Nội dung 'Kỹ năng thuần thục' sẽ diễn ra như thế nào tại Army Games 2021

Là một nội dung thi đấu mới tại Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021, 'Kỹ năng thuần thục' hướng tới sự thành thục và nhuần nhuyễn trong kỹ năng sử dụng thiết bị thu, phát sóng vô tuyến để hoàn thành nhiệm vụ trong các điều kiện mô phỏng chiến đấu thực tế.

Đội tuyển “Kỹ năng thuần thục” Việt Nam lần đầu tiên tham gia nội dung này tại kỳ Army Games 2020 và đạt được những thành tích đáng khích lệ. Để giúp độc giả có thể hiểu rõ hơn về nội dung này, Báo QĐND Điện tử gửi tới bạn đọc những bài thi, yêu cầu cũng như tiêu chí đánh giá của Ban tổ chức đối với các đội tuyển tranh tài.

Tại Army Games 2021, tham gia tranh tài tại nội dung “Kỹ năng thuần thục” có 8 quốc gia là: Nga, Belarus, Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Mali, Tajikistan và Uzbekistan. Các giai đoạn thi đấu của nội dung được tổ chức tại Belarus.

Các đội tuyển tham gia tranh tài ở nội dung gồm 24 thành viên, gồm: 1 trưởng đoàn, 1 thành viên ban trọng tài; 1 thành viên ban giám khảo (Giai đoạn thi đấu số 5); 2 huấn luyện viên và 12 thành viên thi đấu, chia thành 3 tổ: Tổ 1 gồm 3 nhân viên điện đài; tổ 2 gồm 6 thành viên phụ trách phương tiện công tác vô tuyến; tổ 3 gồm 3 chuyên viên công nghệ thông tin. Cùng với đó, mỗi đội cũng có thêm 5 thành viên dự bị. Toàn bộ trang bị thi đấu do quốc gia đăng cai tổ chức đảm bảo.

Các chuyên gia IT của Việt Nam được đánh giá cao tại nội dung thi đấu này. Ảnh: Trọng Hải

Các chuyên gia IT của Việt Nam được đánh giá cao tại nội dung thi đấu này. Ảnh: Trọng Hải

Tại nội dung “Kỹ năng thuần thục”, các đội tuyển tranh tài ở 6 giai đoạn thi đấu:

Giai đoạn 1: Kỹ năng thu

Tham gia giai đoạn này là 3 thành viên chuyên gia sóng vô tuyến của mỗi đội tuyển. Yêu cầu của giai đoạn này là các đội tuyển thiết lập kênh tiếp nhận sóng vô tuyến với sự hỗ trợ của máy tính chuyên dụng. Thông qua kênh vô tuyến thiết lập, các đội tuyển phải thu nhận một đoạn tin gồm có 31 chữ cái Kiril (tiếng Nga) và đoạn tin nhắn số hóa gồm 10 chữ số Ả rập.

Kết quả của giai đoạn này căn cứ vào thời gian hoàn thành nội dung thi đấu. Bất kỳ lỗi nào đều tính bằng cách cộng thêm thời gian với thành tích của đội tuyển thi đấu.

Giai đoạn 2: Kỹ năng phát

Tham gia nội dung này là 3 chuyên gia sóng vô tuyến đến từ mỗi đội. Các thành viên phải thực hành truyền điện tín thông qua thiết bị phát sóng chuyên dụng. Ngoài việc thiết lập kênh liên lạc, các đội phải lập giao thức bảo mật tín hiệu sóng. Mỗi đội tuyển sẽ phải truyền đi một bức điện gồm 30 ký tự tiếng Nga và đoạn tin nhắn số hóa gồm 10 chữ số Ả rập.

Kết quả của giai đoạn này căn cứ vào thời gian hoàn thành nội dung thi đấu. Bất kỳ lỗi nào đều tính bằng cách cộng thêm thời gian với thành tích của đội tuyển thi đấu.

 Sử dụng phương tiện thu sóng vô tuyến để tìm đường. Ảnh: Trọng Hải.

Sử dụng phương tiện thu sóng vô tuyến để tìm đường. Ảnh: Trọng Hải.

