Nở rộ thú chơi câu cá: Đừng biến đam mê thành nỗi buồn
Câu cá giải trí được ví như một thú chơi tiêu khiển đòi hỏi tính kiên trì. Nhiều người chơi đã không tiếc tiền, công sức, thời gian và coi nó như một một môn thể thao thường kỳ. Nhưng dù là thú chơi nào cũng nên có giới hạn, thực tế nhiều người đã bỏ không ít tiền bạc và công sức vào thú tiêu khiển này, khiến gia đình lục đục chỉ vì hầu như ngày nào cũng ngồi lì ở các hồ câu dịch vụ.
Nghề chơi lắm công phu
Trước đây, nói chuyện câu cá, nhiều người nghĩ đồ nghề chỉ là chiếc cần tre, sợi cước, lưỡi câu và vài ba con giun đào sau vườn nhà. Nhưng giờ đây, câu cá trở thành thú chơi, và đã chơi thì “đồ chơi” không đơn giản thế.
Để sắm cho mình một bộ đồ câu xịn không phải ai cũng đủ điều kiện. Những thứ cơ bản mà các cần thủ cần có như cần câu, thùng đựng đồ câu, ghế ngồi, ô che, cước, lưỡi, phụ kiện khác. Mà giá để full đồ cũng không phải rẻ, đối với hàng chính hãng, thì để sở hữu một bộ đồ có thể lên đến vài chục triệu đồng. Một chiếc cần máy giá trị lên đến 20-30 triệu đồng... Chính vì muốn sắm cho mình một bộ ưng ý, đảm bảo câu được cá không bị mất, thuận tiện khi câu, nhiều người đã phải vay mượn người thân, thậm chí còn mua trả góp.
Bộ full đồ câu đài (câu đơn) của các cần thủ khá cầu kỳ.
Anh Nguyễn Quyền cho hay: “Bản thân tôi cũng là người mê câu cá, ban đầu cũng sắm đồ tốn khá nhiều tiền. Tuy nhiên tôi cũng chỉ mua những đồ phù hợp với túi tiền. Đã có nhiều anh bạn câu phải cắm cả xe, vay lãi, thậm chí mua cần, mua phụ kiện câu trả góp. Sau hai năm dính vào môn câu có người nợ cả vài chục triệu mà không có khả năng chi trả. Tôi thường khuyên mọi người câu cá 10 người thì cả 10 người lỗ, chỉ lãi cái thỏa đam mê thôi. Chính vì thế trước khi đi vào thú chơi này mọi người cũng cần cân nhắc thật kỹ”.
Anh Huy Toàn, một cần thủ mới vào nghề chia sẻ: “Đi câu thiên nhiên thì thường ít có cá to, thậm chí không có. Chính vì thế gần đây tôi lựa chọn đến câu ở các hồ dịch vụ. Sau nhiều lần câu không được cá, được ít cá thôi lại lên mạng tìm kiếm những bài mồi câu cá hiệu quả. Ban đầu tôi cũng sa đà vào việc mua cho mình rất nhiều loại mồi, về dùng không hết, không hiệu quả nên rất tốn kém. Nếu đã đi câu ở các hồ dịch vụ thì tính thư giãn, tĩnh lặng gần như không còn. Đơn giản vì bạn vào đó đã phải trả phí”.
Do quá trình đô thị hóa ngày càng diễn ra nhanh, các cần thủ dần thiếu những điểm câu cá tự nhiên. Chính vì thế hàng loạt những hồ dịch vụ được mở ra để phục vụ đam mê. Các chủ hồ mua cá to về thả để phục vụ các cần thủ. Từ cá chép, trắm, trôi loại 3-5kg dành cho các cần thủ câu lancer, câu lục; cá sộp/cá quả hay các loại cá săn mồi phục vụ dân câu lure.
Tại Hà Nội, có thể kể đến các điểm câu như hồ Thành Công, hồ Đầm Sòi… với giá tiền dao động từ 150.000 - 300.000 đồng/ca câu. Các điểm câu ngoại thành như Chương Mỹ hay sang tỉnh Hưng Yên cũng thu hút nhiều cần thủ vào dịp cuối tuần. Để thu hút khách đến câu, ngoài việc hồ câu phải liên tục thay cá mới thì chủ hồ còn đặt ra rất nhiều quy định và luật chơi khác nhau nhằm tăng sức hấp dẫn cho các cần thủ lượng sức “thi thố”.
