Nỗi cô đơn của nữ phạm nhân vì con mà vướng vòng lao lý

Chồng chết, một mình bươn chải kiếm tiền nuôi con, Nông Thị Tầm (SN 1980, trú tại Thạch An, Cao Bằng) không ngờ sự yêu chiều của mình mà đứa con trai duy nhất hư hỏng, dính nghiện. Để có tiền chu cấp cho con thỏa mãn cơn nghiện, Tầm đã đi mua ma túy về bán lẻ dù biết việc vào trại cải tạo chỉ là một sớm một chiều.

Gương mặt tái xanh, đượm buồn, Tầm bảo cải tạo được 4 năm rồi. Khoảng gần năm nay chị ta phải nằm bệnh xá vì căn bệnh xơ gan cổ trướng. Điều khiến Tầm buồn nhất chính là cậu con trai, kể từ khi chị ta bị bắt giam, chưa một lần tới thăm mẹ.

Tất cả vì con...

Dường như đã chấp nhận buông bỏ tất cả nên trong lúc trò chuyện với chúng tôi, nhắc đến chuyện không được người thân thăm gặp, Tầm cũng không hề tỏ ra oán trách. Chị ta bảo rằng ngày đầu còn nghĩ ngợi và tủi thân nhưng từ khi biết mình mắc bệnh nan y thì không nghĩ gì ngoài việc làm sao có đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật. “Tôi không trách gì gia đình cả vì các anh chị đều lớn tuổi và nghèo. Có đứa con duy nhất thì chắc cũng đang sống khổ sở vì nghiện ngập. Mong mỏi lớn nhất của tôi là được chữa khỏi bệnh, trả hết tội lỗi của mình để có ra đi cũng thanh thản”, Tầm tâm sự.

Theo lời nữ phạm nhân này kể thì chị ta sinh ra trong một gia đình khá giả, có cửa hàng kinh doanh ở chợ Đông Kinh. Cũng được cha mẹ cho ăn học nhưng vì trong đầu lúc nào cũng chỉ nghĩ tới buôn bán làm giàu nên Tầm chỉ học hết cấp hai là nghỉ. Những ngày phụ bố mẹ bán hàng ở chợ đã khiến cô sành sỏi hơn so với các bạn cùng trang lứa. Có lẽ cũng vì những suy nghĩ già dặn hơn các bạn nên Tầm sớm lập gia đình. Chẳng ai nghĩ rằng một người rất thạo bán buôn như Tầm lại có cuộc hôn nhân không hề suôn sẻ. Tầm bảo cô quen chồng trong những lần lên Tân Thanh lấy hàng và dù biết quê chồng cách xa quê mình nhưng vì yêu nên vẫn quyết định lấy. “Chồng tôi quê ở Cao Bằng, anh ấy ra cửa khẩu làm ăn rồi chúng tôi gặp nhau. Sau khi cưới, vì gia đình nên tôi chuyển về quê chồng sinh sống”, Tầm nhớ lại.

Nữ phạm nhân này kể rằng, khi nghe chồng đưa ra quyết định về Cao Bằng sinh sống, trong lòng Tầm không muốn một chút nào vì nghĩ mình lớn lên ở Lạng Sơn, biết buôn bán cũng ở xứ này quen rồi, đi nơi khác có hợp không. Nhưng rồi trước dự định của chồng rằng sẽ về quê mở một cửa hàng tạp hóa để vợ buôn bán thì cô đã gật đầu đồng ý. Tầm bảo không phải vì muốn mạo hiểm mà vì chồng và cũng vì nghĩ đơn giản rằng sống ở đâu thì cũng phải biết buôn bán, thu vén nên đã theo chồng về quê. Thế nhưng có ngờ đâu, khi cuộc sống của Tầm bắt đầu đi vào ổn định nơi quê chồng thì tai ương bắt đầu ập tới. “Chúng tôi mở tiệm bán đồ dân dụng, quần áo, giày dép lấy từ bên kia biên giới về. Tôi bận con nhỏ nên ở nhà bán hàng còn anh ấy lên biên giới lấy hàng. Trong lần đi lấy hàng, anh ấy không may gặp tai nạn, thế mà thiệt người, mất của”, Tầm kể.

30 tuổi đã trở thành góa phụ, Tầm quyết định ở vậy nuôi cậu con trai lúc này đã hơn 10 tuổi, dù biết một vài người đánh tiếng muốn gá nghĩa với cô để có đôi có lứa, nương tựa nhau lúc tuổi già nhưng Tầm từ chối. Chị ta bảo vì thương con nhỏ, cứ nghĩ đến cảnh con thơ sau này phải sống cảnh con chung, con riêng là lại chảy nước mắt. Người đàn bà này kể rằng ngày đó cô chỉ biết lao vào kiếm tiền để quên đi những muộn phiền và cũng để quên rằng mình đang còn son trẻ. Chẳng biết có phải do Tầm mải mê với công cuộc mưu sinh hay con trai sớm mặc cảm, tư ti về cảnh côi cút của mình hay do thiếu bàn tay dạy bảo của người cha mà trở nên hư hỏng. 17 tuổi, con trai Tầm đã bỏ học rồi bỏ nhà đi lang thang. Tâm không còn nghĩ gì đến chuyện buôn bán nữa. Cô giao cửa hàng cho người họ hàng quản lý để đi tìm con.

