Nỗi đau biết trước

Biết trước hậu quả có thể xảy ra mà vẫn không tránh được thì chỉ có thể gọi là chủ quan, vô trách nhiệm với chính bản thân mình và xã hội. Đó là điều chúng tôi muốn nói về những vụ tai nạn đuối nước, đặc biệt là ở trẻ em, những đối tượng được coi là yếu thế trong xã hội.

Dù nhiều ao, hồ, đập có biển cảnh báo nguy hiểm, nhưng không ít trẻ nhỏ vẫn bơi lội, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra

Dù nhiều ao, hồ, đập có biển cảnh báo nguy hiểm, nhưng không ít trẻ nhỏ vẫn bơi lội, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra

Đuối nước có thể xảy ra ở mọi thời điểm trong năm trước mọi đối tượng. Tuy nhiên, thời điểm xảy ra nhiều nhất vẫn là trong mùa hè, khi tiết trời nắng nóng kéo dài và nạn nhân chính là trẻ em ở lứa tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, còn nhiều hạn chế về nhận thức và kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích.

Theo thống kê của các ngành chức năng, trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 trẻ em bị đuối nước. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có tới 8 em thiệt mạng do đuối nước. Đây là nỗi đau, sự mất mát quá lớn đối với gia đình, người thân nạn nhân và toàn xã hội. Đáng nói hơn, những nỗi đau này hoàn toàn có thể tránh được nhưng những vụ việc thương tâm vẫn cứ liên tiếp xảy ra khiến chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi vì sao và làm cách nào để phòng tránh, trách nhiệm thuộc về đâu?

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, người xưa thật chí lý khi cho rằng trước khi trách người hãy xem lại mình trước. Trong trường hợp cụ thể này, hậu quả đau lòng có thể không xảy ra nếu gia đình nào cũng có ý thức phòng tránh tai nạn đuối nước cho con em mình bằng cách cho các em học bơi một cách thuần thục từ nhỏ. Kèm với đó là các kỹ năng phòng tránh đuối nước trong môi trường nước, trường hợp nào có thể tham gia cứu người đuối nước và trường hợp nào cần tuyệt đối tránh xa bởi chưa cứu được người, bản thân đã có thể thiệt mạng.

Ngoài ra, các gia đình cũng phải thường xuyên nhắc nhở con em mình phải có ý thức tự phòng tránh, không để bản thân rơi vào các tình huống nguy hiểm có thể dẫn đến đuối nước.

Với nhà trường, đương nhiên là trong phạm vi chức năng của mình, đều phải thường xuyên giáo dục, dạy dỗ học sinh; có kế hoạch tuyên truyền, tập huấn kỹ năng bơi lội và phòng tránh đuối nước với toàn bộ học sinh ở mọi cấp học.

Bên cạnh đó, các gia đình và nhà trường cũng cần phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý và giám sát trẻ em, đặc biệt là trong những khung giờ như buổi trưa hoặc sau khi tan học, thời điểm mà hầu hết người lớn đều mất cảnh giác và trẻ em có tâm lý xả hơi sau những giờ học tập căng thẳng và nóng bức.

Theo quan điểm của chúng tôi, đối với việc phòng tránh những tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra ở trẻ em, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư cũng có vai trò đặc biệt quan trọng. Do trẻ em là lứa tuổi chưa hoàn thiện về tâm sinh lý nên trong mọi trường hợp đều cần được xã hội và người lớn chung tay bảo vệ.

Chính vì vậy, không thể phó mặc hoàn toàn trách nhiệm cho gia đình và nhà trường, nơi trẻ em theo học. Ngược lại, một phần trách nhiệm chính phải thuộc về chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư. Bởi, hơn ai hết, chỉ có người dân địa phương, chính quyền địa phương mới thông thuộc địa bàn mình sinh sống, quản lý mới biết rõ có những môi trường nước nào tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để áp dụng các biện pháp phòng tránh phù hợp.

Chắc chắn rằng, nếu địa phương nào cũng nắm chắc địa bàn mình quản lý và có biện pháp bảo đảm an toàn quyết liệt, nghiêm túc, tình trạng đuối nước ở trẻ em sẽ giảm mạnh. Ví như triển khai việc lấp các hố sâu không có mục đích sử dụng, lập hàng rào hoặc cắt cử người tuần tra, canh gác tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ đuối nước...

Trước tình trạng số vụ tai nạn đuối có chiều hướng gia tăng, nhất là khi mùa hè đã cận kề, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành văn bản riêng về việc tăng cường phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em.

Đặc biệt, ngay sau khi xảy ra các vụ tai nạn đuối nước thương tâm trên địa bàn huyện Tam Đảo và huyện Bình Xuyên vừa qua, UBND tỉnh đã có công văn hỏa tốc gửi tới UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành, đoàn thể chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị cũng như công tác phối hợp trong việc triển khai tổ chức các biện pháp, giải pháp đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn đuối nước, thương tích cho trẻ em.

Theo đó, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương nếu để xảy ra vụ việc sẽ bị xem xét trách nhiệm cá nhân và áp dụng các hình thức kỷ luật nghiêm khắc, tùy theo mức độ hậu quả.

Với việc áp dụng kịp thời và quyết liệt các biện pháp đồng bộ từ gia đình, nhà trường đến toàn xã hội, tin rằng các vụ đuối nước ở trẻ em sẽ ngày càng được giảm thiểu xuống mức thấp nhất, qua đó, tránh được những nỗi đau không đáng có cùng sự ân hận muộn màng, dằn vặt khôn nguôi của người ở lại.

Bài, ảnh: Quang Nam

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/76903/noi-dau-biet-truoc.html