Tại hồ câu H.Đ (Chương Mỹ, Hà Nội), theo quy định của chủ hồ, để tham gia câu mỗi cần thủ phải chịu mức giá là 300.000 đồng/5 tiếng. Tại đây cần thủ nào câu được cá thì có thể mang về hoặc bán lại cho chủ hồ tùy theo loại cá câu được. Không những vậy, chủ hồ có quy định, trong giờ câu cần thủ nào câu được con cá to nhất sẽ được giải thưởng là một thùng bia. Hoặc từ 5h sáng đến 17h, cần thủ nào câu được nhiều cá sẽ có phần thưởng là 1 triệu đồng. Chính vì thế trong ca câu của mình, cần thủ nào cũng cố gắng câu được cá nặng hơn để ring tiền thưởng. Anh Nguyễn Quyền – một cần thủ lâu năm cho hay: “Nói là câu cá để giải trí nhưng cũng có tính sát phạt nhau. Đã đến hồ câu dịch vụ thì ai cũng muốn câu được nhiều cá và có trọng lượng cao để kiếm tiền.
Những giải thưởng mà nhà hồ nghĩ ra để thu hút người đến câu.
Tuy nhiên tỷ lệ người được cá rất ít, những người câu được 5-7 con cá thường chỉ được một vài người. Có người câu vài ca cũng chẳng được con nào. Như vậy chẳng phải vì đam mê, ham câu mà vừa mất tiền vé câu, tiền mồi, sắm đồ và cả thời gian nữa. Nhiều khi các cần thủ trong hồ còn tự cá độ với nhau xem ai được nhiều cá sau khi kết thúc ca câu của mình. Nhiều lần anh em nó có tính ăn thua, cay cú cá với nhau cả vài chục triệu”.
Mê thôi đừng mê quá
Khoảng vài năm trở lại đây, anh Nguyễn Thành Nam (42 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) mắc “bệnh” mê câu cá thuộc vào hàng “hết thuốc chữa”. Là giám đốc một công ty về cơ khí ăn nên làm ra nhưng có khi 1 tuần anh Nam phải dành từ 3 đến 4 buổi ngồi lì ở các hồ câu dịch vụ. Anh Nam chia sẻ: “Nghiện quá rồi, không làm thế nào mà dứt ra được. Tuần nào nhiều việc, cần phải đi ký hợp đồng mà không đến hồ được 1, 2 buổi là trong người cứ bứt rứt không yên”.
Việc anh Nam nghiện câu cá thế nào thì không chỉ người thân của anh mà cả công ty anh đều biết rất rõ. Trong khuôn viên công ty, anh Nam cho xây hẳn một cái hồ chứa cá. Cá câu được từ các hồ dịch vụ anh Nam mang về thả vào đó để cho nhân viên công ty “cải thiện” bữa ăn. Nhiều nhân viên của anh nửa đùa nửa thật nói với sếp rằng, “bọn em ngán cá quá rồi sếp ạ”. Mỗi lần như vậy anh Nam thường hay đùa lại “ngán cũng phải ăn để tao còn có cớ đi câu”.
Dù chân còn bó bột nhưng người đàn ông này vẫn có niềm đam mê bất tận với thú câu cá.
Nhà vợ ở Thanh Hóa nên mỗi lần vợ rủ về quê anh Nam đều lấy cớ bận công việc để lấy cớ thoái thác. Biết chồng mê câu cá nên sau này mỗi khi vợ anh có ý định rủ chồng về là đều mang “hồ mới khai trương” ở quê ra dụ anh. Nhờ có món đó mà dạo này anh Nam rất chịu khó về quê vợ.