Đến lúc tìm được thì con trai Tầm đã dính nghiện. “Tôi không biết nó nghiện từ bao giờ nhưng kể từ khi biết thì cuộc sống của tôi trở thành địa ngục. Ngày nào nó cũng tra khảo tôi đòi tiền, không được thì nó bê đồ đi bán. Chỉ có hai năm thôi mà cả một đời tôi chắt chiu, dành dụm tan thành mây khói”, Tầm kể.
Người đàn bà bất hạnh này cho biết, việc mình dính dáng tới ma túy là bước đường cùng của sự bất đắc dĩ chứ trong lòng không hề muốn làm điều đó. “Mỗi lần mua ma túy về bán cho con nghiện, nhìn chúng nó quặt quẹo như con mình, tôi cũng xót xa lắm. Nhưng không có thuốc cho con thì nó đánh chửi. Tôi cũng đã nhiều lần muốn bỏ nhà đi rồi mà không nổi”, Tầm bộc bạch.

Theo người phụ nữ này thì chị ta đã hai lần xin cho con trai đi cai nghiện nhưng mỗi lần trở về, chỉ một thời gian ngắn sau cậu ta lại tái nghiện.

Cán bộ khám sức khỏe định kỳ cho phạm nhân ở trại giam. Ảnh: N.Vũ

Cán bộ khám sức khỏe định kỳ cho phạm nhân ở trại giam. Ảnh: N.Vũ

Mong ước xa vời

Tầm kể rằng, khi bị CA Cao Bằng bắt quả tang đang bán ma túy cho con nghiện, chị ta đã coi đó như một sự giải thoát nhưng rồi thời gian sống trong trại tạm giam chờ ngày ra tòa, Tầm lại không thôi nghĩ về đứa con trai ở nhà. Tầm bảo con mình đẻ ra làm sao có thể bỏ mặc được. Thế nên mỗi bữa cơm hay lúc đi ngủ, Tầm lại trằn trọc nghĩ về con mình, không biết giờ nó ở nhà đang sống thế nào. “Tôi chỉ mong việc mình đi tù là tấm gương để con nhìn vào đó mà tỉnh ngộ. Tôi mong con kể cả có bị bắt đi cai nghiện bắt buộc thì cũng nên tu tâm sửa tính mà làm lại cuộc đời. Ở trong này tôi không cầu điều gì ngoài sức khỏe”, Tầm tâm sự.

Về trại giam Quyết Tiến (Bộ Công an) cải tạo, thời gian đầu chưa phát bệnh, Tầm đi lao động ở đội trồng rau và năm nào cũng được xếp loại khá vì cải tạo tốt. Khoảng gần một năm nay, Tầm thấy sức khỏe giảm sút, bụng to ra nên đã xin cán bộ quản giáo được đi khám bệnh. Qua thăm khám, các bác sỹ trạm xá trại giam đã chuẩn đoán Tầm bị bệnh lý về gan nên đã cho thuốc điều trị. Tầm kể rằng thời gian đó, chị ta được chuyển về lao động ở đội trực sinh, công việc nhẹ nhàng hơn. Mấy tháng nay do hay bị nóng sốt, đi lại nhiều là váng vất đầu óc nên Tầm được về đội bệnh xá, trở thành người thường xuyên có mặt trong khu bệnh xá của phân trại. “Bệnh của tôi chưa đến nỗi nặng lắm nên việc ăn uống hay vệ sinh cá nhân vẫn tự phục vụ được. Mọi người ở đây cùng cảnh đau ốm nên rất đùm bọc, giúp đỡ nhau, có gì cũng chia sẻ”, Tầm kể.

Nữ phạm nhân này thổ lộ rằng điều chị ta mong mỏi nhất là con trai ở nhà không còn nghiện ngập nữa, sớm tu tỉnh làm lại cuộc đời. “Tôi chẳng mong gì cho mình ngoài có sức khỏe để chống chọi với bệnh tật. Tôi chỉ có một tâm nguyện rằng con mình sớm trở thành người bình thường. Biết là như thế là xa vời nhưng tôi vẫn mong mỏi. Biết đâu tội lỗi của tôi là bài học để con tôi thức tỉnh”, Tầm thổ lộ.

Câu nói của Tầm khiến chúng tôi suốt chặng đường về, trăn trở mãi. Phải chăng đến lúc thất bại hay đổ vỡ, người ta mới nghĩ đến hai từ buông bỏ như một cách để bấu víu hoặc ru ngủ bản thân. Tại sao không nghĩ đến kết cục ấy từ khi nó mới manh nha…

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/noi-co-don-cua-nu-pham-nhan-vi-con-ma-vuong-vong-lao-ly-184754.html