, tìm kiếm nguồn nước mới bổ sung. Giải pháp đang thực hiện là xây dựng hệ thống bể trữ nước mưa, bơm dẫn từ các khu vực có nguồn nước, bước đầu giải quyết được một phần nhu cầu của Nhân dân. Về lâu dài, địa phương này xác định cần nỗ lực trồng rừng, phủ xanh đồi núi trọc để hướng tới việc chống hạn hán, sa mạc hóa một cách bền vững hơn.
Tương tự, huyện Si Ma Cai là 1 trong 3 địa phương có nguy cơ sa mạc hóa cao. Thời gian qua, huyện đã có nhiều giải pháp phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tạo sinh kế ổn định cho người dân cũng như chống sa mạc hóa. Trong đó, việc chuyển đổi từ canh tác cây lương thực sang trồng rừng trên đất nương đồi, khu vực có nguy cơ sa mạc hóa là chủ trương phù hợp với điều kiện thực tế tại Si Ma Cai.
Về tình hình hạn hán, từ năm 2012 đến năm 2022, đã có một số đợt hạn hán kéo dài, nắng nóng diện rộng tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại đối với ngành trồng trọt, đặc biệt cây trồng ngắn ngày (lúa, ngô, cây trồng khác). Số lượng đợt rét đậm, rét hại qua các năm từ 2012 đến 2022 trung bình là 5 - 7 đợt/năm, tuy nhiên số ngày rét đậm có xu thế giảm ở hầu hết các khu vực trên địa bàn. Năm 2023, do nắng nóng kéo dài đã gây hạn hán tại nhiều nơi và ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, trong đó nông nghiệp là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất; chỉ tính trong năm 2023, thiệt hại do nắng nóng, thiếu nước lên tới 751,9 tỷ đồng.
Theo ông Lưu Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), biến đổi khí hậu đang có những tác động lớn đến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và các quốc gia trên thế giới. Ngày Môi trường thế giới năm nay có chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa” và đây cũng là nội dung được tỉnh Lào Cai quan tâm. Để thực hiện chủ đề này nói riêng và chống biến đổi khí hậu nói chung, Lào Cai đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030 kiểm soát tốt tài nguyên nước, tài nguyên đất, đảm bảo cân đối đủ nguồn nước phục vụ sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế quan trọng. Với những nguy cơ hạn hán và sa mạc hóa, ngành nông nghiệp và các ngành liên quan đã thực hiện những giải pháp phục hồi đất cũng như nâng cao khả năng thích ứng. Cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, phát triển chuỗi giá trị nông - lâm - thủy sản bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và cân bằng dinh dưỡng quốc gia.
Bên cạnh đó, Lào Cai quan tâm thực hiện giải pháp quản lý rừng bền vững, nâng tỷ lệ che phủ rừng; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; giảm phát thải, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính... Lào Cai cũng xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai các nhiệm vụ ứng phó, thích ứng theo từng ngành, lĩnh vực.
Theo ông Cường, các ngành, địa phương đang triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa, đặc biệt là tại những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng hạn hán, sa mạc hóa. Nhân ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường, Lào Cai đồng loạt tổ chức các hoạt động cộng đồng, như mít tinh, ra quân vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải; phát động Chiến dịch chung tay bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng các hành động thiết thực...
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/no-luc-phuc-hoi-dat-chong-han-han-va-sa-mac-hoa-post385007.html