Giai đoạn 3: Liên lạc mạng vô tuyến điện

Tham gia nội dung này là 3 chuyên gia sóng vô tuyến đến từ mỗi đội. Các thành viên phải tổ chức thiết lập kênh liên lạc với nhau thông qua thiết bị thu, phát sóng vô tuyến; trao đổi thông tin dựa trên cơ sở thiết bị liên lạc vô tuyến cỡ nhỏ. Mỗi thành viên phải thực hiện truyền tải nội dung là 1 chữ cái hoặc 1 chữ số.

Thành tích của giai đoạn dựa vào kết quả truyền và nhận tín hiệu sóng vô tuyến của các thành viên. Các sai phạm và lỗi sẽ trừ vào số điểm tổng của các đội.

Giai đoạn 4: Định hướng vô tuyến

Tham gia nội dung này là 3 chuyên gia sóng vô tuyến đến từ mỗi đội với sự hỗ trợ của la bàn và các bộ máy thu, phát sóng vô tuyến. Theo đó, các thành viên sử dụng máy thu sóng vô tuyến và la bàn để định vị và tìm tuyến đường tới 6 thiết bị phát sóng vô tuyến trong thời gian ngắn nhất. Bài thi được thực hiện vào buổi tối.

Kết quả của nội dung được tính dựa trên thời gian các thành viên hoàn thành nội dung thi, bao gồm cả các lỗi phạt thời gian.

Giai đoạn 5: Làm việc với các thiết bị cấu trúc IT

Tham gia tranh tài là 3 chuyên gia IT của mỗi đội với trang bị chuyên dụng. Yêu cầu của giai đoạn thi này là các đội triển khai đường dây thông tin cáp quang và đường cáp đồng tại hiện trường; khôi phục phần bị hư hỏng của FOCL và PKL; đo các thông số của PVOLS và PKL; cấu hình thiết bị CNTT với việc tổ chức hội nghị truyền hình giữa những người tham gia cuộc thi.

Thành tích của giai đoạn này được tính bằng thời gian hoàn thành các bài thi bao gồm cả thời gian trừ bởi lỗi và phạt.

Triển khai anten phát sóng trên xe chuyên dụng. Ảnh: Trọng Hải.

Triển khai anten phát sóng trên xe chuyên dụng. Ảnh: Trọng Hải.

Giai đoạn 6: Tiếp sức quân sự

Tranh tài ở nội dung này là 6 thành viên tổ xe công tác vô tuyến và được chia thành 2 nhóm với các phương tiện chuyên dụng.

Nhóm số 1 sẽ xuất phát trước với các khoa mục: Hành quân, cơ động phương tiện chuyên dụng, triển khai đường tín hiệu thu phát, bắn súng và trở về vị trí quy định để nhóm 2 xuất phát.

Nhóm số 2 sau khi xuất phát sẽ vượt chướng ngại vật, cơ động xe thu, phát tín hiệu và về đích. Ở giai đoạn thi này, các thành viên sẽ phải hoàn thành bài bắn súng quân sự với súng trường AK-74 hạ 5 bia mục tiêu ở khoảng cách 100m.

Kết quả chung cuộc:

Thành tích tổng của mỗi đội dựa trên kết quả đạt được ở mỗi giai đoạn thi. Đội tuyển có số điểm cao nhất ở giai đoạn nào sẽ được công nhận chiến thắng ở giai đoạn đó.

Trong khuôn khổ Army Games 2020, đội tuyển Thông tin liên lạc đã tạo nên bất ngờ lớn khi về nhì ở môn thi “Làm việc với các thiết bị cấu trúc IT”. Với khẩu hiệu ngắn gọn “Không gì là không thể” dán trên mũ hay trước bàn huấn luyện, các vận động viên đội tuyển Thông tin liên lạc đang khẩn trương rèn luyện để tham gia Hội thao Quân sự thế giới Army Games 2021 đạt kết quả tốt nhất.

Trailer thi đấu của nội dung "Kỹ năng thành thục" do Ban tổ chức Army Games 2021 cung cấp.

TUẤN SƠN (theo Armygames.mil)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/army-games-2021-viet-nam/noi-dung-ky-nang-thuan-thuc-se-dien-ra-nhu-the-nao-tai-army-games-2021-669097