Nỗ lực sàng lọc trước sinh, sơ sinh

SLTS/SS góp phần hạn chế dị tật bẩm sinh ở trẻ. Ảnh: KIM CHI

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTS/SS) là nội dung thực hiện của chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán và điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số.

Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Vì vậy, đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển và SLTS/SS được xem là “chìa khóa vàng” giải mã dị tật bẩm sinh ở trẻ.

Lợi ích của việc SLTS/SS

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ, cho biết: Từ năm 2016, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện triển khai chương trình SLTS/SS góp phần làm giảm tỉ lệ tử vong, giúp trẻ sinh ra đời phát triển bình thường, tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra; phòng ngừa các hậu quả nặng nề của bệnh và cải thiện tương lai phát triển của trẻ; giảm số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Trong đó, SLTS là sử dụng những biện pháp thăm dò đặc hiệu trong thời gian mang thai để chẩn đoán xác định các trường hợp bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở giai đoạn bào thai như: hội chứng Down (tam bội thể 21), hội chứng Edwards (tam bội thể 18), hội chứng Patau (tam bội thể 13) và dị tật ống thần kinh... Từ đó, tham vấn cho gia đình chọn hướng xử trí kịp thời và thích hợp. Còn SLSS là nhằm tìm kiếm để phát hiện ra các bệnh liên quan đến nội tiết, rối loạn di truyền ngay khi đứa trẻ ra đời như: thiểu năng trí tuệ, thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh... ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tâm thần, thậm chí tử vong nếu không được điều trị sớm.

“Để người dân hiểu biết được lợi ích của việc SLTS/SS là rất quan trọng, do đó công tác tuyên truyền về chính sách này luôn được Chi cục DS-KHHGĐ triển khai thường xuyên”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hương cho biết.

Trong thời gian mang thai, chị Trần Thị Như Thảo (huyện Tây Hòa) thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe và thai nhi tại trạm y tế xã và khám SLTS tại trung tâm y tế huyện. Chị Thảo nói: “Tôi hiện mang thai được 5 tháng, đã đi khám thai 2 lần và có xét nghiệm máu để chẩn đoán các dấu hiệu bất thường của thai nhi. Bác sĩ bảo mẹ và bé đều khỏe, tôi cần nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng hợp lý”.

Còn chị Lê Thu Thúy (phường 4, TP Tuy Hòa) cho biết: “Tôi thực hiện đúng lịch khám thai định kỳ tại trạm y tế phường và được khám SLTS. Bác sĩ khám thai tư vấn nên thường xuyên theo dõi thai kỳ đúng lịch, tuân thủ việc khám SLTS/SS để chăm sóc thai nhi và em bé sau sinh được tốt hơn”.

Theo anh Đỗ Như Phát (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa), khi vợ anh sinh bé gái thứ 2, em bé chỉ nặng 2,6 ký. Khi bé ra đời, các y bác sĩ đã lấy mẫu máu sàng lọc và phát hiện bé bị thiếu men G6PD. “Nhờ phát hiện sớm, các y bác sĩ đã hướng dẫn gia đình cùng phối hợp chăm sóc cháu, dinh dưỡng hợp lý. Nhờ vậy, giờ đây con gái tôi phát triển bình thường”, anh Phát nói.

Nâng cao chất lượng dân số

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, từ SLTS/SS, các bác sĩ sẽ tìm biện pháp can thiệp kịp thời đối với những bệnh có thể chữa được và tư vấn tâm lý cho bà mẹ cũng như gia đình; giúp giảm đến mức thấp nhất số em bé ra đời bị dị tật bẩm sinh và điều trị kịp thời một số bệnh mà trẻ sơ sinh mắc phải, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn và hướng dẫn cho các thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn khám sức khỏe tiền hôn nhân tại các cơ sở y tế cũng rất quan trọng, giúp các cặp vợ chồng sinh con có chất lượng hơn, giảm số lượng trẻ chậm phát triển trí tuệ, dị tật, dị dạng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Theo Nghị quyết 21/NQ-TW về công tác dân số trong tình hình mới, công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Đến năm 2030, 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

Để đạt mục tiêu trên, ngoài nỗ lực của ngành chức năng, các thai phụ nên tham gia SLTS/SS để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

“Việc triển khai chương trình SLTS/SS đã giảm thấp nhất tỉ lệ mắc bệnh tật, tử vong của trẻ sơ sinh, nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Để người dân nâng cao hiểu biết về lợi ích của hoạt động SLTS/SS, trong thời gian đến, Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng truyền thông, cung cấp chương trình miễn phí cho các đối tượng yếu thế, hướng đến vận động xã hội hóa để người dân tự nguyện tham gia dịch vụ”, bác sĩ Hương cho biết.

Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) xác định một số mục tiêu công tác dân số đến năm 2030: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người. Tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỉ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt 22%; tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt 11%; tỉ số phụ thuộc chung đạt 49%. Tỉ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%...

HOÀNG LÊ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/95/266787/no-luc-sang-loc-truoc-sinh-so-sinh.html