Nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển đất nước

Tại phiên họp Quốc hội ngày 22/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sau khi được Quốc hội xem xét và có Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước, nhất là các đột phá chiến lược.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Quốc hội ngày 22/7.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Quốc hội ngày 22/7.

Tăng cường phân cấp, phân quyền

Trình bày Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội (QH) khóa XV tại phiên họp của QH ngày 22/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026) được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức QH năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Đồng thời, tiếp tục kế thừa, ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo khóa XIV nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ với vị trí là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của QH, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản số 1108-CV/VPTW ngày 23/6/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng về cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, trong đó đã chỉ đạo “trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 như khóa XIV”, Chính phủ đề nghị QH xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XV giữ ổn định như khóa XIV có 22 cơ quan, gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sau khi được QH xem xét và có Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XV, Chính phủ sẽ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Chính phủ, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, bảo đảm bộ máy hành chính thống nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cùng với việc triển khai cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV theo Nghị quyết của QH, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước, nhất là các đột phá chiến lược và những nhiệm vụ trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm nhằm đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Cơ sở để phát huy ưu điểm Chính phủ đã đạt được

Trình bày Báo cáo thẩm tra về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XV, tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho hay, các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với nội dung Tờ trình của Chính phủ. Về phương án cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XV; Ủy ban Pháp luật nhất trí phương án giữ cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XV như nhiệm kỳ QH khóa XIV, gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ. Theo Ủy ban Pháp luật của QH, việc giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ sẽ là cơ sở để tiếp tục phát huy ưu điểm và kết quả hoạt động của Chính phủ đã đạt được trong nhiệm kỳ khóa XIV, bảo đảm yêu cầu chỉ đạo, điều hành trong điều kiện Chính phủ tập trung thực hiện “mục tiêu kép”.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật đề nghị QH lưu ý Chính phủ cần xây dựng lộ trình tiếp tục thực hiện việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của QH, trong đó, có yêu cầu “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”, “tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới… ”.

Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị QH lưu ý Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và rà soát kỹ các nội dung giao thoa giữa các bộ, cơ quan ngang bộ để sớm có phương án giải quyết triệt để, đồng thời, đẩy mạnh sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong các bộ, đặc biệt là đối với các tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ.

Tuệ Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/no-luc-thuc-hien-thang-loi-nhiem-vu-phat-trien-dat-nuoc-post404307.html