Nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Thanh An, huyện Hớn Quản đã triển khai hiệu quả công tác vận động người dân hiến đất làm đường giao thông. Nhiều tuyến đường bê tông xi măng đã được đầu tư xây dựng, góp phần phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Song song đó, xã tập trung phát triển kinh tế tập thể, xây dựng thương hiệu sản phẩm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Sẵn sàng hiến đất làm đường
Tổ 9, ấp Trung Sơn, xã Thanh An có khoảng 15 hộ dân sinh sống. Trước đó, người dân thường đi nhờ qua đất của hộ anh Phạm Thịnh ra đường chính. Cuối năm 2022, gia đình anh Thịnh đồng thuận hiến gần 3.000m2 đất làm đường bê tông. Sau gần 1 tháng thi công, con đường bê tông dài 400m, trong đó có 130m do người dân đóng góp đã hoàn thành. Từ khi có đường bê tông, người dân trồng cây, xây tường rào, diện mạo nông thôn như được “thay áo mới”. Anh Thịnh chia sẻ: “Trước kia đây là đường mòn. Khi được Nhà nước hỗ trợ xi măng làm đường bê tông, gia đình tôi đã đồng ý hiến đất, trong đó có 7m mặt tiền. Khi làm đường này, không chỉ các hộ dân sử dụng, mà gia đình tôi cũng có đường đi vào vườn tốt hơn”.
Nhiều năm nay, tuyến đường liên ấp An Sơn - Bù Dinh xuống cấp, nhiều đoạn xuất hiện ổ gà, ổ voi, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông. Trong đó, đoạn đường nhựa kết nối từ ĐT757 đến cổng chào khu dân cư ấp Bù Dinh dài 5km. Đoạn đi qua cống thoát nước thuộc ấp An Sơn thường xuyên bị ngập vào mùa mưa. Cuối năm 2023, chính quyền địa phương vận động mạnh thường quân sửa chữa đường và xây dựng rào chắn ở khu vực suối. Trong năm nay, tuyến đường An Sơn - Bù Dinh đã được đưa vào kế hoạch nâng cấp, mở rộng. Chuẩn bị cho việc triển khai dự án, chính quyền địa phương vận động các hộ dân dọc tuyến giải phóng mặt bằng, từ tim đường vào mỗi bên 7,5m.
Trước tết Nguyên đán, ông Võ An Bình ở ấp An Sơn đã cưa 50 cây xà cừ, di dời hàng rào vào bên trong. Ông Bình phấn khởi: “Hàng cây xà cừ trồng gần 20 năm rồi, cưa cũng tiếc lắm, nhưng làm đường này người dân ai cũng ủng hộ. Mỗi gia đình hy sinh một chút thì đường mới rộng rãi, thông thoáng”. Đồng thuận với chủ trương, nhiều hộ dân ở dọc hai bên tuyến tự nguyện cưa cắt cây, tháo dỡ hàng rào, hiến đất làm đường. Đến nay, khoảng 80% hộ dân dọc tuyến đường liên ấp đã giải phóng xong mặt bằng.
Anh Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng ấp An Sơn cho biết: Từ năm 2022-2023, ấp An Sơn vận động nhân dân hiến đất làm 12km đường bê tông. Bên cạnh đó, chính quyền, ban ấp còn phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tuyên truyền, vận động nhân dân trồng 7km đường hoa. Phong trào làm đường bê tông được triển khai theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát”. Công khai, minh bạch các khoản đóng góp, thu - chi, tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong nhân dân. Từ đó, họ hiểu rằng xây dựng NTM để làm cho chất lượng cuộc sống của chính mình được tốt hơn.
Hiện nay, xã Thanh An đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Xác định giao thông là tiêu chí khó, đòi hỏi nhiều nguồn lực để xây dựng, vì vậy, những năm qua, xã Thanh An tăng cường vận động nhân dân hưởng ứng phong trào xây dựng đường bê tông xi măng. Trên địa bàn đã xây dựng được 78km đường bê tông, 15,2km đường nhựa. Trong đó, nhân dân đối ứng 30 tỷ đồng. Dự kiến thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đầu tư thêm 6km đường bê tông. Vừa qua, xã đã tổ chức họp dân giải tỏa mặt bằng tuyến đường An Sơn - Bù Dinh để đề nghị huyện bố trí vốn đầu tư.
Ông CAO MINH CÔNG, Chủ tịch UBND xã Thanh An
Nâng cao đời sống nhân dân
Một trong những mục tiêu của chương trình xây dựng NTM là nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, xã Thanh An tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đặc biệt là ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất làm tăng hiệu quả, năng suất cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh chú trọng phát triển kinh tế tập thể, xã còn tập trung nguồn lực hỗ trợ hộ kinh doanh, hợp tác xã (HTX) cải tiến quy trình sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Trên địa bàn xã hiện có 3 HTX, 2 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi - dịch vụ, sản xuất chế biến nông nghiệp, trồng cây ăn trái. Đến nay, xã có 5 sản phẩm đạt OCOP được đánh giá xếp hạng 4 sao.
Cuối năm 2023, anh Phạm Ngọc Phụng ở ấp Địa Hạt, xã Thanh An đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi. Trong tổng diện tích 3 ha, anh Phụng dành khoảng 2.000m2 để xây dựng chuồng trại nuôi gà. Sau khi tìm hiểu về giống gà Ai Cập siêu đẻ trứng, anh quyết định nuôi 6.000 con. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng anh lãi hơn 100 triệu đồng. Hiện anh Phụng là thành viên HTX chăn nuôi - dịch vụ Thanh An. Toàn bộ trứng được HTX thu mua tại trại, vận chuyển đi bỏ mối tại các tỉnh, thành phố. Hiện sản phẩm trứng gà Ai Cập của HTX đang được làm thủ tục công nhận đạt chứng nhận OCOP.
Ông Cao Minh Công, Chủ tịch UBND xã Thanh An cho hay: “OCOP là chương trình phát triển kinh tế trọng điểm, không chỉ gắn với xây dựng NTM mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Thời gian qua, xã đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp nhằm phát triển, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, bước đầu đạt được những kết quả tích cực”.
Năm 2023, HTX chăn nuôi - dịch vụ Thanh An được hỗ trợ các hạng mục “Xây dựng mô hình HTX ứng dụng khoa học - công nghệ phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi giá trị”; hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi, vắc xin. Nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đã mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ dân trong xã. Khi có thu nhập ổn định, đời sống người dân ngày càng nâng cao.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/81/155003/no-luc-xay-dung-nong-thon-moi