Đến hồ câu H.T ở Hà Đông, những cần thủ tại đây đã quá quen với cảnh nhiều buổi sáng, vợ của anh Lê Văn Liêm (Kiến Hưng, Hà Đông) lại mang đứa con trai tầm 5 tuổi ra cho chồng trông. Anh Liêm nghiện câu cá đến độ anh thường câu liền một lúc 3 ca (tương đương với… 15 giờ đồng hồ). Thông thường cứ cơm nước xong xuôi buổi tối là anh sẽ vác cần ra hồ câu dịch vụ. Và anh sẽ ngồi một mạch cho đến… trưa hôm sau. Chính vì thế mà buổi sáng vợ anh thường phải mang con ra hồ câu cho chồng trông để đi làm. Chia sẻ với chúng tôi, vợ anh Liêm không giấu được vẻ bức xúc: “Thời gian đầu vợ chồng mình cũng cãi nhau suốt. Đi câu thế vừa tốn tiền tốn của, tốn thời gian và hại sức khỏe. Khi mình nói thì anh ấy bảo đấy là đam mê tao nhã, còn có khối người đàn ông khác mê cờ bạc, rượu chè, gái gú. Giờ thì đất không chịu trời thì trời phải chịu đất thôi”.
Có con trai mê câu cá, bà Nguyễn Thị Thơm, 70 tuổi (Thanh Oai, Hà Nội) nhiều lúc tức như “bị bò đá”. Mỗi lần thấy con trai chuẩn bị đồ câu cho lên xe ô tô là bà Thơm lại càu nhàu: “Mày câu được cá muốn mang cho ai thì cho chứ đừng mang về nhà, tao không làm nữa đâu. Đang đầy cả tủ cấp đông rồi kia kìa, ăn đến Tết cũng chả hết”. Sau nhiều lần bị mẹ thái độ nên anh Lê Phúc Lâm đã tự rút kinh nghiệm. Nếu hôm sau muốn đi câu thì đợi cả nhà đi ngủ anh mới cho đồ câu lên xe. Được cá, anh sẽ gọi bạn bè cho mỗi người một ít, thế là yên cửa yên nhà.
Câu cá là một thú chơi tao nhã nhưng không ít người đã biến nó thành nỗi buồn.
Câu chuyện của anh Văn Dũng (Mậu Lương, Hà Đông, Hà Nội) khiến nhiều người cười ra nước mắt. Trong một lần đi câu cá tự nhiên tại Ba Vì không may anh bị ngã gãy chân. Sau khi khám, bác sĩ quyết định mổ ghép xương, và phải nằm điều trị 4 tháng. Sau khi trở về nhà, máu câu cá của anh vẫn chưa khi nào nguôi, khi chân bớt đau, vẫn còn mang bột nhưng anh Dũng vẫn quyết định vác cần lên đường. Hành động “rồ dại” của anh Dũng gặp phải sự phản đối quyết liệt của người thân.
Anh Dũng kể: “Thực sự câu cá đã ngấm vào máu tôi rồi, nằm ở nhà chân tay bồn chồn lắm. Hôm tôi quyết định đi câu cũng phải nghĩ nhiều kế sách, dù chân vẫn còn đau, bột vẫn bó ở chân. Tôi âm thầm chuẩn bị đồ câu, 3h sáng khi mọi người còn ngủ say tôi lấy xe đi. Sau khi biết chuyện vợ tôi cùng người nhà đi tìm khắp các hồ câu ở Hà Nội nhưng không thấy. Không may là sau lần câu đó, chân tôi lại bị đau thêm và phải trở lại bệnh viện để điều trị”.
Quang cảnh của một hồ câu cá dịch vụ nổi tiếng.
Đợt giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, có không ít người vì quá mê câu cá mà đã không tuân thủ quy định phòng chống dịch và bị phạt tiền. Anh Xuân Sơn (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) kể lại: “Thực sự đó là một thời gian rất kinh khủng với anh em cần thủ nói chung và với tôi nói riêng. Trước khi có dịch một tuần tôi phải đi câu tới 4 ngày, thậm chí ăn nằm ở hồ câu. Vậy mà khi giãn cách xã hội phải nằm nhà thì thực sự rất khó khăn. Có lần không thể chịu nổi tôi quyết định vác cần đi câu, dù chủ hồ không cho nhưng là chỗ quen biết anh ấy tạo điều kiện cho tôi “giải nghiện”. Khổ nỗi, cần vừa thả được 15 phút có hai anh công an đến và đưa tôi về phường. Sau đó tôi đã bị phạt 2 triệu đồng…Trong hội nhóm câu cá thấy anh em “khóc” nhiều lắm bởi có khá nhiều người vì đi “giải nghiện” mà bị phạt như tôi”.